Tìm kiếm “Vợ người ta” có gì để xấu hổ

Ngày 30/12/2015 17:32 PM (GMT+7)

Mọi người đồng loạt đặt câu hỏi tại sao người Việt Nam không tìm kiếm thông tin về giáo dục, chính trị, thời sự trên mạng?

Trong những ngày qua, có rất nhiều xôn xao xung quanh “top 10” từ khóa được người Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong năm 2015.

10 từ khóa này, hẳn nhiều người đã biết, bao gồm từ khóa “hot” nhất là “Vợ người ta” của Phan Mạnh Quỳnh và hàng loạt các bài hát khác của Sơn Tùng M-TP. Nói tóm lại toàn là nhạc trẻ.

Nhiều người cảm thấy “xấu hổ” vì nếu so sánh với những quốc gia châu Á xung quanh, thì người ta nào là tìm kiếm thông tin về dịch bệnh, thông tin về chính trị, thể thao văn hóa, nào là MERS, Lý Quang Diệu, SEAGames... còn ở nước ta thì toàn là nhạc não tình.

Vấn đề này được quy kết cho “dân trí” và thoạt trông thì có vẻ rất đúng bởi vì nếu đặt một bạn trẻ chỉ chuyên chú nghe nhạc não tình với một bạn trẻ muốn biết về tiểu sử của thủ tướng Singapore thì rõ ràng là có sự khác biệt lớn.

Nhưng có một chi tiết nhiều người bỏ qua khi bàn đến chuyện này. Mọi người đồng loạt đặt câu hỏi tại sao người Việt Nam không tìm kiếm thông tin về giáo dục, chính trị, thời sự trên mạng, mà không ai đặt câu hỏi đơn giản nhất: Tại sao người Việt Nam lại tìm bài hát trên Google?

Câu trả lời tưởng như có vẻ cũng rất đơn giản: để nghe nhạc. Nhưng câu trả lời này thực chất phản ánh một bối cảnh rất phức tạp, điều khiến Internet nước ta khác với nước bạn.

Tìm kiếm “Vợ người ta” có gì để xấu hổ - 1

Nhạc miễn phí đầy trên mạng. Người ta gõ tên bài hát “Vợ người ta” hay “Âm thềm bên em” lên Google bởi vì họ biết rằng tiếp sau đó sẽ một chuỗi cả trăm cả nghìn kết quả, các trang nghe nhạc online, tải nhạc miễn phí. Và thực tế này tồn tại bởi vì luật bản quyền ở nước ta vốn lâu nay chỉ tồn tại cho có.

Ở các nước thực thi luật bản quyền chặt chẽ, việc tìm kiếm “nhạc miễn phí” trên mạng là rất khó khăn, nếu không muốn nói là nguy hiểm. Người ta có thể bị phạt hàng chục nghìn USD nếu tải nhạc lậu, điều mà giới trẻ nước ta làm như cơm bữa với hàng đống website hỗ trợ điều này.

Nếu một cư dân của một nước phát triển, như Mỹ hay Nhật, muốn tìm nhạc, họ sẽ biết địa chỉ mình phải đến: một cửa hàng mua nhạc trực tuyến, như iTunes chẳng hạn, vì nó là loại hàng hóa có trả tiền. Hoặc nếu muốn nghe miễn phí thì họ biết rằng mình sẽ phải vào YouTube. Họ không gõ tên bài hát lên Google và chắc mẩm rằng kiểu gì cũng có “nhạc miễn phí”.

Âm nhạc và thông tin thời sự là hai loại hàng hóa không đồng đẳng. Thông tin thời sự thì miễn phí (các nhà sản xuất chỉ thu quảng cáo), còn âm nhạc là hàng hóa có phí, chuyển giao theo hình thức mua-bán.

Nếu âm nhạc và thời sự mà đồng đẳng, tức là như ở nước ta, luật bản quyền chẳng có giá trị gì, cái gì cũng miễn phí, cái gì cũng “Gúc” một phát là ra, thì có một chân lý đơn giản là không thể nào có chuyện thời sự cạnh tranh được với giải trí.

Đằng sau cái hành vi đơn giản là “tìm nhạc trên Google” của người Việt Nam phản ánh một thị trường đầy những bất công, với tập tính tiêu thụ phi logic của người dùng.

Có một nhà kinh doanh âm nhạc có tiếng từng hỏi tôi rằng anh có biết tại sao âm nhạc Việt Nam không thể phát triển không? Bởi vì ở nước bạn, các sản phẩm âm nhạc chất lượng được đầu tư bởi các hãng đĩa. Còn ở nước ta, các hãng đĩa làm ra sản phẩm chẳng bán được cho ai. Ai cũng lên Google là có nhạc. Ca sỹ muốn mưu sinh thì đi chạy show tối ngày.

Đừng hỏi tại sao người Việt Nam không đi tìm thông tin thời sự trên Google, mà hãy hỏi tại sao người Việt Nam lại đi tìm bài hát trên Google, bức tranh Internet rất “đặc thù” của nước ta sẽ hiện ra.

Theo Đức Hoàng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG