Hãy cùng Eva.vn điểm lại những clip gây phẫn nộ nhất được đăng tải trên cộng đồng mạng trong tuần vừa qua.
Y tá rút bớt vắc xin trẻ em ở 70 Nguyễn Chí Thanh
Ngày 19/4, anh Dương Kiều Lam, bố của cháu Dương Kiều Phong (sinh 4/12/2012), ở Vĩnh Phúc đưa con đi tiêm vắc Pentaxim (vắc xin 5 trong 1 loại vô bào) mũi 3 với giá 635.000 đồng/mũi tại địa chỉ 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Anh Lam phát hiện thấy nhân viên y tế tiêm cho con mình là chị Bùi Thị Phương Hoa chỉ bơm và tiêm 0,2ml vắc xin, trong khi liều vắc xin là 0,5ml. Lọ vắc xin còn thừa được nhân viên này để lại trong hộp catton trên bàn.
Ngay sau khi vụ việc này được đưa lên mặt báo, dư luận đã rất bức xúc. Y tá Bùi Thị Phương Hoa, người trực tiếp tiêm thuốc cho cháu Dương Kiều Phong, con trai của anh Dương Thái Lam nhận mình đã có sai sót về chuyên môn. Lý do y tá này đưa ra là đang có chuyện bất ổn từ phía gia đình làm ảnh hưởng đến việc tiêm thuốc.
Clip tiêm thiếu vacxin ở Trung tâm y tế dự phòng:
Chiều ngày 9/5, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường và Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Nguyễn Nhật Cảm đã có buổi làm việc với báo chí về sự việc trên.
Về phía Trung tâm y tế dự phòng, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, hợp tác với báo chí khi cung cấp toàn bộ thông tin vụ việc một cách minh bạch. Ngoài việc nhận trách nhiệm, ngay khi sự việc xảy ra, ông Cảm đã tạm đình chỉ công tác đối với y tá Hoa, đồng thời cử bác sĩ theo dõi sức khỏe của cháu bé Dương Kiều Phong và hoàn trả toàn bộ chi phí tiêm cho anh Dương Thái Lam.
Ông Nguyễn Việt Cường – Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết đã giao cho Giám đốc trung tâm y tế dự phòng Hà Nội giải quyết và thực hiện đúng như cam kết với gia đình cháu Phong, đồng thời đề nghị kiểm tra, giám sát đối với phòng khám tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh, đảm bảo đúng theo quy định.
Vụ việc này đang khiến dư luận hết sức phẫn nộ và lo lắng.
Đánh nữ soát vé vì… "phí chồng phí"
Sự việc xảy ra vào khoảng 14h ngày 28/4, tại trạm thu phí cầu Bãi Cháy (TP. Hạ Long - Quảng Ninh). Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Thoa – nữ nhân viên của Trạm thu phí cầu Bãi Cháy, thuộc Công ty Cổ phần An Sinh.
Theo lời chị Hoa kể lại, vào khoảng thời gian trên có một chiếc xe ô tô mang BKS 19 L – 4036 khi đi qua cầu Bãi Cháy thì không chịu mua vé vì cho rằng "đã đóng phí bảo trì đường bộ mà vẫn phải mua vé cầu đường".
Tuy nhiên, Chị Thoa kiên quyết yêu cầu lái xe phải mua vé rồi mới mở barie cho xe đi nên giữa hai bên đã xảy ra mâu thuẫn.
Không ai chịu nhường ai, nhóm người trên lao ra khỏi xe, chửi bới, túm tóc, lôi chị Thoa ra để đánh. Không dừng ở đó, nhóm này còn lấy tuýp sắt đập vỡ cửa kính chốt soát vé và truy đuổi, đạp chị Thoa ngã ra đường, trong lúc chị đã cố gắng chạy thoát thân.
“Hô biến” thịt lợn thành thịt bò ở Trung Quốc
Chỉ cần 5 bước đơn giản thịt lợn đã được “hô biến” thành thịt bò. Đây là phương pháp đang ngày càng trở nên phổ biến trong ngành thực phẩm đầy tai tiếng của Trung Quốc.
Đoạn video được tờ báo Telegraph của Anh đăng tải ra sau khi cơ quan công an Trung Quốc công bố từ cuối tháng 1 tới nay, họ đã bắt giữ hơn 900 người trong đợt truy quét thịt giả và thịt bẩn ở nước này.
Nguyên liệu để "hô biến" gồm chất được gọi là chiết xuất từ thịt bò và chất làm bóng cùng thịt lợn. Đầu tiên thái thịt lợn thành lát; sau đó cho chất phụ gia vào bát; kế đến trộn đều các chất phụ gia rồi nhúng thịt lợn đã thái lát vào và để trong 90 phút. Cuối cùng là chiên thịt trong dầu nóng để có món thịt bò "thơm ngon".
Theo tờ Telegraph, hướng dẫn “hô biến” thịt lợn thành thịt bò tràn ngập trên mạng của Trung Quốc.
Video hóa phép thịt chuột thành thịt cừu ở Trung Quốc
Cảnh sát miền đông Trung Quốc vừa triệt phá cơ sở làm giả 20.000 tấn thịt cừu rởm, chứa lẫn lộn thịt chồn, cáo, chuột.
Một người đàn ông bị cáo buộc trong vụ việc cho biết y nhập thịt cáo từ một trang trại nuôi chúng để lấy lông.
Người nông dân bán thịt cho nghi phạm để y chế biến thành thịt cừu. Vị giống thịt cừu và chi phí thấp là một trong những lý do thúc đẩy y phạm tội. Các nghi phạm khác cho biết thịt chuột cũng được sử dụng để chế biến thành thịt cừu giả.
Reuters dẫn lời cảnh sát cho hay hơn 900 người bị bắt trong chiến dịch kéo dài ba tháng, và gần 400 vụ phạm tội liên quan đến thịt đang bị điều tra. Các sản phẩm thịt cừu giả đem lại lợi nhuận khoảng 1,6 triệu USD cho đầu mối bán hàng.
Trước các bê bối thịt cừu giả gần đây, cảnh sát tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã đăng tải bài hướng dẫn phân biệt thịt cừu thật, giả.
Bé trai 8 tuổi hút thuốc lá, bắn súng AK
Hình ảnh cậu bé Ahmed (8 tuổi) ôm khẩu súng AK, miệng phì phèo thuốc lá khiến không ít người dân trên toàn thế giới choáng váng.
Mới 8 tuổi, tuổi mà biết bao trẻ em khác được cắp sách tới trường thì Ahmed đã trở thành một người lính trong Quân đội Syria Tự do (FSA).
Theo hãng tin Telegraph, cha mẹ Ahmed đã chết trong một cuộc tấn công bằng súng ở khu vực Salaheddin. Ahmed chỉ còn lại người chú, cũng là một người lính, và cậu đã đi theo, bắt chước chú mình chiến đấu chống lại binh lính của chính phủ.
Ahmed vụng về nắm chặt khẩu súng AK-47 mà cậu còn chưa quen cách dùng. Chiến binh nhỏ tuổi than thở: “Súng nặng quá, tôi bắn rất khó khăn, tôi chỉ có thể bắn khi nằm trên sàn”.