7 lý do khiến người châu Âu ‘ghét’ EU

Ngày 27/06/2016 18:37 PM (GMT+7)

Trong bối cảnh cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit, báo Mỹ The Washington Post ngày 26-6 đã điểm danh bảy lý do khiến một số người châu Âu có thái độ tiêu cực với EU.

Phải "trả tiền nuôi các quan chức châu Âu"

Ngay cả khi các quốc gia nằm ngoài EU đã phải áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” trong đó có cắt giảm tiền lương của nhân viên chính phủ, thì hầu hết người lao động trong EU đều nhận được mức lương quá cao trong khi chỉ phải đóng thuế ở mức tối thiểu.

Tờ Telegraph (Anh) năm 2014 cho hay nhiều người lao động trung lưu thuộc đại diện EU mua được ngôi nhà có giá trị còn lớn hơn nhà của Thủ tướng Anh David Cameron.

Những chuyến đi tốn kém

Nghị viện châu Âu tập trung họp hàng tháng tại Strasbourg, mặc dù thực tế phần lớn các hoạt động của EU được tiến hành từ Brussels. Vì vậy, mỗi tháng họp một lần với tổng cộng 10.000 người tham gia, bao gồm nhà lập pháp, nhân viên hỗ trợ, nhà vận động hành lang, nhà báo,… di chuyển tới Strasbourg trong vòng năm giờ, ước tính chi phí lên tới 200 triệu USD một năm.

Các chỉ tiêu của EU thường đi quá xa 

Ví dụ, quyết định của Ủy ban Châu Âu quy định tỉ lệ độ cong của chuối chủ yếu dành cho các nhà sản xuất và bán buôn của họ.

Thiếu minh bạch

Các quyết định quan trọng của EU được thực hiện sau những cánh cửa khép kín, cho dù bên trong là các cuộc họp của Ủy ban Châu Âu hay cuộc họp của các bộ trưởng, lãnh đạo EU đi chăng nữa. Không giống như các nhà lập pháp trong các cơ quan lập pháp quốc gia, nơi các cuộc họp được thực hiện công khai thì các nhà lãnh đạo EU họp kín, sau đó mới thông báo quyết định cuộc họp.

7 lý do khiến người châu Âu ‘ghét’ EU - 1

Nhiều người châu Âu có thái độ tiêu cực với Liên minh châu Âu (EU). 

EU phớt lờ cử tri

EU không để ý đến việc các cử tri bác bỏ sáng kiến cụ thể nào đó và kết quả là vẫn tìm ra cách để thông qua. Chẳng hạn, khi cử tri ở Pháp và Hà Lan “quay lưng” với hiến pháp EU năm 2005, giới lãnh đạo EU phải hai năm sau đó, tức năm 2007, mới ký thông qua hiệp ước và gọi là Hiệp ước Lisbon. Tuy nhiên, thay vì tổ chức trưng cầu dân ý như lần trước, các nước thành viên EU đã chọn giải pháp an toàn là thông qua bản hiệp ước này tại quốc hội.

Lượng tiền rất lớn cho phiên dịch 

EU có xu hướng dịch gần như mọi thứ sang tất cả 24 ngôn ngữ chính thức của tổ chức. Mọi tài liệu công của EU đều được dịch sang mọi ngôn ngữ. Tất cả cuộc gặp cấp cao cũng được phiên dịch.

Theo số liệu của Ủy ban Châu Âu, họ hiện có 1.750 nhà ngôn ngữ học, 600 phiên dịch viên toàn thời gian và 3.000 phiên dịch viên tự do.

Tình trạng quan liêu quá mức.

Mỗi nước thành viên của EU phải bổ nhiệm một ủy viên có nhiệm vụ chính là giám sát một lĩnh vực hoạt động nhất định nào đó. Và khi EU mở rộng, Brussels cần phải lập ra cơ quan mới để phù hợp với số lượng ủy viên.

Theo đó, EU cần có một ủy viên cho phát triển và hợp tác quốc tế, một ủy viên cho thương mại, một ủy viên cho việc làm, phát triển, đầu tư và cạnh tranh, một ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế và tài chính, một ủy viên cho thị trường nội địa, công nghiệp, doanh nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Liên quan tới vấn đề Brexit, truyền thông Italy đưa tin Giáo hoàng Francis tối 26-6 đã phát biểu rằng có lẽ EU nên nghĩ tới một hình thức tổ chức mới và nới lỏng hơn. 

Giáo hoàng cho rằng bước đi mà EU phải thực hiện để củng cố sức mạnh là bước đi sáng tạo và thậm chí là gây "mất đoàn kết" đáng kể, đó là để các quốc gia EU độc lập và tự do hơn và cũng để họ suy nghĩ về một hình thức liên kết khác.

Cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời khỏi EU diễn ra hôm 23-6 với kết quả 52% người Anh ủng hộ phương án chia tay với khối liên minh 28 nước này (hay còn gọi là phương án Brexit), trong khi 48% số người ủng hộ ở lại.

Theo NGỌC NHƯ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h