Từ tháng 2/2023, nhiều chính sách mới bắt có hiệu lực thi hành như quy định mới về thời gian nghỉ việc hưởng BHXH, điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức đóng lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú...
1. Quy định mới về thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội
Thông tư 18/2022 của Bộ Y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2, quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động đã được sửa đổi.
Cụ thể, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải được thực hiện trên nguyên tắc một lần khám chỉ được cấp một giấy. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày, khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người bệnh phải tái khám để người hành nghề y xem xét quyết định.
Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai chuyên khoa trở lên của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.
Trường hợp người lao động khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với nhiều bệnh khác nhau thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và được giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với bệnh có chế độ cao nhất.
Thông tư cũng thêm quy định người lao động có thể sử dụng phiếu khám bệnh, phiếu kết quả cận lâm sàng, đơn thuốc để chứng minh việc gặp vấn đề về sức khỏe, cần được giám định để làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất, nhận BHXH một lần.
2. Mức điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH năm 2023
Thông tư 01/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH (hay còn gọi là hệ số trượt giá BHXH).
Thông tư này quy định việc điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi, hưởng BHXH một lần hoặc chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong năm 2023; người lao động đóng BHXH thuộc khu vực tư nhân, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong năm 2023.
Cụ thể, tiền lương tháng đã đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm sẽ bằng tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng. Trong đó, mức điều chỉnh cho những năm đóng BHXH trước năm 1995 là 5,26; năm 1995 là 4,46; các năm tiếp theo từ 4,42 (năm 1996) xuống còn 1,00 (năm 2022).
Theo mức điều chỉnh nêu trên, một người đóng BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu vào năm 2023, mức hưởng lương hưu hằng tháng của người này sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Khi đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH sẽ chính là tổng số tiền lương tháng đã đóng BHXH sau khi điều chỉnh chia cho tổng số tháng đã đóng BHXH.
Tương tự những người đóng BHXH bắt buộc, với những người đóng BHXH tự nguyện thì thu nhập đã tính đóng BHXH cũng sẽ được điều chỉnh để bù trượt giá.
Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2/2023. Tuy nhiên, các quy định nêu trên được áp dụng từ ngày 1/1/2023.
3. Mức đóng lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú mới từ ngày 5-2
Thông tư 75/2022 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 5-2 quy định công dân Việt Nam khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú thì phải nộp lệ phí, thống nhất trên cả nước thay vì theo mức quy định riêng của các tỉnh như hiện nay.
Cụ thể, kể từ ngày 5-2, mức đóng lệ phí đăng ký thường trú là 20.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ trực tiếp, 10.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Công dân đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú (cá nhân, hộ gia đình) thì lệ phí là 15.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 7.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Trường hợp tách hộ, đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách, mức đóng lệ phí lần lượt là 10.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 5.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, theo Thông tư 75, nhiều trường hợp công dân sẽ được miễn lệ phí đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, tách hộ bao như: Trẻ em là người dưới 16 tuổi; người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên; người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn…
4. Không cần chờ đến 2 năm khi giám định lại sức khỏe do tai nạn lao động
Cũng trong tháng 2/2023, Thông tư 18/2022/TT-BYT có hiệu lực quy định việc người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã thực hiện giám định sức khỏe để hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoàn toàn có thể chủ động đi khám giám định lại mức suy giảm khả năng lao động nếu có nhu cầu.
Cũng theo quy định mới, người lao động còn được Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề trả phí khám giám định lại nếu kết quả khám giám định xác định người lao động đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nếu kết quả giám định lại không đủ để được điều chỉnh tăng mức trợ cấp, người lao động chủ động đề nghị khám giám định lại sẽ phải tự chịu chi phí khám giám định.
5. Hỗ trợ người trồng lúa không thấp hơn 50% kinh phí
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc như hỗ trợ cho người trồng lúa: Sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc gồm phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp… Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2023.
6. Xuyên tạc lịch sử trên phim sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng
Nghị định 128/2022 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo là chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/2.
Nghị định 128/2022 đã sửa đổi một số quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động điện ảnh tại Nghị định 38/2021.
Cụ thể, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với cá nhân (80-100 triệu đồng đối với tổ chức) có các hành vi như: Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc, danh nhân; thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng…
Đồng thời, đình chỉ các hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh từ 1-3 tháng. Buộc cải chính thông tin sai sự thật, xin lỗi cá nhân bằng văn bản…
7. Hướng dẫn mới về mức ngoại tệ cá nhân được phép chuyển ra nước ngoài
Có hiệu lực cùng ngày với Thông tư 18 của Bộ Y tế (ngày 15/2/2023), Thông tư 20/2022/TT-NHNN đã có những hướng dẫn cụ thể về hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài.
Theo đó, cá nhân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều như học tập, chữa bệnh, công tác, trợ cấp cho thân nhân… nhưng bị giới hạn ở mức sau:
- Ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho mục đích học tập, chữa bệnh: Căn cứ vào các chi phí tại thông báo của phía nước ngoài.
- Ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho mục đích đi công tác, du lịch, thăm viếng: Căn cứ nhu cầu hợp lý của cá nhân và đảm bảo số tiền trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người tại nước ngoài.
- Ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài: Căn cứ vào thông báo của phía nước ngoài.
- Ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích trợ cấp thân nhân đang ở nước ngoài:
+ Các ngân hàng được phép quyết định trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân và phù hợp với mục đích hỗ trợ.
+ Mức ngoại tệ mua, chuyển trong một năm không vượt quá thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước nơi người được trợ cấp đang sinh sống.
- Ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền thừa kế: Căn cứ vào giá trị tài sản mà người hưởng thừa kế được hưởng.
- Ngoại tệ mua, chuyển ra nước ngoài cho mục đích định cư ở nước ngoài: Căn cứ vào giá trị tài sản hình thành trước khi nhập quốc tịch nước ngoài hoặc trước khi được phép cư trú ở nước ngoài cho mục đích định cư.
8. Ba nhóm công việc thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan nhà nước
Thay thế cho Nghị định 68 năm 2000 kể từ ngày 22/02/2023, Nghị định 111/2022/NĐ-CP đã có những sửa đổi liên quan đến các công việc thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Theo đó, các công việc này được chia thành 3 nhóm, bao gồm:
Nhóm 1: Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan, gồm:
- Lái xe, bảo vệ, trừ trường hợp thuộc nhóm (2).
- Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức.
Nhóm 2: Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức, gồm:
- Bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Kho tiền hoặc Kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan.
- Lái xe phục vụ Bộ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên; lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước.
- Người làm công việc hỗ trợ, phục vụ khác tại cơ quan trọng yếu, cơ mật ở Trung ương theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Nhóm 3: Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ. Tương ứng với các công việc trên, lao động hợp đồng trong cơ quan nhà nước cũng chỉ được ký một trong 2 loại hợp đồng là hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ.
Trước đây, còn có thể ký hợp đồng thuê khoán tài sản; hợp đồng kinh tế và các loại hợp đồng khác.