Người mẹ đơn thân quan niệm ngày nào còn may mắn được sống khỏe mạnh thì ngày đó chị muốn làm những gì còn có thể làm được để giúp đỡ mọi người.
Dịch COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của bao người: lao động mất việc, doanh nghiệp phá sản... Nhưng tất cả không ngăn được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của những người đã đứng ra kêu gọi, hỗ trợ người dân vùng dịch, hoàn cảnh khó khăn... Điển hình như bà mẹ đơn thân Sài thành này.
Khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, chị Lâm Minh Ngọc (SN 1981) - một bà mẹ đơn thân đã cùng những người bạn triển khai các hoạt động phát quà, đồ ăn thức uống cho người dân vùng dịch hoặc vô gia cư, hoàn cảnh khó khăn... Họ không quản ngại vất vả, sợ lây nhiễm dịch bệnh.
"Mình và các bạn trong nhóm đều không sợ nhiễm bệnh bởi nếu sợ đã không dám chở đồ đi vòng vòng thành phố giúp đỡ người dân. Thẳng thắn, không chỉ COVID-19 đang bủa vây mà nghèo đói, túng thiếu... cũng thập diện mai phục người dân lao động ở khắp Sài Gòn. Bởi vậy, chúng mình luôn có động lực thôi thúc đến với người cần đến sự giúp đỡ.
Mẹ con chị Minh Ngọc và các tình nguyện viên phát cháo tại 1 bệnh viện ở quận 8, TP.HCM.
Có thể mình nói nhiều người không tin nhưng ở ngay Hóc Môn, người dân nghèo đến mức đèn đường vẫn không có. Dẫu vậy chúng mình vẫn đi phát miệt mài, nhìn người nghèo đau bệnh, già neo đơn, khổ sở... thương lắm. Từ đó, lòng từ ái bên trong tâm hồn mình trỗi dậy mạnh mẽ. Có người hỏi mình đi vậy có sợ cướp giật không? Có chứ... nhưng năng lượng yêu thương sẽ lấn át nỗi sợ, chỉ muốn tiếp tục đi phát đồ, cứu giúp dân mình", chị Minh Ngọc tâm sự.
8X Sài Thành cho biết thêm, trong cuộc sống có rất nhiều rủi ro đến với bất kỳ ai, bất kì lúc nào. Vì thế chị quan niệm ngày nào còn may mắn được sống khỏe mạnh thì ngày đó chị muốn làm những gì còn có thể làm được để giúp đỡ mọi người. Bởi vậy, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, chị và nhóm bạn đã thành lập chuỗi dự án 0 đồng, như: Yểm trợ bệnh nhân trại phong cùi Bến Sắn (Bình Dương); phát quà cho bệnh nhân và người nghèo; cháo 0 đồng; của hàng quần áo 0 đồng; tư vấn tâm lý không thu phí...
Chị Minh Ngọc chuẩn bị lên đường phát rau cho bà con.
Mỗi người một việc chuẩn bị từng cốc cháo, chuẩn bị phát cho người dân nghèo sinh sống tại Sài Gòn.
"Hiện do dịch bùng phát, nhóm của mình đã tạm ngưng dự án yểm trợ bệnh nhân trại phong cùi, các cửa hàng quần áo 0 đồng và cháo 0 đồng ở bệnh viện bên quận 8. Còn các dự án khác vẫn hoạt động bình thường. Đặc biệt cả nhóm đang tập trung dự án phát gạo và quà cho người nghèo mỗi ngày", chị Minh Ngọc cho hay.
Nói đến cơ duyên thật sự của chuỗi dự án 0 đồng, chị Minh Ngọc cười và cho rằng tất cả đều tự nhiên. Chị bảo hơn một năm trước, khi thấy các nghệ sĩ vận động quyên góp, ủng hộ khẩu trang, nước rửa tay... chị cũng lên Facebook "bắt chước" để ủng hộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Sau đó chị thấy một quán cơm chay kêu gọi đồ nấu chay cho người nghèo thì chị cũng tham gia cùng. Ai cho gì, chị liền chỉ quán cơm để họ đem thẳng qua đó.
Từng bao gạo đến tay người dân giữa mùa dịch COVID-19.
"Bạn bè thấy mình "hăng hái" tham gia các hoạt động từ thiện như vậy liền gửi thông tin một nghệ sĩ muốn giúp đỡ người bán vé số. Mình lập tức liên lạc với những người bán vé số mà mình biết, xin địa chỉ hoặc số điện thoại rồi gửi cho vị nghệ sĩ kia trực tiếp giúp đỡ. Mình còn xin tham gia hoạt động thiện nguyện cùng anh ấy - chở vài tấn gạo đi phát cho bà con.
Sau đó, anh nghệ sĩ đổi cách làm, để bà con về phường lãnh gạo, nước mắm, dầu ăn... Lúc này, mình thích việc đi phát tận tay người nghèo hơn nên tự lập ra chuỗi dự án 0 đồng. Bạn bè ngày nào cũng cho đồ và mình phát tới tận bây giờ", người mẹ đơn thân hào hứng kể.
Người nghèo có quyền lựa những loại rau họ yêu thích.
Và đây là những suất cơm 0 đồng.
Nhắc đến chuyện ngày ngày "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", thời gian nào dành cho gia đình, chị Ngọc cho hay, chị nuôi con một mình hơn 10 năm nay. Nhà chỉ có 2 mẹ con nên rất thuận tiện để chị làm mọi việc. Lúc con đi học ở trường, chị sẽ cùng các bạn tình nguyện viên đi phân phát đồ. Khi con rảnh, chị rủ bé đi cùng để có thể cảm nhận mọi thứ trong cuộc sống, hình thành tình thương đối với người xung quanh.