Hãy để các "nàng Kiều" bước ra ánh sáng

Ngày 31/12/2015 11:11 AM (GMT+7)

Tại một cuộc hội thảo do Bộ Lao động thương binh và xã hội tổ chức ở Hà Nội mới đây, lần đầu tiên những người phụ nữ bán dâm xuất hiện công khai kể chuyện nghề. Họ là những “nàng Kiều” đầu tiên bước ra ánh sáng, dù việc hợp pháp hóa đối với công việc của họ vẫn còn nhiều trở ngại.

Hơn một thập kỷ trước, khi đại dịch AIDS đời đầu tấn công xã hội Việt Nam, vấn đề hợp pháp hóa hoạt động mại dâm đã từng được khởi xướng trên tờ báo Lao Động của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, “cuộc cách mạng giải cứu những nàng Kiều” trên báo Lao động đã nhanh chóng bị vùi dập bởi những tiếng nói đanh thép của một tổ chức xã hội khác, đó là Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Những người đại diện cho tiếng nói của phụ nữ Việt Nam lớn tiếng cho rằng, hợp pháp hóa mại dâm là một việc góp phần làm băng hoại đạo đức, đi ngược lại quyền lợi của người phụ nữ Việt Nam…

Dẫu quan điểm ấy không thực sự thuyết phục, song điều đó có lợi cho các bà vợ, và đương nhiên những tiếng nói phản bác được cất lên vô cùng yếu ớt. Bản thân những người phụ nữ trong cuộc, những cô gái mại dâm thì danh phận còn không được công khai, đâu có tư cách để lên tiếng.

Bởi thế, việc hợp pháp hóa mại dâm đã nhanh chóng chìm vào bóng tối, và trong hơn 10 năm qua, rất ít khi được đề cập trở lại.

Tháng 10 năm nay, đề xuất thành lập khu phố đèn đỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh để quản lý mại dâm cũng đã bị thẳng thừng bác bỏ.

Hơn 4 năm trước, một ngày đẹp trời đầy ý nghĩa - Ngày Gia đình Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, người phụ nữ quyền lực nhất Bộ Lao động-TB&XH khi đó, cơ quan giữ chức năng phòng chống mại dâm, đã chính thức đưa ra quan điểm không nên coi mại dâm là một tệ nạn xã hội.

Hãy để các quot;nàng Kiềuquot; bước ra ánh sáng - 1

Hãy để những "nàng Kiều" bước ra ánh sáng. Ảnh minh họa

Góc nhìn mới mẻ này ngay lập tức cũng nhận được sự đồng tình của Phó thủ tướng chính phủ Trương Vĩnh Trọng. Ông cho rằng đó là một xu hướng tích cực và khách quan khi mà ở xã hội Việt Nam, người nhiễm HIV/AIDS được nhìn nhận với con mắt cảm thông, thì phụ nữ bán dâm cũng cần được thông cảm và giúp đỡ. Nên coi mại dâm là một hiện tượng chứ không phải tệ nạn xã hội.

Góc tiếp cận về nghề mại dâm không phải là một cảm xúc bất chợt của cá nhân bà Bộ trưởng khi đó, nay là Phó Chủ tịch Quốc hội. Điều đó được hình thành bởi quá trình trải nghiệm thực tiễn của một người quản lý các vấn đề an sinh xã hội.

Hàng trăm ngàn phụ nữ hành nghề mại dâm trên đất nước ta đang phải sống và làm việc trong bóng tối, như những tên tội phạm, bị truy quét, bị bóc lột, bị bạo hành, bị khinh rẻ và không được bảo vệ bởi bất cứ định chế pháp luật nào. Đó là điều phi lý, đặc biệt phi lý khi thân phận của những "nàng Kiều" bị bỏ rơi trong một xã hội mà mỗi con người đều lớn lên trong lời ru từ "Truyện Kiều", và cha đẻ của nàng Kiều là danh nhân văn hóa.

Nhưng, một lần nữa, việc hợp thức hóa mại dâm lại rơi vào im lặng.

Trong một xã hội mà những vấn đề nữ quyền còn bị cản trở từ chính nhận thức của những người phụ nữ, việc không coi mại dâm là một tệ nạn xã hội đến việc hợp pháp hóa nghề bán dâm là một quãng đường xa, có thể là rất xa.

Song, khi mà những “nàng Kiều” đã có thể xuất hiện trong một cuộc hội thảo, kể câu chuyện của mình trước sự cảm thông của công luận qua báo chí, thì người ta có thể hi vọng vào một tương lai sáng sủa hơn cho họ. Khi không còn bị coi là đối tượng cần truy quét, cần tập trung cải tạo, họ sẽ tự tin bước ra ngoài ánh sáng, tự tin tiếp cận các phương thức bảo vệ bản thân như dịch vụ y tế, an ninh, và cả bảo hiểm. 

Khi những “nàng Kiều” bước ra khỏi bóng tối, tương lai không chỉ sáng sủa hơn đối với bản thân họ, mà sự lành mạnh của xã hội cũng sẽ được đảm bảm dễ dàng hơn. Khi mà công việc bán dâm bị coi là bất hợp pháp, dĩ nhiên các cơ sở mua bán dâm sẽ không quan tâm đến bất kỳ yếu tố pháp luật nào, bởi dù sao thì cũng đã ngoài vòng pháp luật.

Còn khi mại dâm được coi là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, muốn tồn tại, họ phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về y tế, an ninh, và đặc biệt là thuế. Lúc đó, việc kinh doanh trên thân xác phụ nữ vốn dĩ chỉ mang lại siêu lợi nhuận cho các tổ chức tội phạm sẽ được chuyển hóa.

Những người phụ nữ làm nghề bán dâm sẽ có điều kiện thành lập công đoàn, nghiệp đoàn theo luật định. Họ sẽ được bảo vệ, được đảm bảo an toàn lao động, được đưa ra thỏa ước lao động tập thể về lương bổng, điều kiện lao động và được đóng thuế để thực hiện nghĩa vụ đối với xã hội. 

Không chỉ những “nàng Kiều”, những người độc thân cũng sẽ dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tình dục để giải tỏa nhu cầu sinh lý một cách đàng hoàng. Điều đó, chắc chắn sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm các chứng bệnh xã hội, và số vụ cưỡng dâm vì ức chế tình dục cũng sẽ ít đi. Vì vậy, hi vọng rằng xu hướng tiếp cận mới về hoạt động mại dâm sẽ được nhìn nhận một cách nghiêm túc, vượt qua những rào cản để sớm trở thành một chính sách xã hội thực tiễn và nhân văn.    

Phạm Trung Tuyến
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG