Mỗi tối, chị Phương sẽ nhận thực phẩm: thịt, rau, tép, bí ngô... từ mạnh thường quân tại điểm chốt của chung cư. Sau đó chị xuống nhận đồ rồi phân chia cho bạn cùng toà nhà, người tất bật nhặt rau, người rửa củ quả...
“15 ngày nay, chúng tôi toàn ăn mỳ tôm trộn cơm nguội", "Chưa bao giờ tôi được ăn một bữa ngon như thế!”, “Con em bảo mai lại xin bác bánh cuốn. Nó lần đầu tiên ăn món này”... là lời chia sẻ đến từ những người lao động nghèo đang kẹt lại ở Thủ đô; từ những phụ huynh của bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học truyền máu Trung ương khi nhận suất ăn miễn phí của nhóm chị Nguyễn Hoàng Phương (SN 1982, Hà Nội). Và đó cũng là động lực để nhóm chị cố gắng hơn dù hơi quá tải vì vừa phải giải quyết công việc cơ quan, vừa thu xếp việc gia đình và vẫn đảm bảo các phần ăn trong điều kiện sức người vô cùng hạn chế.
Nói là nhóm nhưng thực chất “bếp ăn từ trái tim” của nhóm chị Phương chỉ có vài người cùng sinh năm 1982 tham gia. Bếp đến nay hoạt động được 6 ngày với hàng trăm suất ăn tặng hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh COVID-19. Hôm đầu tiên, nhóm nấu được 70 suất rồi cứ tăng dần lên 100. Có lẽ với nhiều nhóm thiện nguyện, con số ấy chẳng đáng là bao nhưng trong 3 tiếng đồng hồ nhóm chị làm được như vậy là "vượt qua giới hạn của bản thân".
Bếp ăn được đặt tại căn hộ chung cư của chị Phương. Hằng ngày, một hoặc hai người bạn sống cùng tòa nhà với chị sẽ xuống nấu cùng. Bởi chỗ chị là “vùng xanh”, bảo vệ rất nghiêm ngặt nên người lạ không thể vào dù rất nhiều người muốn chung tay giúp đỡ. Thậm chí có bữa, chị phải tự mình chuẩn bị nguyên liệu rồi nấu nướng... Sau đó, hàng xóm sẽ xuống phụ chị chia đồ để chuẩn bị đi tặng mọi người.
Chị Hoàng Phương thái chả để chuẩn bị chia vào hộp.
“Trên con đường 10 năm làm thiện nguyện, tôi may mắn được mọi người giúp đỡ nhiệt tình. Lần này cũng vậy, một nhà hàng dưới tòa nhà đã cho tôi mượn chỗ tập kết chia đồ, chứ ít người mà phải bê lên bê xuống cũng khá là vất vả”, người phụ nữ 39 tuổi nói.
Nhắc đến chuyện “tiền đâu mua thực phẩm”, chị Phương bật cười cho hay: “Là người đứng ra kêu gọi và kết nối nhiều hoàn cảnh khó khăn và làm rất nhiều chương trình từ thiện nên khi bắt tay vào làm việc này tôi cũng đã xin sự trợ giúp của mọi người và được ủng hộ rất nhiệt tình. Có những người bạn mới thấy tôi nhắn tin trước "alo" là đã biết tôi "xin tiền" rồi. Họ không cần tôi nói cụ thể thì đã bảo "tí tôi chuyển khoản nhé".
Khi biết tôi làm bếp ăn cho người nghèo, người thì giúp tiền, người cho rau, cho gạo... Tôi cứ cóp nhặt và “xin xỏ” được từng nào hay từng ấy và xác định hết tiền xin được sẽ bỏ tiền túi ra để làm đến lúc hết dịch".
Mỗi suất ăn chứa đựng bao tình cảm của các chị dành cho người lao động nghèo, bệnh nhi trong bệnh viện.
Một người bạn của chị Phương nhận nhiệm vụ đóng hộp đồ ăn.
Về khó khăn khi “vận hành” bếp ăn giữa mùa dịch, chị Phương cho hay, có nhiều khó khăn, song chị vẫn xoay xở được. Nhưng vấn đề nan giải nhất chính là sức khỏe của bản thân và 1 vài người bạn đang phụ bếp hàng ngày. Chị bảo giờ chỉ hi vọng đủ sức khỏe để duy trì được bếp hết thời gian giãn cách. Bởi chị vốn bị huyết áp thấp và tiền đình nên làm một tí là phải ngồi nghỉ, bỏ khẩu trang ra mà vẫn không thở nổi.
“Mẹ vẫn hay mắng tôi là đứa “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhiều khi làm thiện nguyện cũng ngốn mất của tôi khá nhiều thời gian cho gia đình. Nhưng tôi cũng may mắn vì ngoài bạn bè ra, mọi người trong gia đình cũng ủng hộ. Tôi nấu cơm được mấy hôm cũng oải, định dừng lại. Tuy nhiên, tôi không muốn làm tụi trẻ con trong viện buồn. Tôi đã hứa sẽ giúp chúng có bữa ăn ngon trong ngày giãn cách, giờ thất hứa chẳng phải khiến chúng mất hết niềm tin?
Thịt xay chuẩn bị cho món thịt cuộn lá lốt.
Sau đó chị Phương bắt đầu chiên.
Mỗi tối, chị Phương sẽ nhận thực phẩm: thịt, rau, tép, bí ngô... từ mạnh thường quân tại điểm chốt của chung cư. Sau đó chị xuống nhận đồ rồi phân chia cho bạn cùng toà nhà, người tất bật nhặt rau, người rửa củ quả; còn với trứng thịt đem kho hoặc rang luôn để sáng mai chỉ việc luộc - nấu canh, kịp giờ đưa cho shipper giao đến chỗ hẹn.
“Bữa nào mệt, tôi sẽ nhắn trước với phụ huynh trong viện rằng trưa không giao kịp hẹn xuống buổi chiều hoặc chuyển qua làm món tốn ít thời gian như bánh cuốn chả, giò.
Bánh cuốn - món ăn được rất nhiều trẻ tại Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương yêu thích.
Lạc rang - một trong những món ăn được nhóm "Bếp ăn từ trái tim" cung cấp.
Sau khi chia thức ăn thành các suất, tôi sẽ nhờ bạn xách ra điểm chốt đợi shipper đến. Họ là những giáo viên, người kinh doanh thất nghiệp vài tháng nay... muốn làm chút gì đó giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn ở thành phố này. Tôi quen họ cũng rất tình cờ: có người qua Facebook, có người được bạn bè giới thiệu”, chị Phương hào hứng kể.
Mặc dù không gặp trực tiếp những người mình giúp đỡ, nhưng chị Phương vẫn nhận được lời cảm ơn từ sâu thẳm trái tim họ. Họ chủ động liên lạc với chị thông qua điện thoại hoặc Facebook rồi tâm sự cảm xúc của mình khi được ăn, chứng kiến con họ ăn ngon lành suất cơm ấy! Vì thế chị cứ cố gắng duy trì bếp đến khi Hà Nội hết lệnh giãn cách xã hội.
Ai cũng hào hứng khi nhận suất ăn miễn phí từ nhóm của chị Phương.
Ngoài “bếp ăn từ trái tim”, chị Phương còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện tại Sài Gòn. Chị không thể bay vào đứng nấu cơm, phân phát đồ ăn... cho người dân vùng phong tỏa nhưng lại có thể xin rau củ quả ngoài Bắc rồi nhờ xe vận chuyển vào đó.
Chia sẻ chuyện làm từ thiện trong thời đại nay, chị Phương tâm sự: “Giờ người làm từ thiện bị gắn nhiều mác xấu. Nhưng có người làm việc tốt bằng cái tâm, trao đúng người, sử dụng các chi phí đúng mục đích và minh bạch chắc chắn sẽ được mọi người ủng hộ".