“Không thể làm được gì, kể cả vệ sinh cá nhân, luôn sợ lạnh, thậm chí mùa hè phải mặc 4 áo,…”, đó là tình trạng của chị V. phải chịu đựng suốt bao năm nay khi mắc phải các vấn đề về tâm thần.
30 tuổi không làm được gì, ai cũng bảo lười...
Chị V. (30 tuổi, Hà Nội) hiện nay đang làm văn phòng nhưng công việc của chị cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi căn bệnh trầm cảm, một trong những bệnh tâm thần mà chị đang mắc phải.
Chị V. kể, một công việc trong khi người khác làm 5 phút thì chị phải mất 30 phút để thực hiện xong. Chị không biết mình có bệnh từ bao giờ nhưng chị biết rằng những dấu hiệu của nó đã xuất hiện từ rất lâu mà chị không thể nhận ra.
Từ năm mười mấy tuổi chị đã sợ những cơn gió lạnh thổi vào người. Mùa hè nóng bức, trong khi mọi người chỉ mặc 1 áo phông cộc tay thì chị phải mặc 4 áo vì cảm thấy lạnh. Hễ đến nhưng nơi có điều hòa hay đi xe buýt công cộng có điều hòa chị lại thấy sợ và có thể phải đắp thêm chăn hoặc mặc áo khoác dày vào người.
Mùa đông đến chị không dám đi ra ngoài và nếu đi ra ngoài phải mặc rất nhiều quần áo dầy ụ, quàng khăn kín cổ, đội mũ trùm kín tai chỉ hở mỗi mặt hoặc mặc thêm quần áo mưa để tránh bị gió lùa vào đau cổ vai gáy.
Đó chưa kể, cơ thể chị lúc nào cũng buồn ngủ, mệt mỏi, không thể làm được gì. Chị cũng không thể lý giải được điều này và luôn phải hứng chịu những lời trách móc của mọi người trong gia đình là “lười”.
Chị V. đến khám lại sau 3 tháng điều trị
Đã có nhiều lúc cuộc sống của chị rơi vào vòng luẩn quẩn ngủ rồi đi làm. Mặc dù biết tình trạng đó nhưng chị không thể nào thoát ra được. Và đến khi chị biết tình trạng bệnh của mình cũng là lúc quá muộn, không thể làm được gì.
“Khi mình phát hiện mắc bệnh cũng là lúc mình không thể làm được gì, lúc nào cũng chỉ buồn ngủ, mệt. Mọi người trong nhà thì bảo mình lười, không làm gì cả vì sáng dạy đi làm rồi trưa lại ngủ, chiều đi làm về đi ăn và đi ngủ. Cuộc sống cứ quay lại vòng luẩn quẩn.
Thứ 7, chủ nhật mình không đi đâu cả, đến lúc kiệt sức không thể làm được gì, kể cả vệ sinh thân thể, lâu lâu mới tắm một lần, còn gội đầu thì không gội được, nấu nướng, quét nhà cũng không làm được.
Đi đường mình cũng có các triệu chứng hồi hộp, lo âu, đi đường tắc cũng sợ, các biểu hiện như đi vệ sinh nhiều lần và nhiều biểu hiện khác như đau nhức cơ xương khớp, đầu óc chếnh choáng, ra mồ hôi cả ngày, sợ gió lạnh, sợ điều hòa, sợ tất cả mọi thứ và không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Mình khóc nhiều quá, ai nói gì cũng khóc, đến lúc cảm thấy kiệt sức mới đi khám ở Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương”, chị V. Chia sẻ.
Đi khám khi bệnh trầm cảm nặng nhất, sau 3 tháng điều trị, các triệu chứng rối loạn đã giảm và chị đang tiếp tục được điều trị.
Tỉ lệ chị em mắc bệnh tâm thần chiếm 2/3 so với nam giới
Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, chuyên khoa Tâm thần, Phó Giám đốc, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, trường hợp của chị V. với những biểu hiện triệu chứng cơ thể như đau tay, lo âu hay đau dạ dày,… sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và ngược lại mắc bệnh tâm thần là những căng thẳng, ức chế về tâm lý tâm thần gây ra những triệu chứng về cơ thể như vậy.
Những bệnh tâm thần này được phân loại là bệnh về rối loạn cơ thể hóa. Bản chất đó là bệnh về tâm thần nhưng lại thể hiện bằng triệu chứng cơ thể như đau đầu, mất ngủ, đau mỏi vai gáy, đau lưng, đau cơ mệt mỏi,… và phải chữa theo hướng tâm lý tâm thần mới khỏi.
Với trường hợp của chị V. chỉ cần chữa trầm cảm lo âu sẽ hết các triệu chứng cơ thể như đau đầu, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng đau dạ dày, rối loạn, đau tiền đình,...
“Nếu mọi người không hiểu, triệu chứng hồi hộp, tức ngực, bất an, bồn chồn, khó thở, hoa mắt chóng mặt,… đi khám tim hay khoa thần kinh được cho sử dụng thuốc thuyên giảm chút ít nhưng sẽ không khỏi. Những bệnh này phải khám chuyên khoa tâm thần, chữa bằng thuốc chuyên khoa, cùng với trị liệu tâm lý thì bệnh sẽ thuyên giảm nhanh.
Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ làm thiệt hại cuộc sống hàng ngày, giảm hiệu xuất làm việc, không đủ sức khỏe về tinh thần để duy trì các mối quan hệ, thậm chí trở thành người vô dụng, mất sức lao động, bị ảnh hưởng, suy sụp hoàn toàn”, bác sĩ Thu cho biết tầm nguy hại nếu điều trị sai.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu.
Nói thêm, bác sĩ Thu chia sẻ, do kỳ thị về chuyên ngành nên nhiều người không tin mình mắc bệnh tâm thần, cứ mải miết đi khám các chuyên khoa khác. Trong khi đó, sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Những trạng thái sức khỏe tâm thần như tư duy, cảm xúc không thể chụp được ra bệnh, nếu không kiểm tra sẽ không thể biết được.
Hiện nay, các bệnh tâm thần chưa ai tìm được nguyên nhân, cũng không thể khẳng định được nguyên nhân do stress bởi ngoài stress ra còn do khả năng chống đỡ stress từng người khác nhau và do yếu tố di truyền.
“Có 3 nhóm nguyên nhân khiến mọi người mắc bệnh tâm thần như: bệnh nội sinh, môi trường và sự thích nghi của từng người. Đây là một nhóm trong hàng chục nhóm bệnh khác nhau. Trong đó, sự thích nghi của từng người là quan trọng. Nếu những người tạo được tâm lý, sức khỏe sẽ tốt, tinh thần sẽ khỏe mạnh, thoải mái có thể giảm bớt được nguy cơ mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là nhóm bệnh liên quan đến stress
Hiện nay, tỉ lệ người mắc bệnh tâm thần rất cao và không loại trừ ai cả. Người phụ nữ chịu nhiều áp lực nên tỉ lệ mắc bệnh tâm thần gần gấp đôi và chiếm 2/3 so với nam giới.
Điều này có thể lý giải nam giới có khả nặng chống đỡ stress, làm được nhiều việc và thích nghi tốt hơn nữ giới. Còn phụ nữ phải chịu thiệt vì làm quá nhiều việc và không được chăm sóc, chiều chuộng như nam giới” .
Cũng theo bác sĩ Thu, bệnh tâm thần rất nguy hiểm và mỗi người có một cách thể hiện khác nhau. Hầu hết rối loạn giấc ngủ hay lo âu trầm cảm, mọi người nên nghĩ đến mình mắc bệnh tâm thần.
Nếu mọi người cảm thấy suy sụp, mất ăn mất ngủ, suy nghĩ tiêu cực, không làm được việc và buồn chán, tuyệt vọng kéo dài trên 2 tuần nên nghĩ ngay đến đi khám chuyên khoa tâm thần.
“Những người mắc bệnh tâm thần là những người có hiện tượng khác biệt kỳ quặc, thái độ bất thường. Đó là rối loạn lo âu cực kỳ phổ biến, có từ trẻ con đến người lớn và bỏ sót điều trị rất nhiều. Nếu mọi người đi khám không biết được mình mắc bệnh gì nên kiểm tra về tâm lý tâm thần và đừng ngại đi khám tâm thần.
Đối với chị em phải chăm sóc mình nhiều hơn, thích nghi tốt hơn. Tất cả mọi người nếu thấy có rối loạn tâm thần mãn tính nên đi khám chuyên khoa để có thể điều trị sớm và kịp thời.
Qua đó cũng cần phải tuyên truyền để mọi người có cái nhìn đúng bảo vệ sức khỏe tâm thần”, TS.BS Hồng Thu đưa ra lời khuyên.
Hiện nay, những bệnh nhân nữ nhập viện do gặp các vấn đề về tâm thần chiếm số đông. Thậm chí, một số bệnh viện tâm thần tỉ lệ bệnh nhân nữ điều trị chiếm 2/3 so với nam giới bởi họ đều phải trải qua quá nhiều áp lực từ việc nhà, việc cơ quan tới các mối quan hệ công việc, giao tiếp ngoài xã hội. Các chứng bệnh cơ thể dai dẳng không rõ nguyên nhân rất có thể là biểu hiện của chứng trầm cảm và lo âu thuộc chuyên khoa tâm thần. Tuy nhiên, họ không hề biết đó chính là triệu chứng của bệnh tâm thần. Ngay cả khi đã được bác sĩ chuyển khám chuyên khoa tâm thần họ lại ngần ngại không đi khám. Sự thiếu hiểu biết về sức khoẻ tâm thần cùng với tâm lý kỳ thị với bệnh tâm thần là nguyên nhân khiến cho nhiều người mắc bệnh tâm thần mà không biết, khiến nhiều người bệnh không được điều trị đúng thầy, đúng thuốc. Chính vì vậy, đã có không ít những câu chuyện đáng buồn xảy ra như mẹ giết con do không được khám chữa kịp thời. Điều này gióng lên hồi chuông kêu gọi mọi người nên nhìn nhận đúng đắn về việc bảo vệ sức khoẻ tâm thần, đặc biệt là chị em phụ nữ. |