40 năm ròng rã để giúp vợ thực hiện tâm nguyện đi tìm hài cốt chồng cũ, ông Lục một mình chạy xe ôm, vừa làm cha, vừa làm mẹ chăm sóc cả đàn con.
Những năm tháng sống với ông, bà vẫn chưa thể quên chồng cũ. Dù đã nhận giấy báo tử, bà vẫn tâm niệm: Phải tìm thông tin về ông. Hoặc nếu chồng cũ chết thật thì bà cũng muốn đưa hài cốt về. Vậy là 40 năm ròng rã, để giúp vợ thực hiện tâm nguyện, ông một mình chạy xe ôm, vừa làm cha, vừa làm mẹ chăm sóc cả đàn con. Tấm chân tình cảm động mà chúng tôi đang nhắc đến ấy là của ông Phan Văn Lục (80 tuổi, ngụ Q. Tân Phú, TP HCM).
Ba điều kiện nên nghĩa vợ chồng
Trong ngôi nhà ấm áp, vợ chồng ông Lục luôn dành ra vị trí trang trọng nhất đặt di ảnh một người chiến sĩ đã hi sinh ở chiến trường năm xưa. Người trong di ảnh chính là liệt sĩ Vũ Đình Cốt, chồng cũ của bà Trần Thị Tuyến (vợ ông Lục-PV). Ít ai ngờ, suốt những năm tháng yên bình, thâm tâm bà Tuyến chưa bao giờ thảnh thơi. Bà vẫn luôn đau đáu khi chưa tìm thấy thi hài chồng quá cố. Hơn 40 năm qua, ông Lục chính là hậu phương lặng lẽ, ủng hộ bà đi tìm chồng cũ. Để bà yên tâm, ông động viên “bà cứ yên tâm đi tìm, con cái ở nhà để tôi lo”.
Bản thân ông Lục từng là “liệt sĩ trở về” nên ông hiểu hơn ai hết nỗi đau mất mát, mất đi người chồng “đầu gối tay ấp” của bà. Ngồi cạnh vợ với cái nắm tay ấm chặt, ông nhớ rằng bản thân ông cũng từng hai lần chết đi sống lại trong chiến tranh. Lần giở những trang nhật kí trong tiềm thức, ngày ấy, tuổi thanh xuân ông hăm hở khoác ba lô vào chiến trường. Mậu thân năm 1968, chẳng may ông bị địch bắt và đày ra nhà tù Phú Quốc. “Tôi bị địch tra tấn dã man, ngất lên xỉu xuống không nhớ hết. Một lần chúng lôi tôi ra dùng cực hình, không giống như mọi hôm, tôi bất tỉnh nhân sự. Bọn cai ngục tưởng tôi đã chết nên lôi xuống nhà xác. Một bác sĩ người Mỹ vào buồng giam hỏi “người tù số 305 ở đây đâu rồi”. Chúng chỉ tay xuống nhà xác. Ông bác sĩ đi xuống và đặt tay lên ngực tôi thấy cơ thể còn ấm nên tiêm cho tôi hai mũi thuốc”, ông Lục nhớ lại.
Đoàn người đi tìm mộ thành công trở về
Nhiều ngày sau đó, nhờ những liều thuốc trợ lực của đội ngũ bác sĩ trại giam ông Lục dần tỉnh lại. Lần thứ hai đứng giữa lằn ranh sống-chết, ông là một trong hàng trăm tù nhân bị chế độ Mỹ-Ngụy dồn lên máy bay chở ra biển đổ. Lúc chuyến bay dừng ở Đà Nẵng, ông may mắn thoát chết lần hai nhờ hiệp định Paris được kí kết thành công. Mang trên mình thương tật chiến tranh, ông trở về quê hương Hà Tĩnh. Trở về quê nhà gặp lại nhiều đồng đội cũ, trong vô vàn câu chuyện được nghe, ông phân vân mãi khi có người nhắc tới hoàn cảnh người phụ nữ tên Trần Thị Tuyến. “Nghe bạn kể bà ấy đang sống những ngày cô quạnh. Mặc dù biết chồng đã hi sinh nơi chiến trường nhưng bà ấy vẫn hi vọng vào một phép màu. Tôi thấy cảm động quá nên bảo bạn dẫn đến nhà hỏi thăm. Vừa gặp nhau, tôi đã nghĩ thầm: “Cô ấy sẽ là vợ mình”, ông cười hiền kể lại.
Lần thứ hai tâm sự, ông thẳng thắn ngỏ ý muốn được san sẻ ngọt bùi cùng bà suốt cuộc đời còn lại. Lúc nghe ông ngỏ lời bà rất ngạc nhiên. Nhưng nhìn vào đôi mắt chứa chan tình của anh lính miền quê nghèo, bà thấy tin tưởng. Tính bà vốn bộc trực, xưa nay chẳng muốn nợ nần ai. Thẳng thắn bà đưa ra “ba điều kiện”, nếu ông chấp nhận thì cả hai sẽ là vợ chồng. “Vỏn vẹn 30 phút, ông ấy đồng ý với ba vấn đề mà tôi đưa ra. Thực tình lúc ấy, tôi không ngờ là ông chấp nhận vì nó có phần vô lí”, bà Tuyến tâm sự. Ba vấn đề bà đưa ra đều được ông chấp nhận không chút lưỡng lự. “Nếu lấy anh, về ở với anh nhưng em vẫn sẽ đi tìm chồng cũ. Kể cả sau này có con cái mà chồng em về thì em sẽ về với chồng. Lấy em, anh phải tôn trọng em và những người thân trong gia đình em”.
Để lấy bà về làm vợ, ông đồng ý với ba điều kiện “bất di bất dịch”. Đã từng có người tỏ ra thắc mắc, hoài nghi tình cảm của ông. Hơn ai hết, ông Lục hiểu rõ những tâm tư giằng xé trong con người bà. Lấy ông rồi nhưng vẫn có lúc buồn nhớ chồng cũ, bà buột miệng: “Nếu ngày đó mà có đứa con thì tôi đã chẳng lấy ông xã bây giờ”. Hiểu rõ cái tình, cái nghĩa của bà, ông càng hết lòng thương yêu vợ. Lúc chiến tranh vừa kết thúc, bà Tuyến vẫn ngày đêm trông ngóng tin tức từ chồng cũ. Bà tâm nguyện: Nếu chồng hi sinh thật thì bà cũng phải tìm bằng được hài cốt.
Nguyện làm hậu phương cho vợ
Rời Hà Tĩnh vào Sài Gòn lập nghiệp, cuộc sống của vợ chồng bà vô cùng chật vật. Khi những đứa con chào đời, bà ở nhà chăm con và nội trợ. Trong khi đó, ông rong ruổi với chiếc xe hon da cũ chạy xe ôm. Trong hoàn cảnh ấy, ông Lục vẫn đồng ý chấp nhận vô điều kiện để vợ đi tìm hài cốt chồng cũ. Ông giúp bà tìm lại những người đồng đội cũ, nhờ họ cho biết khu vực nào ông Cốt hi sinh. Có người nói ông Cốt được chôn cất tại dốc cầu Bà Hành (Lộc Hoà – Lộc Ninh – Bình Phước), ông bà mừng mừng tủi tủi chuẩn bị khăn gói lên đường. Thế nhưng con cái còn nhỏ, ông lại là trụ cột kinh tế nên bà quyết định đi một mình. Ông chấp nhận ở nhà chăm con, lo toan mọi việc và ngày ngày chạy xe ôm để bà yên tâm đi tìm hài cốt.
Bà Tuyến không thể nhớ nổi đã lên đất Bình Phước bao nhiêu lần, chỉ biết rằng nghe một mẩu tin mong manh bà cũng đi. Nhưng bao nhiêu năm rồi, rừng, đồn bốt đã thay đổi, việc tìm hài cốt chẳng khác nào như “kim mò đáy bể”. Ăn bờ ngủ bụi, dầm dề mưa nắng, có đôi lúc bà mệt mỏi, chán nản buồn bã quay về nhà. Thấy bà chưa thỏa tâm nguyện, ông Lục lại ân cần động viên. Và chính sự chân thành của ông là nguồn động lực giúp bà thêm niềm tin. Về nhà vài ngày, bà lại khăn gói lên đường.
Cho đến năm 2014, nhận được tin báo của người dân bản đại và được sự hỗ trợ của Trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ phía Nam, nhà ngoại cảm, bà tiếp tục lên Bình Phước. Lần này, ông đi cùng bà. Gần một ngày đào bới, mới tìm thấy phần mộ của liệt sĩ Cốt nằm nguyên vẹn trong thùng đựng đạn. Lúc này, bà Tuyến mới vỡ òa cảm xúc. Thấy vậy, ông Lục cho đóng khung rồi mang ra bàn thờ lớn trước nhà hương khói cho danh chính ngôn thuận. Năm nào, ông cũng đứng ra làm giỗ cho liệt sĩ Cốt. Nhìn di ảnh chồng cũ của vợ, ông Lục nghẹn ngào: “Vợ tôi đã mãn nguyện thì tôi cũng hạnh phúc. Tôi luôn coi ông ấy là người em trong gia đình. Dù sao thì chúng tôi cùng yêu và lấy một người phụ nữ. Chiến tranh mà, không ai muốn vợ chồng chia ly cả”.