Điều đáng lo ngại đây đều là những vụ tai nạn gây tử vong tập thể. Vấn đề đặt ra là an toàn lao động và các biện pháp phòng tránh trước những nguy cơ chết người này.
Gần đây, tai nạn chết người khi đào rửa giếng hoặc bị nhiễm khí độc từ những bếp than tổ ong, ngạt khí ở hầm lò... vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương. Sự thật những cái chết ấy không có gì bí hiểm. Thủ phạm giết người chính là các khí cacbon không màu, không mùi, không duy trì hô hấp, có nhiều ở những nơi có sự phân hủy các chất hữu cơ. Các nạn nhân chết vì thiếu oxy và hít phải các khí độc (CO, CO2, CH4, H2S...)
6 người ngạt khí dưới bồn dầu cá
9h ngày 4/9/2013, anh Lâm Thanh Phong (35 tuổi) công nhân Công ty cổ phần đầu tư du lịch và phát triển thủy sản IDI (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) mở nắp bồn (loại 100 tấn) cao 6 m lấy mẫu dầu cá kiểm tra. Anh Phong dùng dụng cụ đứng trên bồn lấy mẫu nhưng không được nên trực tiếp chui xuống thì bị ngất, rơi xuống đáy bồn.
Rất nhiều người đã xuống cứu ạnh Phong nhưng tất cả bị ngã, rơi xuống đáy.Hàng chục người của công ty đập bể kính bên hông bồn và mở nắp đáy xả dầu nhưng khi đưa ra ngoài, 6 người đã tử vong.
Lò vôi nơi xảy ra tai nạn ngạt khí khiến 8 người tử vong - ảnh: Vnexpress
4 người thương vong dưới giếng sâu do ngạt khí độc
17h30 ngày 3/8/2014, ông Phạm Văn Hà (69 tuổi, trú xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Tiên, Hà Tĩnh) sau khi hút hết nước ở giếng trước sân nhà, đã dùng thang leo xuống nạo vét và vệ sinh. Tuy nhiên, khi vừa xuống đến đáy giếng, ông Hà bị ngộp thở, ngất tại chỗ.
Phát hiện sự việc, 3 người nhà ông Hà trèo xuống giếng để cứu người. Nhưng khi vừa xuống đến đáy cả 3 cùng bị ngộp khí và ngất xỉu. Khi được đưa lên mặt đất 2 người đã tử vong, 2 người khác được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Ngạt khí lò vôi 8 người tử vong
Sang đầu năm mới 2016 một vụ tai nạn thương tâm do ngạt khí lò vôi xảy ra ở Nông Cống, Thanh Hóa khiến 8 người làm tử vong.Theo đó, khoảng 17h ngày 1/1, trong lúc vài công nhân đang xếp đá vào lò thì một nhóm khác nhóm lửa ở phía dưới khiến một người trong lò cao bị ngạt, ngất xỉu. Thấy vậy, 8 người khác vào cứu hộ cũng bị ngạt theo. Cả 9 nạn nhân được đưa đi cấp cứu kịp thời song 8 người đã tử vong.
Buông lỏng quản lý và hưỡng dẫn về cách cứu nạn?
Những tai nạn do ngạt khí độc khi đang làm việc càng ngày càng tăng. Điều đáng lo ngại đây đều là những vụ tai nạn gây tử vong tập thể. Vấn đề đặt ra là an toàn lao động và các biện pháp phòng tránh trước những nguy cơ chết người này.
Những người tử vong do ngạt khí độc đều là những người lao động làm công việc có tính chất nguy hiểm, tiếp xúc với các chất độc hại. Nhưng hầu như họ không được trang bị các thiết bị an toàn lao động như khẩu trang, áo bảo hộ.. cũng như không được tập huấn các kiến thức khi gặp phải sự cố liên quan đến nghề nghiệp của mình. Việc am hiểu về công việc mình đang làm, các cách ứng phó, cứu chữa trong trường hợp bị ngạt khí độc là hết sức quan trọng. Nó có thể quyết định mạng sống con người trong tích tắc.
Sự hiểu biết, trang bị thiết bị an toàn lao động chỉ là một phần. Đối với những tai nạn tập thể như tai nạn ngạt khí lò vôi còn là trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Hiện nay, ở các địa phương vẫn còn nhiều lò vôi, hầm mỏ tự phát, hoạt động thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương. Chỉ khi có thương vong xảy ra thì cơ quan chức năng mới vào cuộc và đình chỉ hoạt động của những địa điểm này. Việc làm này giống như “mất bò mới lo làm chuồng”. Nếu như không có tai nạn thương tâm này thì sự hoạt động của các lò vôi, hầm mỏ tự phát này vẫn còn buông lỏng, tính mạng của những người lao động vẫn không được quan tâm.
Những nạn đáng tiếc và thương tâm này là điều không ai muốn xảy ra. Đối với những môi trường làm việc nguy hiểm, tiếp xúc với nhiều khí độc hại thì công tác đảm bảo an toàn lao động phải được đặt lên hàng đầu.