“Không chỉ ông Chấn được bồi thường do chịu án oan, hiện chúng tôi cũng đang xem xét để đề nghị các cơ quan chức năng phải bồi thường cho những chi phí của gia đình ông trong thời gian đi kêu oan”.
Sáng 25/1, ngay sau khi ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang – người được trở về đoàn tụ cùng gia đình sau 10 năm tù với án chung thân về tội giết người) được Bộ Công an công bố Quyết định đình chỉ bị can và ông Chấn chính thức được minh oan do không phạm tội giết chị Nguyễn Thị Hoan ngày 15/8/2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Xuân Dũng, Công ty Luật Tập đoàn Hà Thành, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Chấn.
Luật sư Nguyễn Xuân Dũng (Ảnh: Xuân Hải)
Luật sư Nguyễn Xuân Dũng cho biết: Tôi được ông Chấn yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông trong quá trình từ lúc được thả ra cho đến về sau, trong đó có cả vấn đề liên quan tới việc bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Thưa ông, chính thức kể từ ngày 25/1/2014 ông Chấn đã được minh oan, với tư cách là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Chấn, ông nghĩ ông Chấn sẽ được bồi thường như thế nào?
Theo quy định của pháp luật, ông Chấn sẽ được bồi thường theo đúng quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước. Ví dụ như, bồi thường về danh dự, nhân phẩm, 1 ngày ngồi tù bằng 3 ngày lương tối thiểu theo quy định của nhà nước, bên cạnh đó là những chi phí hợp lý, hợp lệ, trong đó có cả chi phí làm hợp đồng với cả luật sư. Tất cả những chi phí chính đáng đều sẽ được xem xét, giải quyết theo đúng trình tự quy định của pháp luật.
Ông Chấn bật khóc khi nhận Quyết định đình chỉ điều tra bị can.
Như ông đã nói quy định về bồi thường cho ông Chấn trong 10 năm tù oan đã có quy định cụ thể, tuy nhiên trong quá trình ông Chấn phải đi tù oan thì gia đình ông Chấn và những người thân cũng vất vả chịu không ít những khó khăn, khổ cực, con cái phải bỏ học, vợ ông Chấn phải chạy vạy đi kêu oan cho chồng suốt 10 năm... như vậy gia đình và người thân của ông Chấn có được bồi thường không thưa ông?
Về vấn đề này cũng sẽ được chúng tôi xem xét đề nghị với các cơ quan chức năng để được bồi thường, kể cả việc gia đình ông Chấn phải vào tận Đồng Nai với mục đích để minh oan thì chúng tôi cũng xem xét để yêu cầu các cơ quan chức năng bồi thường cho gia đình theo đúng quy định của pháp luật.
Theo luật sư, trong vụ án này cơ quan chức năng nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với ông Chấn?
Nếu theo luật thì đương nhiên trong quá trình điều tra, khi cơ quan điều tra chuyển vụ án sang Viện kiểm sát và Viện kiểm sát nói rằng không có tội thì đương nhiên cơ quan điều tra phải bồi thường. Nhưng khi chuyển sang Viện kiểm sát mà có cáo trạng sang bên tòa đề nghị truy tố mà tòa tuyên vô tội thì viện kiểm soát phải chịu bồi thường.
Còn trong trường hợp tòa đưa ra bản án ông Chấn được minh oan thì dưới góc độ của pháp luật thì tòa phải chịu, nhưng trong vụ án này ông Trương Hòa Bình, Chánh án tòa án nhân dân Tối cao cho rằng: “Việc này là tái thẩm chứ không phải giám đốc thẩm cho nên việc bồi thường đó chúng tôi sẽ xem xét lại, xem góc độ là cơ quan nào sẽ phải bồi thường".
Như vậy hiện nay vẫn chưa xác định cụ thể là cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Chấn, thưa luật sư?
Nếu theo trường hợp này về thông lệ thì tòa phải có trách nhiệm. Bởi tòa là cơ quan ra bản án quyết định, nhưng ở đây là đang trong quá trình tái thẩm mà đã là tái thẩm rồi thì việc bồi thường liệu tòa phải chịu trách nhiệm hay cơ quan nào phải chịu trách nhiệm thì chúng tôi sẽ công bố sau.
Xin cảm ơn luật sư!