Bếp là "trái tim" của ngôi nhà và được cho là "kho lương" của gia đình.
Căn bếp không chỉ là nơi tạo ra những món ăn ngon mà còn là không gian quan trọng truyền tải sự ấm áp, hạnh phúc của gia đình. Vì vậy, cách bài trí trong bếp rất quan trọng.
Khi sắp xếp, bài trí nhà bếp, dù căn bếp nhỏ đến mấy cũng nên giải phóng 3 nơi này. Chỉ khi như vậy mới có thể đảm bảo được sức khỏe cho các thành viên trong nhà cũng như sự thoải mái cho người nấu nướng.
1. Không gian xung quanh bếp phải rộng rãi
Bếp là "trái tim" của ngôi nhà và được cho là "kho lương" của gia đình. Trong phong thủy, vị trí đặt bếp và môi trường xung quanh có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tài lộc của gia đình. Để đảm bảo bếp có thể phát huy tác dụng tối đa, xung quanh bếp cần có một khoảng không gian nhất định, không nên để đồ đạc lộn xộn, chất đống ở đây.
Đầu tiên, không gian xung quanh bếp giúp không khí lưu thông và ngăn khói dầu tích tụ. Nếu khói dầu sinh ra trong quá trình nấu nướng không được xả kịp thời sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự sạch sẽ của căn bếp mà còn gây hại cho sức khỏe của gia đình bạn.
Đặc biệt là trong những căn bếp hiện đại thường thiết kế mở, khói dầu có thể dễ dàng lan sang phòng khách và các khu vực khác. Vì vậy, việc duy trì khoảng trống xung quanh bếp có thể cải thiện chất lượng không khí trong nhà một cách hiệu quả và bảo vệ sức khỏe cho gia đình bạn.
Thứ hai, không gian xung quanh bếp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nấu nướng. Nếu bếp lộn xộn, chất nhiều đồ đạc thì không những bất tiện khi nấu nướng, tiếp cận các vật dụng nhà bếp mà còn dễ xảy ra tai nạn.
Ví dụ như vô tình làm đổ đồ đạc khi đang nấu ăn, hay dầu nóng đổ ra hoặc các vật dụng xung quanh bắt lửa sẽ gây ra những rắc rối và nguy hiểm không đáng có. Vì vậy, việc giữ cho khu vực xung quanh bếp sạch sẽ, thông thoáng không chỉ giúp nâng cao hiệu quả nấu nướng mà còn đảm bảo an toàn.
2. Không gian dưới bồn rửa luôn sạch sẽ và thông thoáng
Theo các chuyên gia, dưới bồn rửa nên được giữ trống để đảm bảo vệ sinh. Mặc dù nhiều người thường tận dụng không gian dưới bồn rửa để lưu trữ dụng cụ vệ sinh và các vật dụng khác, nhưng vị trí này thực tế dễ bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển.
Việc để quá nhiều đồ đạc dưới bồn rửa không chỉ làm tăng nguy cơ ô nhiễm mà còn có thể khiến các vật dụng dễ hỏng hóc hơn. Thậm chí, một số thứ còn có thể xảy ra phản ứng hóa học trong môi trường ẩm ướt, thải ra các chất độc hại. Do đó, tốt nhất là chỉ để những vật dụng không sợ ẩm ở khu vực này và thường xuyên kiểm tra, vệ sinh vị trí này.
Ngoài ra, việc giữ cho không gian dưới bồn rửa thông thoáng cũng giúp việc bảo trì và sửa chữa đường ống dễ dàng hơn. Nếu xảy ra hiện tượng rò rỉ hoặc tắc nghẽn, việc tìm kiếm và xử lý sự cố sẽ trở nên khó khăn hơn nếu có quá nhiều đồ đạc đặt dưới bồn rửa. Vì vậy, việc giữ cho khu vực này sạch sẽ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn tiết kiệm thời gian cũng như chi phí sửa chữa.
3. Trước cửa sổ nhà bếp cần có không gian
Cửa sổ không chỉ là nơi cung cấp ánh sáng tự nhiên mà còn là nơi lưu thông không khí. Việc giữ không gian phía trước cửa sổ thông thoáng không chỉ giúp không khí trong bếp lưu thông mà còn cho phép ánh sáng chiếu vào, cải thiện độ sáng và chất lượng không khí trong bếp.
Nếu để đồ đạc chất đống hoặc cây xanh chắn trước cửa sổ thì ánh sáng vào bếp sẽ bị cản trở và hiệu quả thông gió cũng giảm sút. Đặc biệt trong quá trình nấu nướng, khói dầu và hơi nước cần được thoát ra ngoài qua cửa sổ.
Nếu không gian trước cửa sổ bị chặn sẽ dễ dẫn đến tình trạng tích tụ khói và hơi nước, gây ẩm ướt và mùi hôi khó chịu trong bếp. Vì vậy, việc giữ không gian phía trước cửa sổ có thể cải thiện hiệu quả khả năng thông gió và chiếu sáng của nhà bếp, đồng thời nâng cao sự thoải mái cho cuộc sống.
Ngoài ra, không gian mở trước cửa sổ còn giúp căn bếp trông rộng rãi hơn, mang lại sự thoải mái cho người sử dụng.