Sáng nay 23/1, tại Trường THPT Tân Bình (Quận Tân Phú, TP. HCM) đã diễn ra buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh ĐH năm 2016.
Buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh ĐH có sự tham gia của khoảng 500 em học sinh đến từ hai trường THPT Tân Bình và THPT Nhân Việt.
Ban tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh ĐH sáng nay
Ban tư vấn tuyển sinh chương trình gồm có:
- Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP. HCM
- Thạc sĩ Phạm Thế Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Trường ĐH Tài Chính – Marketing.
- Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Đại diện Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP. HCM
- Thạc sĩ Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông lâm TP. HCM
- Thạc sĩ Trương Tiến Sỹ, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân Hàng TP. HCM
- Thạc sĩ Nguyễn Thanh Quang – Phó Trưởng Phòng Đào tạo chất lượng cao, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM
- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Hoa Sen
- Thạc sĩ Lê Bình Trung, Trưởng Phòng Tuyến sinh, Trường ĐH FPT
- Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch
Mở đầu buổi tư vấn, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP. HCM thông tin những điểm lưu ý của kỳ thi THPT Quốc gia 2016, xét tuyển ĐH đó là: Tại TP. HCM không tổ chức cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, mà chỉ các cụm thi do các 8 trường ĐH trên địa bàn thành phố chủ trì. Ngoài các thí sinh dự thi tại địa bàn thành phố thì còn có các thí sinh ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, Long An cũng dự thi tại các cụm do 8 trường ĐH chủ trì.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP. HCM thông tin những điểm lưu ý của kì thi THPT Quốc gia 2016, xét tuyển ĐH
Về thời gian, dự kiến lịch thi không có thay đổi so với năm 2015, vào khoảng tháng 7. Trước Tết Nguyên Đán Bính Thân, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra bản Dự thảo Quy chế.
Về môn thi, tối thiểu 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Anh Văn; 1 môn tự chọn là trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch Sử, Địa lý. Thí sinh chọn môn thi nào thì môn đó sẽ được tính điểm để xét tốt nghiệp THPT 2016.
Về việc xét tuyển ĐH sau kì thi THPT Quốc gia 2016 sẽ có hai hướng: Nhóm thứ nhất, các trường chỉ dùng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2016 để xét tuyển; Nhóm thứ hai là các trường vừa dùng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia vừa dùng kết quả học bạ cấp 3 để xét tuyển.
Học sinh được đăng ký 2 ngành ở 2 trường khác nhau bằng 1 giấy báo điểm.
Ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH FPT chia sẻ với các em học sinh: Các em có mặt tại buổi tư vấn sáng nay, đã là năm cuối cấp THPT. Các em đã có thể tự quyết định tương lai cho mình bằng những lựa chọn khác nhau. Điều quan trọng là phải có niềm đam mê, năng lực để vượt qua khó khăn, vươn lên khẳng định mình.
Ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH FPT chia sẻ với các em học sinh
Đứng trước sự lựa chọn trong kì thi THPT Quốc gia sắp tới, mỗi em cần xác định cho mình câu trả lời cho 3 câu hỏi sau:
Một là mình đam mê nghành nghề gì? Hai là mình có giỏi nghành nghề đó không nếu lựa chọn? chính là thế mạnh mà của mình. Khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội...Ba là nghành nghề mình chọn có thật sự được xã hội cần trong tương lai?
Cuối cùng, ông Minh chúc các em học sinh có nhiều sức khỏe, học tập tốt, chọn lựa cho mình nghành nghề bản thân thật sự đam mê, yêu thích.
Sau phần tư vấn chung, nhiều em học sinh có mặt tại buổi tư vấn đã đặt câu hỏi trực tiếp và qua giấy với Ban tư vấn để được giải thích băn khoăn, thắc mắc của mình.
Đã có khoảng 500 em học sinh tham dự tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh ĐH sáng nay
1. Em Phương Kim Ngọc đặt câu hỏi: Em dự định sẽ thi vào nghành mầm non trường ĐH Sư phạm TP. HCM, hình thức thi môn năng khiếu và đăng kí dự thi như thế nào?
- Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ - ĐH Sư Phạm TP. HCM trả lời: Dự thi vào nghành mầm non của trường gồm có 2 môn là Toán, Ngữ Văn và thi năng khiếu riêng. Sau khi có Quy chế của Bộ GD&ĐT công bố về kì thi năm 2016, trường ĐH Sư phạm TP. HCM sẽ có thông báo cụ thể hình thức thi môn năng khiếu.
Trong năm 2015, trường tổ chức như sau: Các em sẽ được chọn 1 bài hát để trình bày, đây là những bài hát được Bộ GD&ĐT quy định trong Quy chế. Sau đó, bốc thăm đề tài để đọc diễn cảm. Giám khảo sẽ hỏi những câu hỏi xoay quanh đề tài đọc diễn cảm.
Các em học sinh có thể đăng kí online trên trang website hoặc trực tiếp tại trường dự thi năng khiếu.
Ban tư vấn trả lời câu hỏi các em gửi tới bằng giấy
2. Một học sinh gửi qua giấy đến Ban tư vấn hỏi: Kĩ thuật ô tô ngoài trường ĐH Sư phạm kĩ thuật TP. HCM thì có trường nào khác đào tạo không?
- Ban tư vấn trả lời: Nghành kĩ thuật ô tô là ngành hết sức thú vị. Cách đây 20 năm, nghành này chỉ học về cơ khí, bây giờ có học chuyên về điều chỉnh tự động...Ở TP. HCM có hai trường đào tạo là ĐH Sư phạm kĩ thuật và Đại học Bách khoa.
3. Một học sinh gửi qua giấy đến Ban tư vấn hỏi: Chế độ học bổng tại trường ĐH Hoa Sen? Em chọn học nghành Quản trị công nghệ truyền thông, sau đó nếu muốn chuyển sang học nghành Kế toán, được không?
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, trường ĐH Hoa Sen trả lời
- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, trường ĐH Hoa Sen trả lời: Học bổng của trường được cấp vào năm học đầu tiên, kì đầu tiên. Trong năm 2016, ĐH dành học bổng số tiền đến 8,5 tỷ đồng.
Nếu em chọn học nghành Công nghệ truyền thông rồi sau đó lại muốn chuyển sang học nghành kế toán, em cần đánh giá lại năng lực của mình. Hai nghành này khác biệt nhau, cần tìm hiểu rõ niềm đam mê, sở trưởng, năng lực của mình chứ không phải "nhảy" chọn lựa bừa như vậy.
4. Em Phạm Hưng đặt câu hỏi: Em muốn tìm hiểu về nghành Logistics?
- Đại diện Ban tư vấn trả lời: Logistics chưa có mã nghành của Bộ GD&ĐT. Hiện Việt Nam chưa đào tạo nhưng các doanh nghiệp Logistics rất nhiều.
Logistics là lĩnh vực tối ưu hóa dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.
Ở khu vực phía Nam có hai trường đào tạo ngành này đó là ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM). Các trường ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Ngoại thương (cơ sở 2, TP.HCM) có đào tạo ngành học này lồng ghép trong các ngành kinh doanh quốc tế, ngoại thương.
Sinh viên sau khi ra trường có thể công tác tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải đa phương thức; các phòng ban nghiệp vụ marketing, dịch vụ khách hàng, kinh doanh quốc tế, kho vận, cung ứng vật tư...
5. Em Lê Ngọc Thanh Thùy, 12A7, đặt tiếp câu hỏi: Em thích làm nghề lồng tiếng, em đã lên Google tìm kiếm rất nhiều nhưng không tìm thấy trường nào đào tạo, cho em hỏi hiện nay có trường nào đào tạo, học như thế nào?
Em Thùy đặt câu hỏi nghề lồng tiếng
- Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa trả lời: Hiện nay chưa có trường nào đào tạo nghành nghề này. Có trường ĐH KHXH&NV TP. HCM đào tạo nghành báo chí, trong đó có các chuyên nghành như báo in, báo điện tử, báo nói... Các em tìm hiểu kĩ để chọn lựa phù hợp mình sẽ học những gì, ra trường làm được nghề gì.
6. Em Khánh Nhi, học sinh lớp 12A1, THPT Tân Bình đặt câu hỏi: Nghành ngôn ngữ Anh hiện có trường nào đào tạo? Cần tố chất gì? Cơ hội việc làm sau khi ra trường?
Em Khánh Nhi, học sinh lớp 12A1, THPT Tân Bình đặt câu nghành Ngôn ngữ Anh
- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, trường ĐH Hoa Sen trả lời: Tố chất đối với nghành ngôn ngữ Anh là em phải có khả năng ngôn ngữ tiếng Anh, mức học loại khá giỏi trở lên thì học tốt hơn sau khi vào ĐH. Đa số các trường tuyển sinh đều nhân hệ số 2 đối với môn tiếng Anh khi xét tuyển.
Nghành ngôn ngữ Anh có các chuyên nghành như: Biên phiên dịch; Kinh tế, kinh doanh thương mại và Dạy học.
- Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, trường ĐH Ngân hàng bổ sung thêm: Hiện nay có rất nhiều trường đào nghành ngôn ngữ Anh như ĐH Sư phạm kĩ thuật; ĐH KHXH&NV; ĐH Kinh tế; ĐH Ngân hàng TP. HCM. Riêng về ĐH Ngân hàng, thế mạnh của trường đạo tạo chuyên về ngôn ngữ Anh trong kinh tế.
7. Một em học sinh đặt câu hỏi: Trong 20 năm tới, nghành Công nghệ thông tin có phát triển? Em muốn theo học nghành này cần tiêu chí gì?
Thạc sĩ Lê Bình Trung, trường ĐH FPT trả lời
- Thạc sĩ Lê Bình Trung, trường ĐH FPT trả lời: Cách đây 20 năm, nền Công nghệ thông tin ở Việt Nam còn lạc hậu, chưa phát triển. Còn bây giờ, Việt Nam nằm trong TOP 3 nơi gia công phần mềm của thế giới.
Nghành Công nghệ thông tin cần tố chất là nhanh nhạy, tính toán, chỉ số IQ phải cao. Vào ngày 15/5/2016, ĐH FPT tổ chức kiểm tra tố chất bằng kì thi, các em có thể kiểm tra được năng lực.
8. Một học sinh đặt câu hỏi: Cơ hội việc làm đối với nghành Quản trị du lịch?
- Thạc sĩ Phạm Thế Vinh, trường ĐH Tài chính - Maketting trả lời: Đây là một nghành thật sự rộng mở cho học sinh, đang đứng trước cơ hội mới công việc không chỉ trong nước mà quốc tế.
Tại ĐH Tài chính - Maketting, Khoa du lịch nghành này tập trung đông sinh viên theo học nhất.
9. Một phụ huynh đặt câu hỏi: Hiện nay nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, xin được hỏi, nghành nào nên học để xác suất ra trường tìm được công việc cao hơn?
- Thạc sĩ Phạm Thế Vinh, trường ĐH Tài chính - Maketting trả lời: Đó là không nên học các nghành "quá hẹp" đầu ra, hãy học nghành mà đầu ra mở rộng hơn.
Cần phân tích, suy xét các khối nghành và thế mạnh, sở thích của các em là gì, từ đó tìm hiểu xu hướng phát triển trong những năm tới của xã hội để có lựa chọn đúng đắn nhất.
11h, buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh ĐH năm 2016 kết thúc.
Một số hình ảnh buổi tư vấn:
Buổi tư vấn không chỉ thu hút các em học sinh mà nhiều phụ huynh còn đến để lắng nghe, gửi câu hỏi giải đáp thắc mắc
Các thành viên Ban tư vấn giải đáp những câu hỏi cho học sinh, phụ huynh có mặt tại buổi tư vấn sáng nay 23/1
Ngày mai vào lúc 8h ngày 24/1, chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh ĐH 2016 sẽ tiếp tục diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp