Giới chức trách Đức ước tính, trong hai ngày cuối tuần này, khoảng 40.000 di dân sẽ ùn ùn đổ tới nước này. Berlin đã phải triển khai 4.000 binh sĩ, sẵn sàng ứng phó với làn sóng di dân khổng lồ, gấp đôi so với tuần trước.
Theo BBC, phần lớn di dân được cho là sẽ đến thành phố Munich, miền Nam nước Đức. Nhiều người quan ngại về khả năng Munich quá tải và khó lòng có thể đối phó với làn sóng di dân khổng lồ đang đổ vào thành phố.
Thị trưởng thành phố Munich, ông Dieter Reiter đã kêu gọi khẩn cấp các khu vực khác của Đức nỗ lực hơn nữa để xử lý và ứng phó với dòng người tị nạn vừa đặt chân đến Đức.
Chính quyền Berlin đã triển khai khoảng 4.000 binh sĩ để ứng phó với làn sóng di dân đang đổ về Đức trong hai ngày cuối tuần này.
Hàng nghìn người tị nạn vẫn đang đổ về thành phố Munich (Đức).
Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho hay, 4.000 binh sĩ đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng để đáp ứng các nhiệm vụ cứu trợ khẩn cấp dòng người tị nạn vào Đức.
Đức đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với người tị nạn Syria. Hàng chục nghìn di dân, chủ yếu đến từ Syria đang đổ xô đến Đức chủ yếu thông qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ tới khu vực Balkan và Hungary để tới Áo rồi sang Đức.
Chính phủ Berlin hồi tháng 8 tuyên bố, họ sẽ giải quyết đơn xin tị nạn của di dân Syria mà không phân biệt quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu họ đặt chân đến.
Đối với phần lớn di dân, Đức được xem là "miền đất hứa" ở châu Âu
Trên thực tế, từ trước đến nay, Đức luôn là quốc gia đi đầu trong việc tiếp nhận lượng người tị nạn. Chính phủ Đức dự kiến đến cuối năm nay sẽ tiếp nhận khoảng 800.000 đơn xin tị nạn, vượt xa con số ước tính hồi đầu năm là 450.000 đơn.
Theo các nhà phân tích, việc Đức "mở rộng vòng tay" chào đón làn sóng di dân xuất phát từ hai nguyên nhân đạo đức và kinh tế.
Về mặt đạo đức, thời phátxít, rất nhiều người Do Thái của Đức cũng đã phải bỏ quê hương, trở thành người tị nạn. Do đó, hiện nay rất nhiều người dân Đức tình nguyện giúp đỡ người tị nạn.
Nhìn từ góc độ kinh tế, Đức cũng rất cần người nhập cư. Với tiềm lực kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức luôn cần người lao động nhập cư, nguồn lực vốn đã vận hành nền kinh tế nước này kể từ những năm 1960.
Theo thống kế của cơ quan thống kê Đức, đến cuối năm 2060, dân số Đức sẽ từ 81 triệu người giảm xuống còn 68-73 triệu. Thực tế cho thấy Đức đang thiếu những lao động trẻ có tay nghề.
Theo kết quả thống kê, tính đến tháng 7.2015, Đức còn khuyết 589.000 vị trí lao động vẫn chưa được lấp đầy. Do đó, việc tiếp nhận lượng lớn dân nhập cư từ Trung Đông, tuy có thể chứa một số nguy cơ cho xã hội, nhưng trước mắt sẽ phần nào giải quyết được nạn khan hiếm lao động tại Đức.
Hơn nữa, hệ thống phúc lợi của Đức đang đứng trước khủng hoảng vì lượng người nghỉ hưu ngày càng tăng trong khi số người đang còn làm việc lại giảm đi. Hệ thống phúc lợi ở Đức lại dựa vào tiền thuế của những người đi làm. Hiện tại, tại Đức, cứ 3 người đi làm sẽ nuôi 1 người về hưu. Tuy nhiên, dự đoán, đến năm 2060, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 2:1. Do đó, một lượng lớn người nhập cư đến Đức sẽ giúp Berlin giải quyết vấn đề này.