Thói quen mua sắm xa xỉ của cậu ấm cô chiêu giàu có tại Mỹ

Ngày 16/09/2015 00:06 AM (GMT+7)

Bạn sẽ bị mê hoặc và thêm một chút bối rối khi chứng kiến lối sống như "mạ vàng" của những người trẻ tuổi sống tại vùng giàu có nhất New York.

Bước qua mỗi con phố của quận Manhattan - một trong 5 quận đông dân và giàu có nhất của thành phố New York, khách tham quan sẽ bắt gặp hình ảnh những nam thanh nữ tú ngồi túm năm tụm bảy tán gẫu, phiếm chuyện vui vẻ trước và sau mỗi giờ học trên lớp, thậm chí, họ còn ngồi tràn ra cả vỉa hè để nói cho thỏa những câu chuyện hàng ngày.

Đó dường như là một hình ảnh quá đỗi bình thường của học sinh thế nhưng những câu chuyện mà các cô bé cậu bé mới lớn được sinh ra ở vùng đất giàu có bậc nhất nước Mỹ này lại không hẳn xoay quanh chuyện bài vở, học hành hay chuyện gia đình.

Khi nghĩ đến hình ảnh học sinh New York, nhiều người sẽ liên tưởng đến hình ảnh các cô cậu với balo Jansport hay túi xách LL Bean thế nhưng với những học sinh quận Manhattan, họ sẽ chỉ thực sự chào đón bạn khi bạn khoác trên tay chiếc túi da xa xỉ của Proenza Schouler hay Goyard.

Bạn sẽ bắt gặp các cô cậu xì tin đi trên phố trên những đôi loafer từ thương hiệu xa xỉ bậc nhất nước Ý, Tod, thay vì những đôi giày thể thao sneaker năng động. Ngoài chuyện tình yêu, họ khoái chí khi nhắc đến chiếc túi xách Chanel mới tậu hay vừa được mẹ cho tiền mua đôi giày đế đỏ Christian Louboutin huyền thoại để kịp tham dự bữa dạ tiệc sắp tới được tổ chức ở trường.

Bạn sẽ bị mê hoặc và thêm một chút bối rối khi chứng kiến lối sống như "mạ vàng" của những người trẻ tuổi sống tại vùng giàu có nhất New York nói riêng và nước Mỹ nói chung. Những người trẻ giàu có ở New York "chơi" thời trang như một tín đồ thực thụ.

Họ đam mê và theo đuổi hàng hiệu, không ngừng bàn tán về một sản phẩm đắt đỏ vừa ra mắt và ghen tị "ngầm" với nhau khi một cô bạn vừa tậu được món đồ phiên bản "limited" của một hãng thời trang danh giá.

Thói quen mua sắm xa xỉ của cậu ấm cô chiêu giàu có tại Mỹ - 1

Những người trẻ giàu có ở New York "chơi" thời trang như một tín đồ thực thụ.( Ảnh minh họa)

Mỗi tháng đều có "trợ cấp mua sắm"

Hầu hết giới teen Manhattan đều có tiền trợ cấp mua sắm từ bố mẹ, đây là một điều rất phổ biến và được xem là lẽ thường tại quận giàu có này. Với khoản tiền từ 500 - 1.500 đô la Mỹ ( từ 11 - 32 triệu mỗi tháng), nhiều bạn trẻ Manhattan đang tiêu tốn số tiền nhiều hơn tiền  lương tối thiểu trung bình hàng năm của một người lao động bình dân. "Lúc vào năm học mới, số tiền này thậm chí còn được nhiều hơn" - Một bạn trẻ thừa nhận.

Họ trung thành tuyệt đối với một số thương hiệu

Hầu hết các bạn trẻ giàu có tại New York thường chỉ tìm đến một vài thương hiệu nhất định bao gồm Chanel, Tod’s, Céline, Lululemon, Louis Vuitton, Jennifer Fisher và Tory Burch. Trên thực tế, nếu lướt qua tài khoản Instagram của những nam thanh nữ tú này bạn sẽ thấy chiếc túi xách Celine Phantom được xem như là sản phẩm bình dân nhất của giới học sinh.

Họ tham dự nhiều sự kiện lớn, như tiệc prom

Học sinh dự tiệc tùng là chuyện bình thường trong thời đại ngày nay nhưng những cô cậu teen của thành phố Manhattan lại xem việc dự tiệc quan trọng như khi đi dự tiệc cưới. Kế hoạch cho một bữa tiệc thậm chí còn được lên từ một năm trước và trang phục dự tiệc còn được đặt thiết kế riêng mà không hề đụng hàng. Hoặc cùng lắm, váy đầm cũng phải được đặt từ trang Net-a-Porter.

Có "chuyên gia mua sắm riêng". Personal shoppers - những người chuyên đưa ra tư vấn trang phục cho các khách hàng - hiện đã có mặt tại rất nhiều cửa hàng thời trang tại New York như một dịch vụ giúp các khách hàng trong việc lựa chọn trang phục phù hợp nhất với mình. Personal shoppers là công việc thường gắn liền với hình ảnh của các ngôi sao trong giới giải trí, những người rất chăm chút về hình ảnh và dư giả về tiền bạc để chi trả cho dịch vụ "sang chảnh" này.

Nhưng những cô gái tuổi teen sành điệu của thành phố Manhattan cũng có điều kiện để tiếp cận với dịch vụ personal shoppers. Ngoài việc tham khảo ý kiến của mẹ, chị em gái hay bạn bè thì các quý cô cũng trông cậy rất nhiều vào các chuyên gia tư vấn tại các cửa hàng thời trang uy tín như Barneys và Bloomingdales.

Những chuyên gia này sẽ "để mắt" tới mọi sản phẩm mới có mặt trong cửa hàng mà có thể phù hợp với các khách hàng tuổi teen của mình. Sau đó sẽ gửi email thông báo về địa chỉ riêng và khi đó, các bạn trẻ chỉ việc cầm tiền tới và tậu ngay món đồ đó bổ sung cho tủ quần áo.

Thói quen mua sắm xa xỉ của cậu ấm cô chiêu giàu có tại Mỹ - 2

"Thời trang ăn liền" luôn lép vế

Mặc dù không ai phản đối việc mua sắm tại các cửa hàng bình dân như Zara hay H&M nhưng  đó chưa bao giờ là lựa chọn hàng đầu của họ. Thay vào đó, nếu như tủ quần áo không ngập tràn các món đồ từ thương hiệu xa xỉ thì ít nhất cũng phải đến từ những cái tên hạng sang hơn như Reformation, Free People, Lovers + Friends hay J Brand.

Quần áo thể hiện đẳng cấp, địa vị

Dù không thích sự phân cấp này những nhiều bạn trẻ phải thừa nhận rằng những gì họ mặc có sức ảnh hưởng tới thái độ, cách nhìn của những người xung quanh. Không có được món trang sức mới nhất hay thiếu đi gu thẩm mỹ, họ sẽ bị lạc lõng giữa nhóm bạn luôn nhanh nhạy với các xu hướng và bộ sưu tập mới. "Không phải cứ mặc đẹp mới là tất cả". - một bạn trẻ chia sẻ.

Trường nào, hàng hiệu nấy

Đẳng cấp chơi hàng hiệu của giới teen giàu có ở thành phố New York cũng được phân loại theo trường học. Ví dụ như những học sinh đến từ ngôi trường có uy tín với mức học phí đắt đỏ như  Upper East Side Chapin thường tìm đến các thường hiệu xa xỉ như Louis Vuitton hay Chanel. Trong khi đó, học sinh ở các trường tư như Brooklyn’s St. Ann’s lại thường mặc đồ từ các thương hiệu như Proenza Schouler và Margiela.

Minh Hoàng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan