MERS-CoV lan rộng ở Hàn Quốc, Việt Nam chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống MERS-CoV, chị ve chai ở quận Tân Bình được trao 5 triệu Yen Nhật... là những vụ việc được quan tâm trong tuần qua.
MERS lan rộng ở Hàn Quốc với 64 ca nhiễm và 5 trường hợp tử vong
Sáng nay 7/6, các quan chức y tế Hàn Quốc xác nhận nước này vừa có thêm 14 ca nhiễm MERS-CoV, nâng tổng số ca nhiễm virus chết người này lên con số 64.
Đáng lo ngại hơn khi đã có bệnh nhân thứ 5 tại quốc gia này tử vong vì nhiễm virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung Đông MERS. Đó là một cụ ông 75 tuổi, ở cùng phòng cấp cứu với một bệnh nhân nhiễm MERS khác.
Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang khi đi ra đường
Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, cả 14 ca nhiễm mới này đều có liên quan đến bệnh nhân MERS đầu tiên được phát hiện ở nước này hôm 20/5. 10 trong số này đều nằm cùng một cơ sở y tế ở thủ đô Seoul.
Cho đến nay, tất cả các trường hợp nhiễm MERS ở Hàn Quốc đều diễn ra tại các cơ sở y tế.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, MERS-CoV bao gồm các loại virus có khả năng gây cảm lạnh và viêm phổi tương tự virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng lây lan khắp châu Á năm 2003 khiến 8.273 người nhiễm bệnh và hơn 800 người trong số đó đã tử vong. Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc đặc trị, tỷ lệ tử vong lên đến 27%.
Kể từ khi MERS xuất hiện và bùng phát tại Hàn Quốc từ cuối tháng trước, chính phủ nước này đã phải đối mặt với rất nhiều lời chỉ trích công khai từ phía dư luận vì đã không tiết lộ thông tin về các bệnh viện có người nhiễm MERS cũng như sự chậm trễ trong việc triển khai công tác phòng ngừa sự lây lan nhanh của dịch bệnh.
Hiện, vẫn chưa có thông tin chính xác về việc virus này lây từ người qua người, song các quan chức y tế Hàn Quốc đang rất lo ngại nguy cơ virus MERS biến đổi giống như những gì xảy ra với đại dịch SARS năm 2002-2003.
Việt Nam chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống MERS-CoV
Trước tình hình bệnh viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) lây lan nhanh tại Hàn Quốc, để chủ động các biện pháp phòng, chống không để dịch xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đã tăng cường các hoạt động giám sát, truyền thông và sẵn sàng đáp ứng khi có ca bệnh xâm nhập.
PGS-TS Trần Đắc Phu khẳng định đây là dịch bệnh nguy hiểm, có khả năng lan truyền quốc tế. Nếu không nỗ lực kiểm soát, phòng chống thì tình hình sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến nhiều tính mạng sẽ bị cướp đi, kinh tế xã hội ảnh hưởng trầm trọng và nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác là rất lớn.
Bộ Y tế yêu cầu triển khai ngay việc áp dụng tờ khai y tế đối với các hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc. VGP
Về nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, Tiến sỹ Phu đánh giá: "Nói nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam cao thì chưa có bằng chứng, nói thấp thì cũng không đúng. Lý do vì công dân nước ta đi công tác, lao động, học tập về từ vùng có dịch nhiều; công dân từ các quốc gia khác đã xuất phát/đi qua vùng có dịch nhập cảnh Việt Nam. Tổng số người nhập cảnh từ đầu năm 2015 đến nay từ 9 quốc gia vùng có dịch là trên 23.000 người, gần 5.000 người/tháng qua 2 cửa khẩu Nội Bài và Tân Sơn Nhất".
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tình hình dịch bệnh do virus Mers-Cov tại Hàn Quốc, thời điểm này rất đáng lo ngại, vì khả năng lây lan sang Việt Nam hoàn toàn có thể do việc đi lại, giao thương giữa 2 nước rất lớn.
Chìm tàu thảm khốc ở Trung Quốc, đã có 406 người tử vong
Tính đến sáng 7/6, số người chết trên con tàu du lịch Ngôi sao Phương Đông bị lật trong cơn bão trên sông Dương Tử đã tăng lên 406 người. Trong khi đó, ít nhất 50 người vẫn còn mất tích. Hiện chỉ có 14 người sống sót.
Tổng giám đốc công ty điều hành tàu Ngôi sao Phương Đông, ông Jiang Zhao cúi đầu xin lỗi vì thảm họa chìm tàu này trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước.
Ông nói rằng sẽ “hoàn toàn” hợp tác trong cuộc điều tra. Ông Jiang nói: “Từ lúc sự việc xảy ra tôi đã thực sự rất đau buồn.”
Hiện cảnh sát đã bắt giữ thuyền trưởng và máy trưởng để thẩm vấn như một phần của cuộc điều tra. Thăm dò ban đầu cho thấy chiếc tàu không bị quá tải và có đủ áo phao trên tàu. Bắc Kinh cam kết sẽ “không che đậy” trong cuộc điều tra.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng Mã Khải trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn
Lực lượng cứu hộ hiện đang tìm kiếm người sống sót trong những cabin sau khi tàu được nâng lên và lật lại.
Trước đó, khoảng 21h28 tối qua 1/6, con tàu mang tên Ngôi sao Phương Đông đã lật úp trên sông Dương Tử khi đang trong hành trình từ thành phố Nam Kinh tới Trùng Khánh.
Lúc xảy ra sự cố, trên tàu có tổng cộng 458 người, bao gồm 406 hành khách, 5 nhân viên công ty du lịch và 47 thủy thủ đoàn. Tất cả đều là người Trung Quốc.
Chị ve chai ở quận Tân Bình được trao 5 triệu Yen Nhật
Sau khoảng thời gian hồi hộp chờ đợi, khoảng 16 giờ chiều 2/6, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho chị, ông Hà Hải đã có mặt tại ngân hàng Vietcombank, Lý Thường Kiệt để nhận 5 triệu yên sau thời hạn 1 năm vô thừa nhận.
Theo ông Hà, trao 5 triệu yên cho chị Ánh Hồng là hợp lý hợp tình. Ông Hà cho biết thêm: "Về mặt pháp lý, không cần thành lập Hội đồng giám định, CA quận Tân Bình vẫn có thể độc lâp giao 5 triệu yên cho chị Hồng. Bởi Pháp luật chưa quy đình phải thành lập hội đồng trong trường hợp như vậy".
Có mặt tại ngân hàng, vây quanh chị Hồng là đông đảo phóng viên các báo đài đã quan tâm vụ việc trong suốt thời gian qua.
Đông đảo phóng viên vây quanh chị Hồng tại ngân hàng
Chị Hồng thật thà chia sẻ: "Từ hồi sáng tui đã rất hồi hộp. Đến tận trưa chiều, không thấy ai kêu càng hồi hộp hơn nữa. Nhưng khoảng hơn 2 giờ trưa, tui nhận được điện thoại công an quận Tân Bình gọi lên nhận tiền. Bây giờ thì ổn rồi. Tui đã có thể thực hiện những dự định của mình".
"Tỉ phú ve chai" tâm sự, dẫu có số tiền lớn "trời cho" chị vẫn không bỏ nghề mua ve chai. Một phần tiền chị sẽ dùng để sửa nhà cho hai bên nội ngoại, một phần làm từ thiện và gửi ngân hàng để lo việc học cho hai con. Nhắc đến con, chị Hồng bật khóc: "Kể từ bây giờ, đã có thể đón hai con vào Sài Gòn sum họp, thực sự rất là vui và hạnh phúc".
Cáp quang AAG ngừng hoạt động 10 ngày để sửa chữa
sau sự cố ngày 26/5 do lỗi sập nguồn, đến nay việc truy cập interner trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG vẫn chưa ổn định.
Do đó, đơn vị điều hành tuyến cáp quang AAG đã lên kế hoạch tạm ngưng hoạt động của tuyến cáp AAG để sửa chữa, khắc phục sự cố.
Theo đó, việc sữa chữa hệ thống này sẽ bắt đầu từ ngày 7/6 đến 17/6 (trong vòng 10 ngày). Điều này đồng nghĩa với việc Người dùng internet tại Việt Nam lại sắp phải sử dụng mạng internet "rùa bò" trong 10 ngày. Các nhà cung cấp dịch vụ trong nước sẽ chuyển hướng truy cập, thuê thêm các tuyến cáp trên đất liền để bù đắp tạm thời lưu lượng bị mất.
Cáp quang tạm ngưng hoạt động 10 ngày để sửa chữa (Ảnh minh họa)
Tuyến cáp quang AAG có chiều dài hơn 20.000km, dung lượng thiết kế đạt 2 Tb/s, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ có điểm cập bờ ở Việt Nam là ở Vũng Tàu và được đưa sử dụng từ tháng 11.2009.
Tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế. Ngoài khả năng kết nối Đông Nam Á với Mỹ, tuyến cáp AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn Độ, châu Âu và châu Phi thông qua các điểm cập bờ của hệ thống.