Một số trách móc người phụ nữ này quá bất cẩn, nhưng cũng may vì lửa ở mức nhỏ nhất nếu không hậu quả thật khó lường.
Vào dịp Tết Nguyên Đán, những người con xa quê thường sẽ về quê ăn Tết, đoàn tụ với gia đình. Một người phụ nữ ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) cũng vậy, chị về quê vào ngày 29 Tết và tới mùng 5 Tết mới quay trở lại thành phố để đi làm.
Tuy nhiên khi mới vào nhà, chị bỗng ngửi thấy mùi khét bốc ra từ căn bếp, lại gần thì điếng người khi thấy cảnh tượng trước mặt. Bếp gas nhà chị vẫn đang cháy, lửa vặn ở mức nhỏ nhất.
Khi nhấc nắp vung nồi lên, đáy nồi đã cháy đen, đường vân dưới đáy hiện lên rõ ràng. Mặt inox của chiếc muôi đặt trong nồi cũng bị “nhuộm” thành màu đen, phần cán gỗ tiếp xúc với thành nồi cũng bị cháy đen. Nhìn thấy cảnh tượng này, người phụ nữ sợ “mặt cắt không còn giọt máu”, cũng may chưa xảy ra hỏa hoạn.
Người phụ nữ quên tắt bếp suốt 7 ngày về quê ăn Tết.
Sự việc nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều. Một số trách móc người phụ nữ này quá bất cẩn, nhưng cũng may vì lửa ở mức nhỏ nhất nếu không hậu quả thật khó lường, lúc đó không chỉ gây thiệt hại cho chính ngôi nhà của mình mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Tuy nhiên, số khác lại cảm thấy việc này là dàn dựng. Một số người để lại bình luận: “Từ ngày 29 Tết tới ngày mùng 5 Tết, tại sao nắp nồi và muôi còn nằm yên trong đó? Cái nồi này làm bằng chất liệu gì mà tốt vậy, mấy ngày liền mà không bị cháy thủng đáy?”, “Khi vào cửa, việc đầu tiên không phải là tắt bếp mà là quay video, tại sao cô ấy vẫn có thể bình tĩnh trong trường hợp này chứ? Khá vô lý”,…
Không rõ người phụ nữ quên tắt bếp gas trước khi về quê ăn Tết thật hay không, nhưng rõ ràng việc quên tắt bếp gas trước khi ra khỏi nhà là điều rất nguy hiểm. Không hiếm vụ hỏa hoạn đã xảy ra, gây thiệt hại về người và của vì quên tắt bếp gas.
Thực ra quên tắt bếp sau khi đun nấu sẽ không gây cháy nổ, thường chỉ khiến nồi bị cháy khét. Tuy nhiên nếu những vật xung quanh như giấy, giẻ bắc nồi, chai nhựa,… một khi bị bắt lửa sẽ rất dễ dẫn đến hỏa hoạn.
Hoặc nếu gió tạt hoặc nước trào xuống bếp gây tắt lửa, trong khi gas vẫn bơm ra liên tục mà không được đốt cháy thì đây là hiện tượng rò rỉ khí gas. Nếu khí gas kết hợp với oxy trong không khí, tạo thành hỗn hợp cháy và chỉ cần ở trong nhiệt độ cao phù hợp hoặc có tia lửa phát ra khi bật công tắc quạt, điện thoại, đèn, giày cao gót đế kim loại tiếp xúc với mặt sàn,… thì rất dễ xảy ra cháy nổ lớn. Chính vì vậy, sau khi đun nấu và trước khi rời khỏi nhà, bạn nên kiểm tra lại bếp gas, bình gas một lượt để tránh chuyện không may xảy ra.
Một số lưu ý khác khi dùng bếp gas để tránh cháy nổ
- Không mua bếp, bình gas không rõ nguồn gốc
- Không lắp đặt bếp gas gần ổ điện, thiết bị dễ bắt nhiệt
- Khóa van gas sau khi nấu ăn
- Bảo trì, vệ sinh bếp gas thường xuyên
- Không dùng bật lửa, điện thoại di động dể kiểm tra bếp gas
- Không đặt những vật dụng dễ bắt lửa như giấy, giẻ bắc nồi, bột mì, bật lửa,… gần bếp gas.