Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trong đề thi các môn trắc nghiệm sẽ có 3 dạng thức câu hỏi gồm: trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm dạng đúng sai và trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
3 dạng thức trắc nghiệm trong đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Bộ GDĐT mới đây đã chính thức thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, trong số 4 môn thi (2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn), môn Ngữ Văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận, các môn học khác được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng đề thi:
- Trắc nghiệm nhiều lựa chọn
- Trắc nghiệm dạng Đúng/Sai
- Trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.
Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn: là dạng thức quen thuộc, đã được áp dụng trong nhiều năm tại Việt Nam. Theo định dạng đề thi từ năm 2025, các môn Ngoại ngữ chỉ dùng một loại dạng thức này còn các môn trắc nghiệm còn lại chỉ có một phần.
Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai: mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời Đúng/Sai đối với từng ý của câu hỏi.
Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.
Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kĩ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Bộ GD-ĐT đánh giá, hai dạng thức trắc nghiệm mới qua thử nghiệm thực tế cho thấy phù hợp với việc thiết kế đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh. Theo cấu trúc định dạng đề thi, thời gian thi của môn Ngữ văn là 120 phút; môn Toán 90 phút; các môn khác 50 phút.
Giáo viên đánh giá cao
Thầy Lương Văn Huy, giáo viên Toán ở Hà Nội nhận xét chi tiết: Đề thi Toán có 34 câu, được chia làm 3 dạng. Dạng 1: Gồm các câu trắc nghiệm 4 lựa chọn (thí sinh chọn 1 đáp án đúng), tương tự đề cũ. Mỗi câu 0,25 điểm. Các câu ở mức độ 1-2, đòi hỏi thí sinh nhận biết các kiến thức cơ bản. Các câu chủ yếu đánh giá năng lực lập luận và tư duy đơn giản của học sinh, yêu cầu các em nhớ và hiểu kiến thức cơ bản.
Dạng 2: Gồm các câu trắc nghiệm 4 đáp án, các thí sinh chọn tính đúng sai của các đáp án, là dạng mới. Các ý có độ khó tăng dần theo số đáp án. Số điểm khi khoanh đúng đáp án cũng tính theo hệ số riêng theo cấu trúc 0,1 – 0,15 – 0, 25 – 0, 5. Đề thi đòi hỏi học sinh có tư duy sâu, hiểu và tổng quát được bài toán, kiến thức mức khá giỏi; Tránh được học sinh khoanh bừa, dựa vào may mắn như dạng 1.
Dạng 3: Gồm các câu trắc nghiệm điền khuyết (tự luận điền đáp án), là dạng toán mới. Các câu có số điểm cao hơn (0,5đ/câu), chỉ cần điền đáp án cuối cùng, không cần trình bày. Hạn chế được tối đa nhước điểm khoanh bừa, may mắn của thí sinh. Các câu đa số ở mức vận dụng, vận dụng cao (mức 3-4). Đề thi đòi hỏi thí sinh hiểu bản chất, biết thực thực và tính toán thành thạo, chính xác và nhanh.
“Đề có tính tư duy, phân loại tốt hơn so với hình thức trắc nghiệm thông thường; Hạn chế tốt hơn tính may rủi trong quá trình làm bài của thí sinh; Hạn chế được việc đoán đáp số, thử đáp án, các mẹo vặt bấm máy tính trong kỳ thi và giúp học sinh có cách tư duy, suy luận và rèn luyện kiến thức 1 cách sâu hơn.
Tuy nhiên, đề thi vẫn cho nội dung câu hỏi theo hình thức cũ, cần cập nhật, bổ sung nội dung chương trình cải cách; Cần có câu hỏi mức vận dụng, vận dụng cao nhiều hơn để dễ phân loại thí sinh, số lượng câu mức 1-2 nên vừa đủ để xét tốt nghiệp; Cần bổ sung các câu hỏi thực tiễn, các câu hỏi đánh giá năng lực tốt hơn”, thầy Huy nói.
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội đánh giá: “Cấu trúc 3 dạng thức này phù hợp với các đánh giá đang được triển khai trên thế giới. Mục tiêu lớn nhất của môn Toán là để rèn tư duy. Đề thi mới làm tốt được việc này. Dù các năng lực chưa được “cài cắm” hết song 3 năng lực cơ bản được thể hiện rất rõ: năng lực tư duy, lập luận toán học; năng lực giải quyết vấn đề; năng lực mô hình hóa toán học.
Đề kiểu này có thể đánh giá, phân loại học sinh chính xác hơn và vì thế vẫn có thể là một căn cứ để các đại học dùng để tuyển sinh. Đồng thời cách ra đề kiểu mới sẽ thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá trong nhà trường”.