BV Phụ sản TƯ ngừng tiêm vắc xin viêm gan B

Ngày 23/07/2013 22:00 PM (GMT+7)

Trước sự cố 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại Quảng Trị, BV Phụ sản Trung ương đã quyết định tạm ngừng tiêm vắc xin này cho trẻ trong vòng 24h đầu sau sinh.

Bộ vẫn khuyến cáo tiếp tục tiêm trong vòng 24h

Ngay sau sự cố tại Quảng Trị, rất nhiều câu hỏi được đặt ra như trẻ nào nhất thiết phải tiêm vắc xin viêm gan B trong 24h đầu sau sinh, những trẻ nào nên lùi lại thời gian tiêm?

TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Trung ương cho biết, sau khi theo dõi thông tin phía bệnh viện quyết định tạm ngừng tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sau khi sinh ra trong vòng 24h .

Còn tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, theo TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở này vẫn thực hiện tiêm viêm gan B cho trẻ trong 24h đầu sau sinh. Tuy nhiên, bệnh viện sẽ tăng cường việc đảm bảo đúng quy trình và luôn có bộ chống sốc bên cạnh đề phòng nếu chẳng may có bé bị sốc phản vệ sẽ được xử lý kịp thời, tránh tử vong.

Về phía Bộ Y tế, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Trước mắt Bộ Y tế vẫn khuyến cáo tiếp tục tiêm cho trẻ trong vòng 24h đầu sau sinh, tuy nhiên hướng về sau như thế nào sẽ phải chờ ý kiến họp hội đồng chuyên môn của Bộ”.

BV Phụ sản TƯ ngừng tiêm vắc xin viêm gan B - 1

TS Nguyễn Văn Bình trả lời báo chí chiều ngày 23/7

Ông Bình chia sẻ, vào năm 2007-2008 – thời điểm Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp có phản ứng sau tiêm chủng vắc xin viêm gan B, Bộ Y tế đã tổ chức khá nhiều cuộc hội thảo, mời các chuyên gia quốc tế đến thảo luận xem nên tiêm cho trẻ ở thời điểm nào là tốt nhất. Sau khi thấy tất cả các nghiên cứu đều khẳng định với các bà mẹ bị bệnh, có mang virus viêm gan B thì việc tiêm trong vòng 24h đầu có ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho bé rất tốt. Tất nhiên, với những bà mẹ không mang bệnh thì việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ có thể lui lại sau 24h.

Nhưng ở Việt Nam có tới 10% bà mẹ có sẵn virus viêm gan B trong máu, quá trình sinh đẻ virus này rất dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ gây bệnh nên việc tiêm sớm cho trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tiêm muộn sau 24h trẻ có nguy cơ lây bệnh rất lớn. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lưu hành viêm gan B khá cao.

“Với những trường hợp trẻ không cần phải tiêm ngay, khó khăn đặt ra là làm thế nào để xác định được người mẹ không mang bệnh? Lúc bấy giờ, phương án xét nghiệm tất cả các sản phụ trước sinh, nếu sản phụ nào mang virus viêm gan B thì mới có chỉ định tiêm cho trẻ trong vòng 24h đầu đã được đặt lên bàn họp. Tuy nhiên, vấn đề xét nghiệm lớn quá, việc xét nghiệm đại trà gây tốn kém rất nhiều nước mình không đáp ứng được. Trên thực tế cũng không có nước nào thực hiện quy trình xét nghiệm viêm gan B 100% cho sản phụ nên phương án này đã bỏ đi”, TS Bình cho biết.

Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có một số bệnh viện phụ sản ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tiến hành làm xét nghiệm viêm gan B cho sản phụ trước khi sinh.

WHO vẫn khuyến cáo vì sức khỏe chung của cộng đồng nên tiêm viêm gan B cho trẻ trong vòng 24h đầu. Sau khi phân tích nhiều ý kiến chuyên gia của WHO, chuyên gia quốc tế và trong nước Bộ Y tế mới quyết định tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sớm nhất, trong vòng 24h đầu sau sinh.

“Trước tình hình xảy ra ở Quảng Trị, chắc chắn hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế sẽ phải cân nhắc thời điểm tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ lúc nào là hiệu quả, an toàn nhất. Hiện tại, Bộ vẫn khuyến cáo vẫn nên tiêm trong vòng 24h đầu sau sinh’, TS Bình nói.  

BV Phụ sản TƯ ngừng tiêm vắc xin viêm gan B - 2

Đoàn công tác của Bộ kết luận ban đầu nguyên nhân khiến 3 trẻ tử vong sau tiêm là "sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân"

Gửi mẫu vắc xin ra nước ngoài kiểm định

Trả lời câu hỏi việc mất điện trong 2,5 tiếng có ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin khiến 3 trẻ có phản ứng sốc phản vệ sau tiêm, TS Bình cho biết, về quy tắc việc bảo quản vắc xin phải theo quy định tương đối ngặt nghèo (2-8 độ C). Tuy nhiên, có loại vắc xin vẫn cho phép ở nhiệt độ bình thường khi gặp sự cố đột ngột trong thời gian ngắn mà không ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin. Có vắc xin để được nhiệt độ thường trong thời gian tương đối dài như vắc xin sởi có thể để ở nhiệt độ 37 độ C trong 7 ngày.

Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan mẫu lô vắc xin gây tử vong cho 3 bé ở Quảng Trị đã được gửi Việm kiểm định Quốc gia về vắc xin và sinh phẩm y tế kiểm định chất lượng. Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã liên hệ với WHO để gửi mẫu vắc xin kiểm định chất lượng ở một phòng xét nghiệm quốc tế độc lập. Với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân sẽ do bên Cục khoa học hình sự, Bộ Công an chịu trách nhiệm xét nghiệm.

“3 trẻ tử vong sau tiêm tại Quảng Trị là chùm ca bệnh đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên ghi nhận ở Việt Nam. Trước đây, chúng ta đã từng ghi nhận các trường hợp tử vong sau tiêm nhưng ở trên các địa bàn khác nhau, lần này xảy ở cùng lúc ở 3 trẻ ở cùng một địa điểm, một bệnh việc. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc nên ngay lập tức nhận được thông tin Bộ Y tế đã cử đoàn công tác vào cuộc, về địa phương tìm hiểu. Thông thường theo quy định nếu địa phương nào xảy ra tai biến do tiêm chủng địa phương đó có trách nhiệm thành lập hội đồng chuyên môn, mời các chuyên gia của viện khu vực hoặc bệnh viện tham gia điều trị cho các cháu để điều tra làm rõ. Khi hội đồng chuyên môn địa phương không tìm ra nguyên nhân thì Bộ mới thành lập hội đồng chuyên môn cấp Bộ”, TS Bình nói.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tử vong sau tiêm vắc xin