Do Bệnh viện Nhi T.Ư chỉ cho một người nhà được ở bên chăm sóc bệnh nhi mắc sởi nên nhiều người nhà đành phải trải chiếu túc trực ngày đêm cạnh phòng cấp cứu và khoa Truyền nhiễm của bệnh viện.
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương (Q.Đống Đa, Hà Nội) những ngày gần đây luôn trong tình trạng quá tải khi có hàng trăm bệnh nhi mắc sởi nặng nằm điều trị. Ngoài khoa Truyền nhiễm, các giường bệnh ở khoa Đông y, Cấp cứu, Tâm bệnh đều được huy động để phục vụ bệnh nhi sởi. Bệnh viện quá tải nên nhiều phòng bệnh, người nhà và bệnh nhi phải nằm xen, ghép nhau 2 bé chung một giường, hoặc 3-4 bé trên 2 giường ghép.
Do bệnh viện quá tải nên 3 bệnh nhi phải chung 2 giường ghép.
Những diễn biến bất thường của bệnh sởi khiến các y, bác sĩ cũng như người nhà bệnh nhi luôn phải túc trực, theo dõi bệnh nhi 24/24h. Có mặt tại khoa Truyền nhiễm vào lúc 22h đêm 16.4, phóng viên Dân Việt bắt gặp cảnh các bác sĩ, y tá khoa Truyền nhiễm đang tích cực theo dõi, cấp cứu cho 2 bệnh nhi mắc sởi. Hai thân hình bé nhỏ nằm trên giường cấp cứu với đủ các loại dây gắn trên mình để duy trì sự sống, nào là dây từ máy thở, máy truyền dịch, máy tiêm kháng sinh và những chiếc máy vận mạch khác…
Giữa lúc các y, bác sĩ đang "chiến đấu" để giành giật sự sống cho các bệnh nhi bên trong phòng cấp cứu thì bên ngoài phòng chờ, người thân các em đang lo lắng, cầu nguyện, hy vọng con em mình sẽ vượt qua cơn bệnh quái ác.
Nhiều người nhà trải chiếu túc trực ngày đêm.
Trò chuyện với phóng viên tại khu vực dành cho bệnh nhi mắc sởi nặng đang nằm tại phòng cấp cứu, chị Kim Anh (Kim Môn, Hải Dương) kể, chị có con trai 9 tháng tuổi mắc sởi cách đây 4 tuần, nhưng thời gian điều trị tại khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư mới được khoảng 1 tuần. Suốt thời gian điều trị tại BV Nhi T.Ư, con trai chị phải nằm ở phòng cấp cứu và cắm máy thở. Do tình trạng bệnh của con trai chưa có tín hiệu lạc quan nên chị Kim Anh và người thân phải thay phiên nhau túc 24/24h tại khu vực sảnh cạnh khu cấp cứu.
“Bệnh viện chỉ cho một người ở trong với các bệnh nhi nên gia đình thay nhau ngồi trực ở đây (sảnh dành cho người nhà bệnh nhi nằm cấp cứu - PV), còn lại thì đành vạ vật bên ngoài. Các cháu nằm ở phòng cấp cứu là các cháu bị sởi nặng nên nhiều khi bác sĩ bất ngờ gọi là người nhà có mặt ngay. Cháu nhà mình 6 ngày nay nằm tại phòng cấp cứu, cắm máy thở liên tục mà chưa có tín hiệu khả quan, hy vọng mong manh lắm, chú ạ…”, chị Kim Anh buồn bã tâm sự.
Nhiều người nhà bệnh nhi vạ vật túc trực bên ngoài khu điều trị khoa Truyền nhiễm.
Có cháu ngoại đang nằm điều trị ở khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, nhưng không được vào bên trong nên bà Tư (Sóc Sơn, Hà Nội) đành tìm cho mình một chiếc ghế tựa lưng, túc trực bên ngoài chờ thay ca cho con gái.
“Cháu nhà tôi đã được 6 tháng tuổi, mẹ nó sinh non nên cháu nó yếu. Cách đây khoảng hơn 2 tuần, cháu có biểu hiện sốt cao nên gia đình chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, rồi Bệnh viện C Thái Nguyên nhưng không giảm, nên được chuyển xuống BV Nhi T.Ư. Nhưng một tuần ở đây, cháu vẫn sốt cao triền miên mấy ngày liền. Đến nay thì cháu đã đỡ hơn, các nốt đã bắt đầu đen đi, nhưng bệnh này bất thường lắm. Nhiều trường hợp tưởng cháu khỏe hơn nhưng sau nó phát lại rồi mất nên tôi sợ lắm…”, bà Tư lo lắng.
Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, do BV Nhi T.Ư quy định chỉ được cử 1 người nhà ở bên cạnh chăm sóc bệnh nhi nên ở bên ngoài khu điều trị của khoa Truyền nhiễm có khá nhiều người nhà bệnh nhi. Họ ngồi ngay ở trước cửa vào khoa Truyền nhiễm, thậm chí trải chiếu ngay cạnh khoa Truyền nhiễm ngồi túc trực ngày đêm. Nhiều người nóng lòng tìm cách vào bên trong thăm con em mình nhưng bị bảo vệ ngăn cản, có trường hợp người nhà bệnh và bảo vệ xảy ra tranh cãi. Phải rất khó khăn, bảo vệ giải thích để người nhà bệnh nhân hiểu và làm theo quy định.
Những ngày điều trị bệnh các bé kéo dài khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khá nhiều bệnh nhi đang điều trị sởi tại BV Nhi T.Ư đến từ các tỉnh, thành như Hải Dương, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc… Đa số họ đều gặp khó khăn về kinh tế, như trường hợp của gia đình chị Hà Thị Thuận (38 tuổi), quê ở Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh. Chị Thuận là mẹ của bệnh nhi Trần Trọng Nhân đang điều trị sởi tại phòng 114, khoa Truyền nhiễm. Phóng viên vừa mở lời hỏi thăm tình hình sức khỏe của bé Nhân thì những giọt nước mắt đã lăn trên đôi má chị Thuận. Có lẽ chị đang nghĩ đến số phận không may mắn của cậu con trai bé nhỏ đã hơn 1 tuổi mà mới được 5kg.
Chị Thuận kể, Nhân có 3 chị gái, lúc mới sinh Nhân khỏe mạnh, nhưng khi vừa được 3,5 tháng thì cháu bị sốt cao, người tím tái khó thở. Gia đình đưa cháu xuống bệnh viện huyện khám thì các bác sĩ chẩn đoán cháu bị tim bẩm sinh. Từ đó, cháu thường xuất hiện những cơn cơ giật, mỗi ngày đến 7-8 cơn. Gia đình thường xuyên phải đưa cháu đi bệnh viện. Đến tháng 2 vừa qua, cháu vào cấp cứu tại khoa Thần kinh, BV Nhi T.Ư vì sốt, tay co giật mạnh. Cháu khóc ngày khóc đêm. Bác sĩ điều trị cháu đỡ phần nào thì cháu lại mắc sởi, lúc đầu là những nốt phát ban trên trán, trên mũi, rồi lan khắp người.
“Bác sĩ bảo cháu bị di chứng não rồi. Giờ cháu không biết gì nữa. Cháu vừa tiêm thuốc an thần nên nó lim dim vậy, chứ không thì khóc suốt ngày suốt đêm… Đợt này cháu đi viện, trong nhà có gì quý giá bán được vợ chồng tôi đã bán tất, con trâu tôi cũng bán để chạy chữa cho cháu. Tôi và chồng ra chăm thằng bé ròng rã ngần ấy tháng trời tiền bạc tốn kém, nhiều hôm hai vợ chồng phải nhịn đói…”, chị Thuận tâm sự.
Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Lê Thanh Hải cho biết, từ 30.1.2014 đến nay, đã có tới 103 trẻ đã tử vong do sởi, trong đó có 25 trẻ tử vong trực tiếp do bệnh sởi và 78 trẻ tử vong do các biến chứng của bệnh sởi (viêm phổi, tiêu chảy, đồng nhiễm cả sởi và các bệnh khác). |