Trời se lạnh không ăn 5 món ấm nóng lại cực ngon này thì quá "phụ" thời tiết

Minh Ngọc - Ngày 11/10/2022 12:01 PM (GMT+7)

Với thời tiết có chút lành lạnh thì những món ăn chơi thơm ngon, nóng hổi này thực sự là một gợi ý hay để thưởng thức.

ỐC LUỘC

Chuẩn bị:

- Ốc mít, ốc nhồi, ốc đá, ốc vặn tuỳ sở thích

- Ớt, trứng gà, nước gạo

- Pha nước chấm ốc: Sả, gừng đập dập băm nhỏ hoặc xay nhỏ, quất, ớt, mắm, đường, mì chính, lá chanh, rau mùi (tùy sở thích).

Cách làm:

Bước 1: Ngâm rửa ốc

- Ốc mua về rửa sạch khoảng 3 lần rồi đổ nước ngập ốc. Nếu có nước gạo thì đổ vào thay cho nước lã, cắt thêm 3-4 quả ớt cay và đập 1-2 quả trứng gà vào chậu ngâm ốc. Ớt là để ốc nhanh nhả bẩn còn trứng gà là để ốc ngâm mà không bị gầy đi. Cách 3 tiếng thay nước 1 lần.

- Với cách này thì chỉ cần ngâm từ sáng đến tối (8-10 tiếng) là triển khai được.

Bước 2: Luộc ốc

- Sau khi ngâm ốc từ 8-10 tiếng thì đem rửa thật sạch lại ốc.

- Cho ốc vào nồi thêm chút muối hạt (hoặc nước mắm), sả 5 củ đập dập, lá chanh và thêm 3 thìa ăn cơm mẻ. Nếu ai muốn uống nước ốc thì thêm 2 bát con nước.

- Đậy vung bật to lửa, khi nồi ốc sôi khoảng 2 phút thì kiểm tra bằng cách xem vảy ốc đã bong chưa, khoảng 70% vảy ốc bong thì là ốc đã chín, lúc này phải tắt bếp luôn rồi múc ra bát ăn. Vì ốc luộc kĩ quá sẽ quắt lại không ngon.

Bước 3: Pha nước chấm ốc

- Sả thái lát hoặc băm nhỏ. Gừng đập dập rồi băm nhỏ hoặc xay nhỏ. Lá chanh thái chỉ. Ớt băm nhỏ.

- Pha nước mắm, đường với nước nguội, nêm nếm thấy vừa miệng bạn là được vì có người thích ăn nhạt hoặc đậm đà. Thêm xíu mì chính nếu thích. Sau đó chỉ việc cho sả, ớt, gừng cùng lá chanh vào là xong. Nếu ai thích ăn rau mùi có thể thêm rau mùi thái nhỏ.

Ốc luộc múc ngay ra bát rồi thưởng thức cùng nước chấm thôi. Ốc luộc kiểu này vừa dai dai giòn giòn, thịt mẩy, thơm nức, không tanh chấm chìm trong bát nước chấm với đủ vị chua cay, mặn ngọt thật không gì hấp dẫn bằng.

Trời se lạnh không ăn 5 món ấm nóng lại cực ngon này thì quá amp;#34;phụamp;#34; thời tiết - 1

NGAO HẤP SẢ

Nguyên liệu:

- 500g ngao

- 2-3 nhánh sả, thái lát; 2 lát gừng; 2 tép tỏi bóc vỏ và thái lát; 2 quả ớt; bot hạt; xắt nhỏ; 30ml nước mắm; 15g đường; hạt tiêu xay; húng quế; nước

Cách làm:

Cho ngao vào rửa sạch. Chà xát vỏ nếu cần. Sau đó ngâm ngao trong chậu nước có pha chút muối trong 4 giờ. Bạn có thể rửa sạch và thay nước 1-2 lần trong quá trình ngâm nếu có thể.

Đun sôi 1 ít nước trong một chảo. Tắt bếp và thêm ngào vào nồi nước rồi đậy vung lại. Trong vài giây, ngao sẽ mở miệng sau đó vớt ngao ra khỏi nồi. Nước ngao gạn bỏ sạn.

Cho sả, gừng, tỏi, ớt vào nồi nước ngao, có thể thêm nước nếu cần. Đun sôi nồi nước. Để nhỏ lửa trong 10-15 phút. Thêm nước mắm, đường nếu cần. Cho ngao trở lại nồi, đảo trong 30 giây hoặc hơn nếu cần. Không để ngao chín quá sẽ teo lại và mất ngọt.

Múc ngao ra bát, rắc chút ớt và trang trí với húng quế!

Trời se lạnh không ăn 5 món ấm nóng lại cực ngon này thì quá amp;#34;phụamp;#34; thời tiết - 2

XÔI SẮN MỠ HÀNH

Nguyên liệu:

- 0,5kg gạo nếp ngâm qua đêm, vo sạch để ráo, xóc với chút muối.

- Sắn bở 500gr, lột vỏ ngâm nước muối (hoặc nước vo gạo) trong 1 tiếng để bớt nhựa. Sau đó rửa sạch, bỏ xơ, xắt miếng vừa ăn.

- 5 thìa canh mỡ nước hoặc dầu ăn, vài cọng hành xắt nhỏ.

- Hành tím phi thơm vàng.

Cách làm:

- Cho chõ hấp lên bếp, ở dưới nồi nước cho nắm lá nếp thơm (hay còn gọi là lá dứa) vào đun ở dưới, khi hơi toả lên sẽ làm thơm xôi.

- Xóc gạo với sắn, cho vào chõ đồ. Nếu trong quá trình đồ xôi hơi khô có thể vẩy thêm chút nước. Cứ 15p đảo một lần, nhẹ tay tránh sắn bị nát. Khi thấy hạt gạo nở thì cho dầu ăn vào đảo đều, đồ thêm 5 phút rồi cho nước cốt dừa vào cho thơm béo ngậy. Đồ trong vòng 45-50 phút là xôi chín.

- Làm nóng mỡ, cho hành xắt nhỏ vào đảo qua rồi bắc xuống ngay để cọng hành còn giữ nguyên màu xanh.

- Khi ăn rưới mỡ hành lên trên, cho thêm chút hành khô hoặc ruốc, muối vừng nếu muốn.

Trời se lạnh không ăn 5 món ấm nóng lại cực ngon này thì quá amp;#34;phụamp;#34; thời tiết - 3

CHÈ SẮN

Chuẩn bị nguyên liệu:

Phần chè sắn

- 300gr sắn

- Đường thốt nốt: 250gr, nhạt ngọt tuỳ mọi người điều chỉnh nhưng nên ăn ngọt một chút sẽ ngon hơn. (Không có đường thốt nốt thì thay bằng đường nâu, vàng, đường mật mía, đường trắng...)

- Nước trắng: 1 lít

- Bột năng: 3 thìa canh ăn phở (độ đặc loãng tuỳ theo sở thích mỗi người)

- Lá dứa (lá nếp): 2-3 lá

- Gừng củ: 1 nhánh nhỏ

- Dừa nạo, vừng rang...

Phần viên mochi sắn dẻo:

- Sắn: 200gr

- Ai thích ăn dẻo không thì chỉ cần cho bột nếp: 60-80gr, cái này áng chừng thôi nhé vì quá trình làm còn thêm bớt bột.

- Thích ăn dẻo và hơi dai dai chút gần như viên chân trâu thì thêm bột năng: 60gr bột năng + 20gr bột nếp.

- Bột béo: 20gr nếu có (không thì thay bằng nước cốt dừa giúp viên mochi thơm ngon hơn, không có cả hai có thể bỏ qua bước này)

- Nước sôi già để nhồi bột đối với phần bột có thêm bột năng: 100 độ, còn nếu chỉ dùng bột nếp thì nước hơi âm ấm là được.

Phần nước cốt dừa:

- 100ml nước cốt dừa (có thể mua sẵn lon đóng hộp hoặc tự làm)

- Muối: 1/2 thìa dùng để ăn sữa chua

- Lá dứa: 2 lá

- 5gr bột năng hoà với nước lọc

- Sữa đặc: 30gr

Cách nấu chè sắn dẻo:

- Sắn mua về lột vỏ, rửa sạch, cắt khúc, ngâm nước muối hoặc nước vo gạo qua đêm để sắn ra hết nhựa độc.

Bước 1: Cách làm phần mochi sắn dẻo:

- Luộc 200gr sắn cho chín bở, nên luộc qua một nước sau đó đổ phần nước đó đi, rửa lại rồi mới thêm nước mới luộc chín sắn.

- Bỏ gân ở giữa, tán thật nhuyễn hoặc cho vào cối giã thật nhuyễn, trộn với bột, có hai cách trộn bột theo 2 cách trên phần nguyên liệu, nếu trộn với bột năng bắt buộc có nước sôi già, quá trình trộn gần như làm viên trân châu,.

- Trộn bột đến khi thành khối dẻo mịn không dính tay thì đem vo viên theo ý thích. Vo xong trộn với ít bột khô để các viên mochi không dính vào nhau. Rồi để riêng.

Bước 2: Cách làm phần chè sắn:

- 300gr sắn sống chưa luộc đem cắt miếng nhỏ vừa ăn, bỏ gân, đem luộc qua một nước, rửa sạch lại để loại bỏ chất nhựa độc.

- Cho 1 lít nước vào nồi: đổ sắn, vào ninh, sắn gần mềm thì cho gừng thái sợi hoặc đập dập, đường thốt nốt vào, nêm nếm cho vừa khẩu vị.

- Đun thêm vài phút cho sắn mềm hẳn thì thả các viên mochi sắn vào. Đợi các viên mochi nổi lên trên là chín. Lưu ý, hớt bọt thường xuyên cho nồi chè được ngon.

- Đun thêm 5 phút thì hoà bột năng theo tỉ lệ trên phần nguyên liệu. Một tay đổ bột năng, một tay khuấy theo chiều kim đồng hồ, đến khi đặc sánh theo ý muốn có thể dừng lại mà không cần cho hết. Độ đặc loãng của chè theo sở thích là ở phần này có thể tự điều chỉnh.

- Đun thêm 2 phút tắt bếp đậy vung để nồi chè sắn luôn được ấm nóng.

Bước 3: Cách làm phần cốt dừa:

- Cho nước cốt dừa và lá dứa vào đun sôi, hạ nhỏ lửa đun thêm vài phút, vớt lá dứa ra, cho sữa đặc và muối vào, quậy đều đun lăn tăn và khuấy đều, sau đó đổ bột năng hoà với chút nước vào, đun thêm khoảng 2 phút là xong.

Khi ăn, múc chè ra bát, rưới cốt dừa, rắc thêm vừng rang cùng dừa nạo lên rồi thưởng thức!

Trời se lạnh không ăn 5 món ấm nóng lại cực ngon này thì quá amp;#34;phụamp;#34; thời tiết - 4

BÁNH GỐI

Nguyên liệu làm 20 chiếc bánh gối

 - Vỏ bánh gối: Bột mì đa dụng: 250gr - Bột gạo: 2 thìa - Trứng gà: 1 lòng đỏ - Đường, muối, bột nghệ: 1 thìa cà phê - Dầu ăn: 2 thìa cà phê - Bột nở (baking powder): 1 thìa cà phê - Nước lọc

- Nhân bánh: 400g thịt lợn xay hoặc thịt gà hay thịt bò tùy thích; vài cái mộc nhĩ, 10 cái nấm hương; 1 bó miến nhỏ; 1/2 củ đậu, 1 củ cà rốt, 1-2 cái lạp xưởng (tùy ý), 20 quả trứng cút; 2 nhánh hành lá; 1/2 củ hành tây

- Gia vị: Tỏi, tiêu, hạt nêm. 

- 1 quả trứng gà (để phết lên vỏ bánh cho dính các mép bánh)

Cách làm bánh gối

Bước 1: Làm vỏ bánh

- Dùng một âu lớn cho tất cả nguyên liệu làm vỏ bánh vào, đổ từ từ nước sao cho khi nhồi thành một khối mịn, dẻo thì được.

- Dùng bọc ni lông bọc vào ủ khoảng 40-50 phút thì lấy ra cán. Sau khi cán mỏng bột lấy một bát to hơn bát ăn cơm ấn xuống làm thành một khuôn hình tròn. Cắt lần lượt đến hết. Bạn sẽ thu được 18-20 vỏ bánh.

Lưu ý, nên rắc từng lớp bột mỏng để vỏ bánh không bị dính, biến dạng

Bước 2: Làm nhân bánh

- Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, thái sợi nhỏ. Nấm hương ngâm nở, rửa sạch rồi băm nhỏ.

- Miến ngâm mềm, xả sạch nước rồi rửa lại với nước lạnh cho khỏi dính vào nhau. Cắt thành các khúc nhỏ.

- Hành tây bóc vỏ thái nhỏ, hành lá rửa sạch thái nhỏ.

- Cà rốt, củ đậu gọt sạch vỏ, nạo nhỏ.

- Trứng cút luộc chín, bóc vỏ. Lạp xưởng thái lát

- Trộn đều tất cả các nguyên liệu làm nhân bánh gối trong một bát (trừ trứng cút) cùng với chút hạt tiêu, bột canh cho tăng thêm hương vị.

Bước 3: Gói bánh

- Đập một quả trứng gà, chỉ lấy lòng đỏ ra bát, đánh tan và chuẩn bị sẵn chổi để quết. Chính lòng đỏ giống như một chất kết dính, giúp mép bánh dính, không bị bung ra khi gập.

- Sau khi làm xong vỏ bánh, thì xếp vỏ bánh ra, quét một lớp mỏng lòng đỏ trứng gà quanh mép vỏ bánh gối, cho phần nhân vào giữa, rồi đặt miếng trứng cút vào.

Từ từ gấp mép bánh lại và tạo hình gập thành nếp giống như chiếc gối.

Bước 4: Chiên bánh

- Dùng một chảo lớn, đổ dầu ngập chảo, đợi dầu nóng thì cho bánh vào, chiên vàng đều cả 2 mặt.

- Lưu ý, nên dùng chảo hoặc nồi nhỏ chiên bánh ngập dầu, bánh mới chín vàng đều và giòn. Khi chiên vặn lửa vừa để bánh chín vàng đều đẹp, không vặn lửa quá lớn làm vỏ bánh dễ cháy sém. Bánh chín, vớt ra để ráo dầu.

Bước 5: Pha nước chấm

Pha 3 thìa nước mắm cùng 2 thìa nước lọc đun sôi để nguội, 1 thìa đường, tỏi, ớt băm nhuyễn, trộn đều cho tan đường thêm một thìa nước cốt chanh hoặc dấm, trộn thêm su hào, cà rốt thái mỏng.

Thưởng thức

Bánh gối có thể ăn kèm với xà lách, rau tía tô, bắp cải... cùng nước mắm chua ngọt rất phù hợp.

Trời se lạnh không ăn 5 món ấm nóng lại cực ngon này thì quá amp;#34;phụamp;#34; thời tiết - 5

Chúc các bạn thành công!

Đị chợ mà gặp nhân sâm dưới nước mua ngay, về rang với thịt lợn được món vừa ngon lại bổ
Chắc chắn đây sẽ là món ăn ngon, bổ dưỡng, có chút lạ miệng khiến bữa cơm nhà bạn thêm hấp dẫn.

Món ngon mỗi ngày

Theo Minh Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Món ngon mỗi ngày