Đây là những thứ có trong tự nhiên, cứ đến mùa người dân lại rủ nhau đi săn lùng và bán với giá đắt đỏ, có người thu được tiền triệu mỗi ngày.
Ốc núi xuất hiện khi trời tối, dân bắt về bán 80.000 đồng - 120.000 đồng/kg
Trong núi có một loại ốc chỉ xuất hiện vào ban đêm, giá bán cũng không hề rẻ. Có những người đi lượm về kiếm tiền triệu mỗi ngày. Ốc núi có nơi trú ngụ đặc biệt là trong các núi đá. Chúng đặc biệt nhiều vào mùa mưa bởi chỉ có giai đoạn này chúng mới bò ra ngoài tìm đồ ăn và sinh sản.
Thời gian còn lại chúng ẩn mình ở dưới đất, trong các khe đá cho nên việc đánh bắt không hề dễ dàng. Thức ăn của ốc này là các cây cỏ trong đó có loại thuốc quý nên thịt ốc thơm ngon. Chúng được mua về để chế biến thành nhiều món như hấp sả, xào sả ớt, hấp gừng... Trước đây, ốc núi được những hộ dân sống gần núi có ốc sống đem về ăn. Khi ăn nhiều quá, họ đem ra chợ bán, khách thấy ngon mới đặt mua nhiều. Cho nên gần đây giá ốc núi cũng tăng cao chứ trước đây rất rẻ.
Dạo gần đây, ốc núi được nhiều người ưa chuộng dù giá bán không hề rẻ
Mặt khác, ốc núi được ưa chuộng là do chúng được bồi bổ đồ ăn trong tự nhiên, không có tác động của con người nên thịt thơm, ngọt, khách có phần an tâm hơn về chất lượng. Nhờ vậy, "lộc trời" này càng được nhiều người tiêu dùng tìm mua để chế biến thành các món ăn ngon, đặc biệt là nhậu tại nhà.
Mặc dù giá bán cao 80.000 đồng - 120.000 đồng/kg, mỗi tối có thể kiếm được bạc triệu nhưng để bắt được ốc khá vất vả. Người bắt vào núi từ khi trời tối, băng qua nhiều đoạn đường gập ghềnh đôi khi nguy hiểm.
Châu chấu giá 130-250 nghìn đồng/kg
Những con châu chấu bay khắp các cánh đồng ở thôn quê được gọi với cái tên sang chảnh là "tôm bay". Những năm gần đây, món "tôm bay" trở thành món nhậu đắt đỏ trong các nhà hàng với giá từ 200-300 nghìn đồng/kg.
Trên chợ online, châu chấu cũng được rao bán với giá 130-250 nghìn đồng/kg và được đặt mua tới tấp. Nhiều người bất ngờ vì trước đây châu chấu là loại chuyên phá hoại mùa màng, nay lại đắt đỏ đến thế.
Người dân giăng lưới từ đầu ruộng đến cuối ruộng để bắt châu chấu
Chị Lan (một người bán châu chấu online) cho biết có nhiều loại châu chấu như châu chấu lúa, châu chấu tre, châu chấu voi... nhưng châu chấu lúa là loại ngon và được chuộng nhất, giá bán khoảng 250.000 đồng/kg. Châu chấu tre là loại rẻ nhất, chỉ 130.000 đồng/kg.
"Ở quê mình trước đây châu chấu được xem là "giặc cỏ" vì nó phá hoại mùa màng. Gần đây, cứ mỗi lần thu hoạch xong mọi người lại rủ nhau thành nhóm đi bắt, dùng lưới giăng từ đầu ruộng bên này sang đầu ruộng bên kia. Mỗi mẻ như thế người dân thu về 8-10kg châu chấu", chị Lan cho hay.
Mỗi kg châu chấu được bán với giá 130-250 nghìn đồng/kg
Châu chấu sau khi bắt ở ruộng về sẽ được chần qua nước sôi, vặt cánh cẩn thận rồi ướp đá bán cho các nhà hàng.
Chia sẻ trên báo Dân Việt, PGS. TS. Nguyễn Thị Bảy, Trưởng Bộ môn Bệnh học - Khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Dược TP.HCM, món ăn được chế biến từ châu chấu không chỉ làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể, mà còn có tác dụng chữa một số bệnh như dị ứng, ngứa hay vàng da.
Cua núi “ngon hơn cua biển, rẻ hơn cua đồng” 140.000 đồng/kg
Những tháng vừa qua, chợ mạng rao bán rầm rộ loại cua đá được giới thiệu là “ngon hơn cua biển, rẻ hơn cua đồng”. Người bán giới thiệu, cua núi là đặc sản của vùng cao, chúng thường sống trong các hốc đá, khe đá ven suối… được người dân đi bắt về mang bán cho các mối buôn.
Cua núi rẻ và ngon nên khách đặt mua ầm ầm
"Khoảng tháng 4 đến tháng 7 là mùa của cua đá nên thịt ngon, chắc nịch, có thể hấp bia, hấp sả. Mỗi con cua nặng khoảng 0,2kg. Với giá bán chỉ 140.000 đồng/kg size 6-8 con/kg tại Hà Nội thì cua núi rẻ hơn cả cua đồng nên mỗi lần có cua núi, chỉ cần rao bán trong thời gian ngắn là hết. Thậm chí nhiều khách đặt trước nhưng không có hàng để bán", chị Mỹ - một người bán hàng online cho hay.
Chị Giang (ở Na Hang, Tuyên Quang) cho biết cua đá thường ra khỏi hàng vào những ngày mưa, ban ngày chúng ở trong hang nên cứ trời mưa hoặc trời xẩm tối người dân nơi đây lại cầm đèn lên núi bắt cua về bán cho các mối buôn.
"Người dân đi bắt cả đêm, đến sáng ai cũng vác được cả bao tải to đùng. Sau đó, họ phân loại rồi nhập cho dân buôn. Thấy nhiều người giới thiệu cua đá ngon hơn cua biển, rẻ hơn cua đồng thì không đúng lắm. Cua biển vỏ mỏng hơn, con to hơn, ăn ngon hơn, nhưng với số tiền 140.000 đồng/kg cua núi thì thật sự đáng tiền bởi ăn cũng rất ngon, thịt chắc, thơm. Trong khi cua đồng ngoài chợ mua về nấu canh cũng phải 200.000 đồng/kg rồi", chị Giang cho biết thêm.
Bắt chuột đồng bán thu tiền triệu
Hằng năm, cứ đến khi vụ lúa hè thu đến dịp thu hoạch là những tay săn chuột đồng được dịp hốt bạc. Anh Bình (ở làng Sặt, xã Tân Phong, Ninh Giang, Hải Dương) cho biết cứ đến mùa nhóm của anh lại đi khắp các cánh đồng để săn chuột đồng, hôm nào nhiều nhất là được khoảng 1 tạ. Ở làng Sắt quê anh thịt chuột là đặc sản, người dân lấy thịt chuột làm thức ăn hàng ngày hoặc tiếp đãi khách quý.
Chuột đi bắt về đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó
Chuột được bày bán quanh năm ở các chợ, nhà hàng như một món không thể thiếu. Vì vậy, nhiều người coi việc bắt chuột là một nghề “kiếm cơm”, mang về thu nhập chính cho cả gia đình.
Anh Bình cho biết các thương lái thu mua với giá 100-130.000 đồng/kg. Nếu làm sạch, thui thơm phức thì có giá 150.000-200.000 đồng/kg. Nếu may mắn, có đêm đội săn chuột 4-5 người có thể thu về vài triệu đồng tiền bán chuột.