Chi phí để sản xuất ra 1 con tem truy xuất nguồn gốc bình quân từ 120 – 250 đồng/tem, trong khi đó, các doanh nghiệp cho rằng, chi phí này có thể giảm xuống mức dưới 100 đồng/con tem.
Sau hơn 3 tháng thí điểm, Sở NNPTNT TP.HCM vừa quyết định mở rộng triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau củ quả trên tất cả các HTX, Tổ hợp tác đủ tiêu chuẩn trên địa bàn TP.HCM.
Khách hàng thử quét mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau sạch của TP.HCM
Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM thông tin, dựa trên kết quả đợt thí điểm vừa qua, Sở khuyến khích tất cả các đơn vị sản xuất rau sạch trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu truy xuất nguồn gốc đăng ký tham gia chương trình.
Sau khi đăng ký, Sở NNPTNT sẽ cử cán bộ khảo sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm của HTX. Nếu đạt tiêu chuẩn, HTX sẽ được hỗ trợ gắn tem truy xuất nguồn gốc, nếu chưa đạt, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ, kèm cặp cho đến khi HTX đủ tiêu chuẩn được truy xuất.
Để được hỗ trợ dán tem truy xuất, đơn vị tham gia phải cam kết đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm. Phải tổ chức kiểm soát được quy trình từ sản xuất đến sơ chế, đóng gói sản phẩm khi phân phối ra thị trường.
Ngoài ra, các cơ sở phải có cơ sở vật chất để triển khai mô hình như có văn phòng làm việc, có nhà sơ chế, đống gói đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt, phải tổ chức sản xuất, sơ chế, phân phối các sản phẩm rau củ quả đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc tiêu chí khác có chứng nhận, xác nhận của các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện.
Giá mỗi con tem từ 120 - 250 đồng
Theo báo cáo của 2 HTX, thống kê chi phí để sản xuất ra 1 con tem truy xuất nguồn gốc bình quân từ 120 – 250 đồng/tem, trong đó chi phí vật chất chiếm 50%. Trong khi đó, theo tính toán của Công ty CP Giải pháp và dịch vụ Truy xuất nguồn gốc Trace Verified, nếu tổ chức tốt tại các HTX có mức sản lượng cung ứng ra thị trường từ 610kg/ngày trở lên, tổng giá thành cố định và lưu động của 1 con tem sẽ nhỏ hơn 100 đồng. Đồng thời, giá thành của con them sẽ giảm dần nếu sản lượng rau cung ứng ra thị trường tăng dần.
Về việc dán tem, giai đoạn đầu chương trình thí điểm được thực hiện tại các điểm sơ chế của 2 HTX và do các HTX tự thực hiện theo kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, cho rằng các HTX thiếu điều kiện sơ chế, bảo quản lạnh, thời gian giao hàng và vận chuyện xa… nên đối với sản phẩm phân phối tại Co.opMart, việc dán tem truy xuất nguồn gốc thực hiện tại điểm sơ chế của doanh nghiệp này. Co.opmart cũng hỗ trợ thêm 500 đồng/kg sản phẩm chi phí dán tem cho các HTX.
Ông Bùi Văn My – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Nông Nghiệp TP.HCM, thông tin, sau 3 tháng thí điểm, sản lượng rau củ quả được dán tem truy xuất nguồn gốc khi phân phối ra thị trường đã tăng từ 4 tấn lên 8-10 tấn/ngày hiện nay. Tỉ lệ thành viên hai HTX được chọn thí điểm là HTX SX- TM-DV Phước An và HTX DV Phú Lộc cũng tăng đáng kể. Hiện có 165 hộ sản xuất tham gia chương trình thông qua hai HTX này.