Lễ chùa ngày đầu năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt, Chuyên gia phong thủy - Master Phùng Phương chia sẻ 4 thời điểm tốt nhất nên đi chùa cầu phúc đầu năm giúp sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm...
Một số điều cần biết khi đi lễ chùa
Đi lễ chùa ngày Tết là phong tục đã duy trì lâu đời, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt. Nhiều gia đình ở Việt Nam mỗi khi Tết đến, xuân về là già trẻ, trai gái rủ nhau đi lễ chùa. Với họ, đi lễ chùa đầu năm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, hòa mình vào chốn tâm linh, cuộc sống tươi đẹp hơn, bỏ lại bao vất vả mưu sinh phía sau để du xuân, vãn cảnh…
Thường người dân tới chùa tĩnh tâm rồi thắp nén hương dâng Phật với lòng thành kính, chắp tay niệm Phật cầu may mắn, sức khỏe cho bản thân và gia đình, cầu cho con cái chăm ngoan, học giỏi, bệnh tật tiêu trừ, cầu tài lộc… Người cầu duyên, người cầu bình an…
Phật tử đến chùa trong những ngày đầu năm mới và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc...
Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nét văn hóa truyền thống, tạo nên bức tranh đa sắc mùa xuân trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn, hướng con người tới giá trị của chân - thiện - mỹ.
Tuy việc đi lễ chùa đầu năm là phong tục đẹp, nhưng không phải ai đến chùa cũng hiểu ý nghĩa của việc đi lễ chùa, nhiều người còn không biết cách thức thực hành nghi lễ ở chùa. Đại đức Thích Chánh Thuần (Trụ trì chùa Phúc Lâm, Thường Tín, Hà Nội) đã chia sẻ (trên VOV), khi đi lễ chùa, hay vào các đền, các phủ nhiều người giắt tiền lẻ vào tay, tai tôn tượng Phật, hoặc để lên ban thờ, hay rải tiền vào giếng… Nhưng về góc độ văn hóa, rất phản cảm. Còn trong Phật giáo bị cho là không kính Phật.
Người dân đến chùa mang theo tâm lý cầu lộc, sức khỏe, cầu bình an, cầu tài phú… Nhưng cầu nguyện không phải là bản chất của Phật giáo và không khuyến khích phật tử cầu nguyện. Bản chất của Phật giáo chính là nhân – quả. Nhân nào quả ấy. Cuộc sống tốt đẹp hay không là do bản thân mình tự quyết định, chứ không có Trời Phật nào quyết định thay mình cả. Cho nên Đức Phật hướng con người làm việc thiện. Người làm việc thiện nhất định cuộc sống sẽ thiện. Làm điều ác thì cuộc sống sẽ gặp nhiều trắc trở.
Các chùa cũng không yêu cầu không thắp hương, bởi việc thắp hương nhà chùa đã làm rồi. Đến chùa muốn thắp hương phải xin ý kiến trụ trì.
Về khấn vái nhiều người tới chùa khấn rất nhanh, vừa niệm vừa khấn. Các sư thầy hướng dẫn khi khấn thì không vái. Hãy chắp tay ngang ngực theo hình búp sen và cầu bình yên cho cuộc sống của mình. Không nên tay đưa tay lên xuống khi cầu khấn.
Nếu muốn vái thì cả đầu cả tay từ từ đưa lên, đưa xuống không phải vừa khấn, vừa vái như "bổ củi" – thể hiện thiếu kính Phật.
Đi lễ chùa đầu năm chuẩn bị đơn giản. Ảnh internet.
Đầu năm có 4 ngày tốt nhất để đi lễ chùa
Theo các sư thầy, đi lễ chùa đầu năm chuẩn bị đơn giản, không kịp chuẩn bị cũng không sao. Nhưng cần chú ý:
- Không nên mang thịt gà, đồ ăn mặn vào lễ chùa.
- Vàng mã cũng không nên mang đặt lên Tam bảo, cũng không nên đốt vàng mã ở chùa.
- Đi lễ chùa người dân đừng lo đặt tiền ít hay nhiều, bày lễ to hay nhỏ - bởi những thứ đó Phật cũng không dùng. Nhưng tâm xuất thì Phật biết người đó đến lễ có thành tâm hay không. Lễ chùa là phải thảnh thơi, du xuân đầu năm lễ Phật thì tốt, thế nhưng đừng quá nặng nề việc nghi lễ, quan trọng nhất là sự thành kính nơi Tam bảo và cái tâm thiện lành có sáng hay không.
Theo chuyên gia phong thủy, có 4 ngày trong tháng Giêng nên đi chùa cầu phúc đầu năm sẽ giúp cho sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm. Ảnh: PTPG
Theo Chuyên gia phong thủy - Master Phùng Phương, lên chùa dâng hương là một trong những phong tục truyền thống của người Việt, đặc biệt là trong những ngày đầu xuân năm mới. Việc dâng hương đền chùa đầu năm cốt là để cầu bình an, may mắn, sức khỏe cho gia đình trong năm mới. Sau đây, là 4 thời điểm mà bạn nên đi chùa cầu phúc vào dịp đầu năm, sẽ giúp cho sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
- Mùng 1 Tết (tức ngày 10/02/2024 dương lịch).
- Mùng 4 Tết (tức ngày 13/02/2024 dương lịch).
- Ngày 11 tháng Giêng (tức ngày 20/02/2024 dương lịch).
- Ngày Rằm tháng Giêng (tức ngày 24/02/2024 dương lịch).
Lưu ý, người đi lễ chùa cầu phúc, cầu an - chớ nên cầu tài lộc. Cần giữ cho tâm thanh tịnh và nên hành thiện, phóng sinh, bố thí, cúng dường...
Một số tuổi cần kiêng kị khi đi lễ chùa Tết Giáp Thìn 2024
Phong thủy sư Tam Nguyên tư vấn những ngày đẹp nên lên chùa cầu phúc và tuổi gia chủ cần lưu ý để đón năm mới bình an, vạn sự lành:
• Ngày mùng 3 tháng Giêng, ngày Bính Ngọ: Thiên Hà Thuỷ Kị tuổi: Canh Tý, Mậu Tý.
• Ngày mùng 6 tháng Giêng, ngày Kỷ Dậu: Đại Dịch Thổ Kị tuổi: Quý Mão, Ất Mão.
• Ngày 13 tháng Giêng, ngày Bính Thìn: Sa Trung Thổ Kị tuổi: Nhâm Tuất, Canh Tuất.
• Ngày 24 tháng Giêng ngày Đinh Mão: Lư Trung Hoả Kị tuổi: Tân Dậu, Quý Dậu.
Một số tuổi con giáp cần kiêng kị khi đi lễ chùa đầu năm. Ảnh: PTTN
* Bài viết chỉ có tính chất tham khảo