Vừa khỏi COVID-19, người phụ nữ Sài Gòn liền có quyết định khiến tất cả thán phục

Huy Nguyễn - Ngày 11/08/2021 06:00 AM (GMT+7)

Sau khi được điều trị khỏi bệnh, chị Mai đã tham gia vào đội ngũ tình nguyện viên đưa các trường hợp F0 đi điều trị.

Trước khi tham gia đội ngũ tình nguyện viên, chị Nguyễn Thị Mộng Thắm (tên thường gọi là Mai, 48 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) từng buôn bán ở gần chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân).

“Khoảng 2 tháng trước, chung cư Ehome 3 và khu vực lân cận bùng phát dịch bệnh. Bản thân tôi cũng bị nhiễm và được đưa đi điều trị ở Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Hơn 30 ngày ở tại bệnh viện được các y bác sĩ tận tình chữa trị, tôi khỏi bệnh và được ra viện", chị Mai cho biết.

Trong thời gian ở bệnh viện, chị Mai trực tiếp chứng kiến những gian khổ của đội ngũ y tế ở tuyến đầu. Lúc dịch bùng phát mạnh, các y, bác sĩ phải làm việc với cường độ cao trong điều kiện khắc nghiệt.

Chị Mai trong một lần đưa người mắc COVID-19 đến bệnh viện dã chiến. Ảnh: NVCC

Chị Mai trong một lần đưa người mắc COVID-19 đến bệnh viện dã chiến. Ảnh: NVCC

Những điều tai nghe, mắt thấy, trực tiếp trải nghiệm khiến chị mong muốn sau khỏi bệnh sẽ được góp chút sức của mình để giúp đỡ những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm bệnh (F0). Chính vì vậy, sau khi được ra viện và hoàn thành cách ly tại nhà, chị đã lập tức nhận lời tham gia hoạt động tình nguyện.

Anh Trần Phước Hòa, ngụ quận 11, TP. HCM – Trưởng nhóm tình nguyện cho biết, nhóm gồm đội xe miễn phí vận chuyển bệnh nhân COVID-19 đi cách ly hoặc chuyển viện, chuyển người sau khi điều trị COVID-19 về nhà… Do có quen biết chị Mai từ trước, nên sau khi biết tin chị Mai đã khỏi bệnh và hoàn thành cách ly tại nhà, anh mời chị Mai làm tình nguyện viên và được chị đồng ý ngay.

“Thời gian qua, nhiều trường hợp F0 phải chuyển viện mà nhân lực của nhóm thì thiếu. Tôi thấy chị Mai là người phù hợp với công việc này. Bởi lẽ, theo tôi biết, F0 sau khi khỏi bệnh sẽ có kháng thể với virus trong một thời gian nhất định. Ngoài ra, vì từng là F0, nên chị Mai có thể nghe điện thoại, hướng dẫn bệnh nhân khác nên làm gì, chuẩn bị gì trước khi nhập viện. Chị ấy còn biết lái xe, nên có thể phụ giúp phần chở bệnh nhân”, anh Hòa chia sẻ.

Khi tham gia vào đội hình tình nguyện viên, cũng như những thành viên khác, chị Mai phải tiếp xúc trực tiếp với các ca nhiễm bệnh, phải mặc quần áo bảo hộ giống như y bác sĩ. Hàng ngày nhốt mình trong bộ độ kín mít, cảm nhận cái bí và nóng, khiến chị thấu hiểu rõ hơn sự khó khăn, vất vả của đội ngũ nhân viên y tế.

“Việc chuyển F0 rất tốn thời gian. Có ngày nhóm chuyển 3 trường hợp từ sáng đến chiều quên cả ăn uống, đến lúc mệt lả vừa đói vừa khát thì mới tranh thủ uống sữa để lấy sức”, chị Mai tâm sự. Ảnh: NVCC

“Việc chuyển F0 rất tốn thời gian. Có ngày nhóm chuyển 3 trường hợp từ sáng đến chiều quên cả ăn uống, đến lúc mệt lả vừa đói vừa khát thì mới tranh thủ uống sữa để lấy sức”, chị Mai tâm sự. Ảnh: NVCC

Chị Mai tâm sự: “Ai mặc vào bộ quần áo bảo hộ sẽ hiểu ngay, nó vừa nặng, vừa nóng, mặc vào là mồ hôi tuôn ra, người tôi ướt sũng và cảm giác rất khó chịu. Lúc đó mình nghĩ rằng các y bác sĩ phải mặc nó thường xuyên, liên tục từ ngày này qua ngay nọ và phải làm việc với cường độ cao. Tôi cảm thấy mình chỉ góp chút sức nhỏ vì nghĩ đó là điêu cần làm vì mình đã may mắn vượt qua bệnh tật”.

Mỗi ngày, công việc của chị Mai bắt đầu từ 7h sáng đến tận hơn 20h tối mới về. Chị thường xuyên theo xe chuyển bệnh nhân đi chạy thận, chuyển F0 từ điểm điều trị này đến điểm điều trị khác và đưa người được điều trị khỏi bệnh COVID-19 về nhà. Ngoài ra, chị Mai con hỗ trợ nhóm trong việc nghe điện thoại và tư vấn cho những trường hợp F0 vừa phát hiện bị nhiễm.

“Tâm lý chung của người mới phát hiện bị nhiễm sẽ hoang mang, lo lắng. Nên việc đầu tiên mình cần làm là trấn an họ, phải bình tĩnh giải quyết và không nên lo lắng thái quá. Mình giới thiệu với họ là bình cũng từng bị nhiễm và đã khỏi bệnh. Được người đã khỏi bệnh chia sẻ kinh nghiệm, họ cảm thấy yên tâm hơn. Với những trường hợp cần đưa đi điều trị, mình sẽ hướng dẫn những đồ đạc, vật dụng cần mang theo khi nhập viện”, chị Mai chia sẻ.

Nói về tình trạng sức khỏe của mình, chị Mai cho biết bản thân đã hoàn toàn khỏe mạnh và có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Trước mắt, chị sẽ gắn bó với hoạt động tình nguyện cho đến khi TP. HCM kết thúc giãn cách xã hội.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Mai cho rằng việc mình làm chỉ góp phần sức nhỏ, không đáng kể so với các y bác sĩ ở tuyến đầu: “Mình còn khỏe, còn giúp được mọi người, đó là việc nên làm. Mong là dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, để mọi người quay lại nhịp sống bình thường và giúp cho các y bác sĩ giảm gánh nặng”.

 Bình Dương: 1 phụ nữ chờ test khẳng định COVID-19 thì chết ở phòng trọ
Test nhanh dương tính với COVID-19, đang chờ xét nghiệm khẳng định thì người phụ nữ khó thở rồi chết trong phòng trọ.

Tin tức 24h

Huy Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhịp sống Sài Gòn