Kể từ tháng 5/2023, hàng loạt chính sách mới về sổ đỏ, nộp phạt vi phạm hành chính và giáo dục sẽ có hiệu lực.
1. Thay đổi loạt quy định về sổ đỏ từ 20/5
Ngày 03/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Với việc đưa vào áp dụng từ ngày 20/5/2023, Nghị định 10/2023/NĐ-CP sẽ đem đến loạt thay đổi liên quan đến việc cấp sổ đỏ và nhiều quy định khác liên quan đến quyền sử dụng đất, bao gồm:
- Cho phép cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đáp ứng đủ điều kiện. Nhờ đó, Resort, Villa, Condotel,... tới đây sẽ được cấp sổ đỏ.
- Sửa đổi thẩm quyền cấp Sổ đỏ
Khi đăng ký biến động đất đai hoặc cấp đổi, cấp lại sổ đỏ tại địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì cho phép văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp Sổ đỏ. Trước đó thẩm quyền này thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Bổ sung điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân.
Theo đó, cá nhân, hộ gia đình phải thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và đáp ứng các điều kiện:
+ Nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất;
+ Không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
2. Quy định mới về vật dụng được mang đi thi tốt nghiệp THPT
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2023, có hiệu lực từ ngày 9/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh một số quy định để hạn chế gian lận thi cử.
Cụ thể, các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi tốt nghiệp gồm: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ, Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn Địa lý.
Như vậy, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu, điều Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép những năm trước. Thay đổi này phù hợp với đề xuất của nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo do lo ngại người coi thi không đủ chuyên môn kiểm tra từng thiết bị thí sinh mang vào.
Ngoài ra, năm nay thí sinh được đăng ký dự thi trực tuyến, ngoài việc đăng ký trực tiếp tại trường như hiện nay; bổ sung thí sinh thuộc diện ưu tiên 0,25 và 0,5 điểm so với quy chế cũ.
3. Thu hồi sim không chuẩn hóa thông tin
Ngày 11/4, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết có 1,67 triệu thuê bao bị khóa một chiều, nếu không cập nhật thông tin, những sim này sẽ bị khóa hai chiều. Đến 15/5, thuê bao chưa chuẩn hóa sẽ bị thu hồi số.
Đợt chuẩn hóa chỉ nhắm đến những thuê bao có thông tin không khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp sử dụng sim không chính chủ, sim đăng ký bằng giấy tờ cũ như chứng minh nhân dân nhưng khớp với cơ sở dữ liệu sẽ không thuộc diện phải cập nhật. Tuy nhiên, Cục Viễn thông khuyến khích người dùng chủ động kiểm tra thông tin, đăng ký sim chính chủ, chuyển sang số căn cước công dân để hưởng đầy đủ quyền lợi.
Việc chuẩn hóa thuê bao di động giúp kịp thời ngăn chặn, xử lý việc dùng sim điện thoại lừa đảo, quảng cáo sai sự thật. Ngoài ra, thông tin thuê bao chính xác giúp người dùng được hỗ trợ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi thông tin bị lợi dụng cho mục đích xấu.
4. 3 trường hợp không bị tính chậm nộp phạt vi phạm hành chính
Hiện nay, nếu quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và phải nộp thêm tiền chậm nộp bằng 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Tuy nhiên, Thông tư 18/2023/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 05/5/2023) đã miễn việc tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính cho 03 trường hợp chậm nộp sau:
- Trong thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại.
- Trong thời gian cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.
5. Ban hành quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non
Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non được Bộ GD&ĐT ban hành kèm thông tư số 07/2023/TT-BGDĐT ngày 10-4-2023. Áp dụng với các khóa tuyển sinh sau ngày thông tư có hiệu lực thi hành và thay thế thông tư số 24/2019/TT-BGDĐT ngày 26-12-2019 của bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Quy chế này quy định về đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non bao gồm: chương trình đào tạo và thời gian học tập, phương thức tổ chức đào tạo, hình thức đào tạo, liên kết đào tạo, lập kế hoạch và tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp...
Quy chế cho phép sinh viên muốn trở thành giáo viên mầm non được chuyển cơ sở đào tạo khi có đủ điều kiện quy định.
Quy chế cũng quy định, sinh viên được xem xét chuyển từ đào tạo theo hình thức chính quy sang hình thức vừa làm, vừa học của cơ sở đào tạo nếu còn đủ thời gian học tập theo quy định đối với hình thức chuyển đến.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 25/5/2023.
6. Áp dụng mã QR trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính
Từ ngày 25/5, Thông tư 01/2023/TT-VPCP hướng dẫn việc áp dụng mã QR trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm thực hiện số hóa hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Việc áp dụng mã QR đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7322:2009 (ISO/IEC 18004:2006).
Mã QR được in ở góc trên bên trái của các giấy tờ được xuất bản từ dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phải cung cấp các dữ liệu tối thiểu sau:
Mã số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; Mã thủ tục hành chính; Mã định danh của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính; Tên giấy tờ được xuất bản; Tên hệ thống thông tin cung cấp dữ liệu; Thời điểm xuất bản; Mã QR trên Giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả phải cung cấp thêm ngày hẹn trả kết quả; Mã QR trên Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải cung cấp thêm dữ liệu về thời hạn, phạm vi có hiệu lực (nếu có).
7. Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I có bằng cử nhân trở lên
Theo điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng I: Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.
Còn tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định trên sửa đổi là: Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Theo điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng I: Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học sơ sở hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.
Còn tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định trên sửa đổi là: Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Như vậy, quy định mới đã không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ.