Mặc dù liên tiếp trong những ngày gần đây, 4 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc- xin viêm gan B, nhưng các bác sỹ đầu ngành vẫn khuyên nên tiêm loại vắc xin này.
Dư luận đang quan tâm đặc biệt đến sự việc 4 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B. Đến hôm nay (25/7), nguyên nhân tử vong của 4 đứa trẻ xấu số vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Trong lúc nhiều người vẫn còn băn khoăn, có nên tiếp tục tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ không? Ngày 24/7, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, vẫn tiếp tục tiêm vắc – xin này cho trẻ.
Trao đổi với PV hôm nay (25/7), BS. Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, tiêm vắc -xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh rất cần thiết. Vấn đề này cũng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo và có đầy đủ tính khoa học.
Người nhà đau đớn trước cái chết của cháu bé. (Ảnh: Ngọc Trân)
“Việc tiêm hay không tiêm cho trẻ ngay sau sinh không phải là vấn đề bàn cãi. Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả các cơ sở có phòng đẻ phải thực hành tiêm viêm gan B mũi một trong 24 giờ đầu”, Bác sỹ Quyết nói.
Vị Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng cho biết, việc tiêm vắc – xin viêm gan B cho trẻ đã thành quy trình nên không phải hỏi ý kiến của gia đình xem họ có đồng ý hay không.
“Tuy nhiên, sau những vụ tử vong sau tiêm vắc xin này, bệnnh viện sẽ chủ động hỏi ý kiến của gia đình sản phụ”, ông Quyết nói.
Để bảo đảm an toàn, trước khi tiêm, trẻ cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám cẩn thận để khẳng định không mắc bệnh gì. Trước khi sản phụ vào viện khám và sinh nở cũng được nhân viên y tế tư vấn rất chặt chẽ về các mũi tiêm cho mẹ và con.
Cha của cháu bé và gia đình đau buồn trước cái chết của con em mình. (Ảnh: Ngọc Trân)
TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng nhìn nhận, việc tiếp tục tiêm vắc –xin viêm gan B cho trẻ khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế về công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm, việc tiêm chủng vắc- vin viêm gan B là bắt buộc.
“Đây là điều kiện để đảm bảo quyền lợi của cá nhân và cộng đồng. Hơn nữa, việc tiêm vắc xin viêm gan B không chỉ là quy định riêng của Việt Nam mà là chiến lược toàn cầu”, ông Cảm cho hay.
Tại cuộc họp Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế chiều hôm qua (24/7), đại diện WHO cũng khuyến cáo, việc chủng ngừa viêm gan B ngay sau khi sinh là rất quan trọng bởi vì hầu hết trẻ mới sinh nhiễm vi rút viêm gan B sẽ không có triệu chứng, nhưng có tới 90% khả năng có thể nhiễm bệnh. Viêm gan B có thể dẫn tới hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có tổn thương gan, ung thư gan và thậm chí là tử vong. Tuy nhiên những chứng cứ quốc tế cho thấy rằng hầu hết các ca viêm gan B có thể được phòng ngừa kể cả khi trẻ do một người mẹ nhiễm vi rút viêm gan B sinh ra hoặc trong một khu vực đang có dịch (ở mức độ cao) với điều kiện nhận được sự chủng ngừa cần thiết ở thời điểm được đề nghị. Để ngăn chặn bệnh này, WHO tiếp tục đề nghị trẻ cần được tiêm mũi chủng ngừa viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau khi sinh, và 3 mũi bổ sung sau đó trong vòng từ 1- 15 tháng. Do đó, Bộ Y tế quyết định tiếp tục tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh theo lịch trong Dự án tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh chủ động cho trẻ em và cộng đồng. |