Các NTK tương lai của Mỹ Thuật Công Nghiệp đem đến những sáng tạo thời trang như thế nào trong buổi thi tốt nghiệp.
Tính ứng dụng cao
Khi nghe đến những buổi trình diễn thời trang ở Việt Nam, độc giả thường dễ liên tưởng đến các trang phục dạ hội, trang phục cầu kì mang nặng tính biểu diễn, khó mặc trong ngày thường. Nhưng đến với lễ bảo vệ tốt nghiệp thời trang của trường Mỹ Thuật Công Nghiệp, có những trang phục bạn sẽ muốn mua ngay lập tức, không ngần ngại diện ra phố, đến công sở hay đi dự những sự kiện bán chính thức hàng ngày.
Khi hướng dẫn các sinh viên làm tốt nghiệp, tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất, các giảng viên khoa thời trang hướng đến là tính thị trường. Các sinh viên phải tìm hiểu các xu hướng mốt trên thế giới và sự ảnh hưởng của những xu hướng đó tới thị trường thời trang Việt Nam theo từng đề tài đã chọn: trang phục dạo phố, công sở hay dự tiệc... Các thông tin đó được các bạn áp dụng trong các mẫu thiết kế, để tạo ra các sản phẩm hợp mốt, ứng dụng được ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Thiết kế dạo phố thu đông, ứng dụng cao dựa trên nghiên cứu trang phục thủy quân thế kỉ 19 của bạn Vũ Thị Thúy Hằng
Trang phục đi xem biểu diễn rock, mạnh mẽ phá cách, rất hợp hoàn cảnh của bạn Bùi Thị Hồng Nhung
Tính ứng dụng cao còn được thể hiện bởi sự tinh ý trong cách kết hợp trang phục, phụ trang đi kèm. Thiết kế của những NTK trẻ ĐH.Mỹ Thuật Công Nghiệp đã bước đầu cung cấp những gợi ý kết hợp phụ trang cụ thể để hoàn thiện phong cách, chứ không làm bạn rối trí với việc lựa chọn giày nào? túi nào? trang sức nào? cho các trang phục đặc biệt đó.
Kết hợp phụ trang: giày, vòng cổ, túi , clutch, khăn voan... hài hòa trên trang phục
Chất liệu phong phú, độc đáo
Không chỉ còn dừng lại trong việc sáng tạo những kết cấu trang phục, các NTK thời trang tương lai của Việt Nam, đã đầu tư, tìm tòi hơn trong việc tạo nên những bề mặt chất liệu mới. Không chỉ thiết kế trên vải mua sẵn ngoài thị trường, họ tăng tính độc đáo cho thiết kế của mình bằng cách xử lý chất liệu như: in nhuộm vải, chần chỉ, thêu tạo bề mặt, cắt laze tạo hoa văn, tán đinh... Tận dụng và phát huy các làng nghề thủ công của Việt Nam: thêu đính, xi-móc, đan, móc...
Bùi Thị Hồng Nhung không chỉ tạo họa tiết sọc kẻ riêng biệt cho thiết kế của mình mà còn tạo được bề mặt chất liệu với phương pháp chần chỉ
Những chi tiết thêu đính cầu kì không chỉ có tác dụng trang trí mà còn thay đổi bề mặt chất liệu
Kĩ thuật, đan móc thủ công đem lại bề mặt đặc biệt cho thiết kế
Mời các bạn đón đọc bài viết "Thiếu trải nghiệm NTK trẻ mắc lỗi trong thiết kế" để tìm hiểu những yếu điểm mà sinh viên thời trang vẫn còn mắc phải trong bài thi tốt nghiệp của mình vào lúc 14h, ngày mai thứ 5 ngày 6/6 trên chuyên mục thời trang của Eva.vn |