Tuy giá nhỉnh hơn trái cây nội, nhưng trái cây ngoại nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hình thức bắt mắt, độ đồng đều cao và nhất là trái cây nào cũng được dán nhãn, tem mác.
Giá cao vẫn đắt hàng
Nếu trước đây đi qua gian hàng bày hoa quả nhập ngoại chỉ để ngắm chứ không dám mua thì nay trong giỏ đồ của chị Lê Bạch Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) đã có ít nhất 3 loại trái cây nhập khẩu, mỗi loại chị mua từ 1,5-2kg. "Loại nào cũng thấy giá chỉ có mấy chục ngàn đồng/kg mà các nhà phân phối đều khẳng định nguồn gốc rõ ràng, có tem nhãn đầy đủ nên tôi nghĩ chẳng có lí do gì mà mình không chọn", chị Liên cho biết.
Người dân chọn mua táo nhập khẩu tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Hồng Liên
Cũng như chị Liên, ở một góc siêu thị đang chọn mua nho đen, chị Nguyễn Khánh Huyền (Trung Kính, Hà Nội) cho hay: "Trước đây mình thường mua nho ngoài chợ vì giá bán rẻ và gia đình cũng không có đủ điều kiện ăn nho nhập ngoại với giá cao, thế nhưng bây giờ nho ngoài chợ toàn là hàng Trung Quốc nên mình sợ chẳng dám bén mảng, hơn nữa bây giờ giá trái cây ngoại trong siêu thị cũng rất cạnh tranh nên mình thấy loại nào đảm bảo nguồn gốc thì mình mua thôi".
Quả kiwi nhập khẩu được bày bán la liệt tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Liên
Ghi nhận của phóng viên tại một cửa hàng chuyên bán các loại hoa quả nhập khẩu ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho thấy, táo Gala Pháp có giá 99.000 đồng/kg, cam Úc 119.000 đồng/kg; cửa hàng hoa quả nhập khẩu trên đường Trần Xuân Soạn (Hà Nội) đang bán lê nâu Hàn Quốc giá 160.000 đồng/kg, trong khi đó tại một cửa hàng nhập khẩu hoa quả khác ở Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) bán nho đen không hạt Nam Phi giá 180.000 đồng/kg...
Thậm chí, có những loại trái cây giá lên tới cả triệu đồng 1kg cũng được người Việt “khuân” hết như nho Nhật giá 1,3 triệu đồng/kg, dâu tây Hàn Quốc giá 800.000 đồng/kg, sầu riêng Malaysia được quảng cáo là loại ngon nhất thế giới giá 1,6 triệu đồng/kg,...
Một số loại trái cây nội nằm khiêm tốn ở một góc siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Liên
Khi được hỏi về việc tại sao lại sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để mua dưa hấu Nhật Bản giá "trên trời", chị Nguyễn Ngọc Ánh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi và gia đình rất thích thứ quà sang này. Nếu nói tôi “sính ngoại” thì cũng chưa hẳn đúng bởi rõ ràng, dưa hấu Nhật "đẳng cấp" hơn hẳn dưa hấu Việt cả về hình dáng lẫn chất lượng. Nếu lựa chọn để mua về ăn hay đi biếu, tôi chọn dưa hấu Nhật bởi dưa Nhật khi ăn cảm giác sạch và yên tâm hơn rất nhiều, lại rõ nguồn gốc xuất xứ, còn mua đi biếu thì đẹp và sang trọng hơn hẳn”.
Mua lòng tin là chính
Trao đổi với phóng viên, chị Hoàng Thị Quyên, chủ một cửa hàng bán hoa quả nhập ngoại trên phố Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dù có giá rẻ như ở ngoài chợ hay có giá trên trời thì hoa quả nhập ngoại vẫn đang là sự lựa chọn của rất nhiều người tiêu dùng chứ không phải trái cây nội.
Nhiều người tiêu dùng lựa chọn trái cây nhập khẩu vì hình thức đẹp, chất lượng tốt, được dán tem, mác rõ ràng. Ảnh: Hồng Liên
“Ngày càng nhiều khách hàng đặt niềm tin ở hoa quả ngoại nhập, dù lòng tin ít khi được kiểm chứng. Thực tế cho thấy trái cây nhập khẩu khẩu có hình thức bắt mắt, chẳng hạn như so với cam ở trong nước, quả cam Mỹ thường to, màu đẹp, mọng nước, vỏ vàng tươi, hay như các loại nho đều rất ngọt, trong khi đó nho Việt thường nhỏ, có vị chua, nhiều hạt. Thời gian bảo quản trái cây ngoại cũng khá dài, không phải lo sợ nhiều về chất bảo quản vì quy trình kiểm soát của nước ngoài vẫn tốt hơn nhiều so với Việt Nam” – chị Quyên nói.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên - Phó Viện trưởng Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, trái cây Việt đang bị cạnh tranh gay gắt với trái cây ngoại là bởi 3 vấn đề: Các khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và quảng bá, tiếp thị sản phẩm chúng ta đều “thua kém” các nước. Bên cạnh đó, do trái cây ngoại có màu sắc đẹp, lại được dán “mác” ngoại nên rất nhiều người chọn mua làm quà biếu vì “sang” hơn…