Năm 2014, thế giới chứng kiến hàng loạt biến động chính trị, xã hội và nhiều thảm kịch chết chóc.
Hãy cùng chúng tôi điểm lại 10 sự kiện quốc tế được cả thế giới quan tâm nhiều nhất trong năm 2014:
1. Đại dịch Ebola khiến gần 7.000 người thiệt mạng
Nhen nhóm từ tháng 12/2013 ở Guinea, đại dịch Ebola bắt đầu lan rộng ra nhiều quốc gia Tây Phi khác như Liberia, Sierra Leone, rồi lan sang Nigeriavà Mali.
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 18.000 người bị nhiễm virus Ebola và hơn 6.000 người thiệt mạng, chủ yếu là ở các quốc gia Tây Phi. Tuy nhiên WHO cũng cảnh báo con số thực tế có thể cao gấp ba lần. Hiện vẫn chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị nào cho virus chết người này.
Nhân viên y tế di chuyển thi thể một người chết vì virus Ebola. Ảnh: AP
Ebola tên chính thức là sốt xuất huyết Ebola, một căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ do vi rút Ebola gây nên. Nó đã được xác nhận tại châu Phi vào năm 1976. Những cơn dịch đã xảy ra tại các nước châu Phi, bao gồm CHDC Congo, Gabon, Sudan, Bờ Biển Ngà, Uganda và CH Congo.
Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng của Ebola bao gồm sốt cao, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí là suy nội tạng và chảy máu không thể cầm. Ebola thường giết chết 90% những người bị nhiễm, nhưng tỷ lệ tử vong trong đợt dịch này giảm xuống còn khoảng 60% nhờ điều trị sớm.
2. Khủng hoảng chính trị tại Ukraine
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với EU, thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow. Sau những cuộc biểu tình đẫm máu tại Quảng trường Maidan, Tổng thống Yanukovych bị lật đổ và chính phủ mới được thành lập.
Cảnh sát chống bạo động Kiev đụng độ với người biểu tình
Tuy nhiên, một số tỉnh miền Đông và Nam Ukraine không công nhận chính quyền mới và tuyên bố ly khai, thành lập những quốc gia riêng, đối đầu với Kiev, đẩy Ukraine vào một cuộc nội chiến đẫm máu.
Theo tổ chức nhân quyền của Liên Hợp quốc, số người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine đến thời điểm này đã vượt quá con số 3.000, và cũng có khoảng 1 triệu người phải đi lánh nạn. Mặc dù ngày 5/9 vừa qua, hai bên đã có thỏa thuận ngừng bắn nhưng xem ra cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay vẫn chưa có hồi kết.
3. Sự mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370
2014 là một năm đầy đau thương của ngành hàng không quốc tế. Mặc dù vẫn được đánh giá là phương tiện di chuyển an toàn nhất tuy nhiên, liên tiếp các sự cố thảm khốc xảy ra trong tháng 7 và nửa đầu năm đã khiến cả thế giới sửng sốt và dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của giao thông hàng không.
Mở đầu cho năm 2014 là vụ mất tích đầy bí ẩn của chiếc Boeing B777-200 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Ngày 8/3, một chiếc máy bay chở khách mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích khi bay qua không phận của Việt Nam. Chiếc máy bay này thuộc loại máy bay Boeing 777-200ER - một loại máy bay nổi tiếng Thế giới về độ an toàn. Tới nay, 227 hành khách và 12 thành viên trong phi hành đoàn vẫn chưa xác định được tung tích.
Boeing 777 là loại máy bay có độ an toàn cao
Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn đối với chiếc phi cơ xấu số này đã được tiến hành ở khắp các hành lang phía bắc và hành lang phía nam, từ Indonesia tới Nam Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta vẫn chưa phát hiện được mảnh vỡ hay dấu hiệu khả nghi nào của chiếc máy bay Malaysia. Đây được đánh giá là 1 trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử hàng không.
4. Chìm tàu Sewol, Hàn Quốc, hơn 300 người thiệt mạng
Ngày 16/4/2014, chiếc tàu chở 476 người, chủ yếu là học sinh trường trung học Danwon gặp nạn trên đường từ Incheon đến đảo Jeju của Hàn Quốc.
Hơn 300 người đã thiệt mạng sau khi phà Sewol bị lật úp trong thảm họa trên, trong đó có khoảng 250 nạn nhân là học sinh tại một trường trung học đang trên đường đi nghỉ mát. Vụ chìm phà Sewol là một trong những thảm họa hàng hải tồi tệ nhất ở Hàn Quốc trong vài thập kỷ qua.
Thợ lặn tham gia tìm kiếm nạn nhân bên trong phà Sewol
Thảm kịch đã gây nên làn sóng phẫn nộ của người dân Hàn Quốc, dẫn đến vụ từ chức của Thủ tướng Chung Hong-Won. Thuyền trưởng và 3 thuyền viên khác bị buộc tội ngộ sát. Ngoài ra, 11 thành viên khác của thủy thủ đoàn cũng bị buộc tội gây nên cái chết và làm nhiều người bị thương do lơ là trách nhiệm.
Hiện vẫn còn 9 nạn nhân phà Sewol bị mất tích chưa tìm thấy thi thể, và nhiều ý kiến cho rằng xác của họ đã bị sóng biển cuốn đi xa. Ngày 11/11, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định chấm dứt chiến dịch tìm kiếm những người mất tích kéo dài suốt 7 tháng qua.
5. Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam
Việt Nam đã lên án hành vi khiêu khích và bất hợp pháp của Trung Quốc. Hàng loạt quốc gia trên thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật, Ấn Độ, Singapore, Anh, Pháp, Úc… cũng chỉ trích Trung Quốc hung hăng, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.
Trước những sức ép ngày càng lớn đến từ dư luận trong nước và quốc tế, Trung Quốc không còn con đường nào khác ngoài việc rút giàn khoan phi pháp ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ngày 16/7, họ đã quyết định rút Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch và được “che đậy” bằng lý do “đã hoàn thành nhiệm vụ”.
6. Thảm kịch MH17
Chiếc máy bay Boeing-777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines mang theo 295 người gồm 280 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn với lịch trình bay từ Amsterdam về Kuala Lumpur đã bị rơi tại miền Đông Ukraine, gần biên giới với Nga hôm qua 17/7.
Đống đổ nát còn sót lại tại hiện trường
Trong số 298 nạn nhân có 80 trẻ em và 3 trẻ sơ sinh. 196 thi thể, trên tổng số 298 hành khách và nhân viên phi hành đoàn trên chuyến bay MH 17 đã được tìm thấy vào sáng nay 20/7.
Chị Minh cùng hai con đang mong ngóng được trở về nhà sau một thời gian dài trải qua nhiều biến cố lớn tại Hà Lan
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho biết: “MH17 bay trên một hành lang bay nhộn nhịp, giống như đường cao tốc trên trời. Nó đã tuân thủ hướng bay theo chỉ dẫn của nhà chức trách hàng không quốc tế và được cơ quan kiểm lưu châu Âu Eurocontrol phê chuẩn.”
7. Giá dầu thế giới tuột dốc
Từ tháng 6 đến đầu tháng 12, giá dầu thế giới liên tục sụt giảm tới 40%. Giá dầu thô tụt từ ngưỡng 110 USD/thùng xuống mức dưới 60 USD/thùng trong vòng vài tháng gần đây, nhiều người đã cho rằng OPEC, tổ chức cung cấp 30% sản lượng dầu mỏ của thế giới, đang trải qua một cơn khủng hoảng.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng giá dầu giảm sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang vật lộn với tình trạng tăng trưởng chậm.
Giới chức OPEC nói tổ chức này sẽ không đưa ra quyết định nào mới về sản lượng cho tới ít nhất giữa năm 2015.
8. Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 22 tại Bắc Kinh
Hội nghị cấp cao diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 tại Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 9/11 với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương”.
APEC 22 tập trung trao đổi 3 nội dung chính gồm: thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; đẩy mạnh phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng; tăng cường kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng.
Ngày 11/11, APEC lần thứ 22 đã kết thúc tốt đẹp, chuyển thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế thành viên vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối.
9. Sự trỗi dậy bất ngờ của Nhà nước Hồi giáo (IS)
Tổ chức này mang tên Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL), một nhánh của al-Qaeda ở Iraq, được thành lập vào tháng 4.2013. Chỉ trong một thời gian ngắn, ISIL tách khỏi al-Qaeda đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS, tháng 6.2014) và nhanh chóng trở thành một trong những nhóm cực đoan chính đối đầu với lực lượng chính phủ ở Syria và Iraq.
Các tay súng của IS - Ảnh: Reuters
Tháng 6.2014, ISIS bắt đầu mở chiến dịch tấn công chiếm đóng nhiều khu vực ở Iraq. Tháng 8, Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh không kích các mục tiêu IS ở Iraq và đến tháng 9 Mỹ bắt đầu không kích IS tại Syria. Mỹ cũng thành lập một liên minh chống IS toàn cầu với sự tham gia của 62 quốc gia.
10. Mỹ - Cuba bình thường hóa quan hệ sau hơn 50 năm
Ngày 17/12, chuông nhà thờ đã ngân vang ở thủ đô Havana, Cuba, đánh dấu một thời khắc lịch sử trọng đại – Cuba và Mỹ đã bắt đầu chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau hàng thập kỷ căng thẳng và lạnh nhạt.
Sau khi Chủ tịch Cuba Raul Castro thông báo tin tức này trên truyền hình, người dân đảo quốc Cuba đã đổ ra đường ăn mừng sự thay đổi lịch sử.
Người dân Cuba vui mừng sau khi Cuba - Mỹ bình thường hóa quan hệ
Tổng thống Barack Obama ca ngợi , đây là "thay đổi quan trọng nhất trong chính sách của Hoa Kỳ với Cuba trong vòng 50 năm qua". Còn người dân Cuba đổ ra đường ăn mừng sau khi hai nước đạt được thỏa thuận bình thường hóa sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi. Mỹ áp đặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba năm 1960 và hai nước không có quan hệ ngoại giao kể từ năm 1961.