Người bố sau khi bắt được con cóc trong vườn nhà đã nướng thịt và trứng cóc cho 2 con ăn. Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau cả 3 bố con đều bị ngộ độc phải cấp cứu tại viện.
Tối 21/9, Khoa Nhi (BV Bạch Mai) tiếp nhận ca cấp cứu đặc biệt là hai anh em ruột Nguyễn Nhật Minh (8 tuổi), Nguyễn Nhật Minh Hải (3 tuổi) được chuyển đến từ Kỳ Sơn, Hòa Bình trong tình trạng nôn, buồn nôn liên tục. Cả hai anh em đều ăn món thịt cóc nướng vào bữa trưa cùng ngày.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, trưa 21/9, chồng chị bắt được con cóc trong vườn nhà. Thấy 2 con còi còi, biếng ăn cả 2 vợ chồng đã thịt cóc, lột sạch ra, bỏ hết nội tạng nhưng lại để lại bộ trứng. Anh đem thịt và trứng cóc nướng lên cho con ăn.
Con lớn Nhật Minh chỉ ăn một miếng, con nhỏ Minh Hải ăn thịt cóc lẫn cơm. Người bố trong bữa cơm cũng có ăn một chút thịt cóc.
Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau ăn, cả ba bố con đều có dấu hiệu mệt lả, nôn liên tục. Gia đình cũng nghĩ ngay đến ngộ độc cóc nên đã đưa cả 3 bố con đến BV Đa khoa Lương Sơn cấp cứu. Tại đây, hai em bé được truyền dịch và chuyển đến khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai. Bố bệnh nhi sau khi truyền dịch tại BV Lương Sơn tình trạng đã đỡ hơn, được xuất viện về nhà.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, may mắn, cả hai đều bị ngộ độc nhẹ, mới có biểu hiện ngộ độc trên đường tiêu hóa, gây buồn nôn, nôn do ăn lượng rất ít. Vì thế, sau 3 ngày truyền dịch thải độc, tình trạng các cháu đã ổn định.
Nằm tại giường bệnh Khoa Nhi, BV Bạch Mai, cháu Nhật Minh cho biết: “Cháu chỉ ăn một miếng thịt cóc nhỏ. Lúc ngồi ăn cơm, bố mẹ cháu có gắp cho cháu miếng thịt cóc nướng to, bảo cháu ăn đi sẽ béo lên. Cháu ăn thử thấy ghê ghê, không ngon nên đã lén bố mẹ nhổ bỏ gần hết miếng thịt”.
“Rất may là cả ba bố con đều ăn ít thịt cóc nên ngộ độc nhẹ, nếu 2 đứa trẻ mà ăn nhiều hơn chắc chắn tình trạng ngộ độc sẽ nặng hơn, thậm chí tính mạng có thể còn bị đe dọa”, PGS.TS Dũng cảnh báo.
Bác sĩ cho biết 3 bố con đều ăn ít thịt cóc nên không bị ngộ độc nặng
Do đó, PGS.TS Dũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn thịt cóc bởi rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định nọc cóc chứa rất nhiều chất độc. Nọc độc này có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan cóc. Bản thân con cóc cũng chứa nhiều giun sát, ký sinh trùng không có lợi cho sức khỏe. Trong thịt, mỡ cóc không có độc nhưng hoàn toàn có thể dính độc tố này trong quá trình chế biến. Thực tế, đã có nhiều trường hợp tử vong vì ngộ độc thịt cóc, dù đã lọc bỏ da, gan, trứng cóc.
Trong nọc có có chứa chất tetrodotoxin rất độc, làm co mạch, tăng huyết áp, làm cho tim đập nhanh hoặc chậm... Khi trúng độc, người bệnh sẽ thấy tê môi, buồn nôn, nôn, rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, hồi hộp, tụt huyết áp, hoảng hốt vì thế sinh ra ảo giác, các rối loạn nhịp tim nguyên hiểm, hạ huyết áp, một số trường hợp có thể co giật, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
“Người dân cần phải đến ngay cơ sở y tế nếu sau khi ăn thịt cóc có các biểu hiện như tê môi, buồn nôn, nôn, rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, hồi hộp, tụt huyết áp…”, PGS.TS Dũng nói.