Chiều tối ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi báo cáo hỏa tốc đến Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch sởi. Theo đó, cả nước đã ghi nhận 112 ca tử vong vì sởi.
BV Nhi Trung ương: 33 bệnh nhi bị lây bệnh sởi ở viện trong ngày 17/4
Theo báo cáo của Bộ trưởng gửi Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã ghi nhận 8.521 ca sốt phát ban nghi sởi với 3.136 ca dương tính với sởi và 112 ca tử vong vì căn bệnh này.
Tại báo cáo này, tình trạng bệnh nhân sởi nhập viện mới tại BV Nhi Trung ương trong ngày 17/4 đã giảm do thực hiện tốt việc phân tuyến điều trị (5 bệnh nhân trong khhi những ngày trước có khoảng 30 bệnh nhân nhập viện/ngày.
Tuy nhiên, tình trạng lây lan dịch sởi trong bệnh viện đang rất nghiệm trọng. Chỉ riêng ngày hôm qua 17/4 đã có 33 bệnh nhi đang điều trị các bệnh viện khác không phải ở Khoa Truyền nhiễm của BV Nhi Trung ương đã bị lây nhiễm sởi trong bệnh viện.
Cũng trong ngày 17/4, đã có thêm 2 bệnh nhi sởi nặng tại BV Nhi Trung ương xin về.
Hiện BV Nhi Trung ương đang điều trị cho 257 ca sởi (trên tổng số 1.358 bệnh nhân từ đầu vụ dịch đến nay). Số bệnh nhân đang phải thở máy là 20 ca.
Bộ Y tế nhận định số bệnh nhân nặng và tử vong còn tiếp tục tăng
Hai bệnh viện tuyến trung ương khác cũng rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân sởi là BV Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới vào điều trị. Tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai có 49 bệnh nhân đang điều trị với 9 bệnh nhân nặng, 4 bệnh nhân phải thở máy. Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 60 ca sởi với 1 ca nặng. Trong ngày 17/4 bệnh viện này có 17 ca nhập viện mới.
Như vậy, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế gửi Thủ tướng thì số tử vong và nặng xin về vì bệnh sởi trong mùa dịch này tính đến hết hôm qua đã lên tới 112 ca. Tuy nhiên, nếu tính theo thống kê của các bệnh viện bao gồm cả các ca tử vong ngay tại viện và các nặng không thể cứu chữa đã xin về thì số tử vong lên tới 116 ca.
Bộ Y tế cũng đánh giá số bệnh nhân nặng và số tử vong sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới do bệnh nhi mắc sởi phần lớn trong nhóm dưới 1 tuổi và là nhóm có nguy cơ diễn biến xấu sau mắc sởi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, trong ngày hôm qua Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định bổ sung 80 tỷ đồng cho công tác chống sởi từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2014. Số tiền này để mua sắm một số trang thiết bị cho BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và mua thuốc Gamaglobulin phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Với đề xuất xuất cấp (không thu tiền) 12 máy thở chức năng cao thuộc hàng dự trữ quốc gia để trang bị cho 3 bệnh viện phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người mắc dịch bệnh và phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, cụ thể: Bệnh viện Nhi Trung ương 4 máy; Bệnh viện Thanh Nhàn 4 máy; Bệnh viện Đống Đa 4 máy, Thủ tướng Chính phủ khẳng định việc xuất cấp và quản lý số máy thở nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.
Thủ tướng cũng đồng ý thực hiện theo đề nghị của Bộ Y tế tại công văn 1977/BYT-KHTC về cơ chế, chính sách cho công tác phòng chống dịch sởi ((điều trị dự phòng bằng thuốc Gamaglobulin và chế độ phụ cấp phòng chống dịch).
Tại sao Việt Nam chưa công bố dịch?
Trước việc Bộ Y tế Philippines đã công bố dịch sởi khi chỉ có 3.400 ca mắc và 23 ca tử vong dư luận đã đặt ra câu hỏi tại sao Việt Nam số mắc và số tử vong cao hơn nhiều lại không công bố dịch? Trước đó, cách đây 2 ngày tại cuộc họp của Bộ trưởng Bộ Y tế với BV Nhi Trung ương với sự tham gia của 2 chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), TS Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, theo WHO chỉ cần 3 ca bệnh đã có thể công bố được thành dịch. Tuy nhiên, ông Kasai cho hay, điều này không thể áp dụng chung cho tất cả mà phải phụ thuộc vào mục tiêu của từng quốc gia.
Với tình hình dịch sởi của Việt Nam hiện nay, ông Takeshi Kasai khuyến cáo: “Việt Nam nên đặt dịch sởi vào tình huống khẩn cấp và cần phải nỗ lực hết sức để kiểm soát được tình hình.
Trưởng Đại diện WHO khuyến cáo "VN nên đặt dịch sởi vào tình huống khẩn cấp"
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí chiều ngày hôm qua 17/4, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc công bố dịch thực hiện theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định sởi là dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, dựa trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương.
Với sởi là dịch bệnh nhóm B Bộ Y tế chỉ công bố khi có sự biến đổi gene hoặc có hai tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao.
Được biết, tại báo cáo hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tham mưu lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội về quyết định công bố dịch hay không căn cứ vào tiêu chí, kiều kiện công bố dịch của địa phương. Đồng thời phải đảm bảo công tác hậu cần, thuốc, trang thiết bị cho hoạt động phòng chống bệnh sởi tại các bệnh viện của Hà Nội.
Còn về khuyến cáo của WHO “Việt Nam nên đặt dịch sởi vào tình huống khẩn cấp”, TS Phu khẳng định Việt Nam đã thực hiện.
“Việt Nam đã làm câu chuyện đó. Ngay khi ghi nhận số ca sởi tăng mạnh, Bộ Y tế đã tổ chức họp, triển khai các phương án chống dịch, đề xuất nguồn dự trữ Quốc gia…. Về phía người dân đã có những cảnh báo từ rất lâu rồi, tổ chức triển khai tiêm chủng các đợt bổ sung quy mô lớn trên cả nước … Những biện pháp này đã hiệu quả, bằng chứng là những vùng dịch đầu tiên như Hà Giang, Yên Bái số mắc đã được khống chế, hiện giờ mỗi ngày chỉ có 1-2 sởi”.
Theo ông Phu, cái đáng lo ngại ở đây là việc bệnh nhân tập trung quá đông, tỷ lệ tử vong cao tại BV Nhi Trung ương. Việc lây nhiễm chéo, bệnh nhân bị bội nhiễm, khiến tình trạng nặng, tử vong nhanh tại BV Nhi Trung ương sẽ xảy ra, trong khi việc chống nhiễm khuẩn của virus là rất khó. Do đó, việc quan trọng nhất hiện nay là phải phân luồng điều trị, giảm tại bệnh nhân tập trung tại một cơ sở quá đông.
Xem thêm thông tin về vụ việc: Thêm 2 trẻ tử vong vì sởi trong ngày 16/4 'Con số trẻ tử vong vì sởi quá đau đớn' |