Các nhà khoa học phát hiện quần thể người ăn chay trong thời gian dài mang biến thể di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và bệnh tim.
Các nhà khoa học Mỹ tin rằng quần thể người có chế độ ăn chay kéo dài vài thế hệ có mang ADN khiến họ dễ bị viêm nhiễm. Những đột biến không mong muốn sinh ra vốn dĩ để người ăn chay hấp thụ axit béo thiết yếu từ thực vật dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nó lại tác động ngược, thúc đầy việc sản xuất axit arachidonic - làm tăng khả năng ung thư, bệnh tim và các bệnh viêm nhiễm khác.
Nói dễ hiểu thì khi họ ăn các loại dầu thực vật, gene đột biết này nhanh chóng chuyển các axit béo thành axit arachidonic nguy hiểm. Đột biến nguy hiểm nói trên có tên rs66698963 và được tìm thấy ờ gene FADS2 - nơi kiểm soát các axit béo trong cơ thể.
Khẩu phần ăn toàn thực vật làm đột biến ADN ở người và truyền biến đổi này cho các thế hệ sau - Ảnh: Cultura
Theo Telegraph cho biết, phát hiện này có thể giúp giải thích nghiên cứu trước đó khi các nhà khoa học thấy rằng quần thể người ăn chay có nhiều khả năng bị ung thư đại trực tràng hơn người ăn thịt đến 40%.
Để đưa ra kết luận, các nhà nghiên cứu từ Đại học Cornell ở Mỹ đã so sánh hàng trăm bộ gene của một tập hợp dân số chủ yếu là người ăn chay tại Pune (Ấn Độ) với những người ăn thịt truyền thống ở Kansas (Mỹ) và thấy có sự khác biệt đáng kể về mặt di truyền.
Giáo sư về dinh dưỡng con người tại Cornell - Tom Brenna nói: “Những người có tổ tiên ăn chay sở hữu dấu hiệu di truyền học cho thấy khả năng chuyển hóa axit béo thực vật nhanh hơn bình thường.
Đối với các cá nhân đó, dầu thực vật sẽ được chuyển đổi thành axit arachidonic, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm mạn tính liên quan đến sự phát triển của bệnh tim và làm bệnh ung thư nặng hơn. Sự đột biến ấy xuất hiện trong hệ gene từ lâu và được truyền lại qua các gia đình”.
Tồi tệ hơn, các đột biến này còn gây cản trở cho việc hấp thụ axit béo Omega 3, một loại axit béo rất có lợi cho tim.
Ăn chay có thể gây ra biến dị di truyền làm tăng khả năng ung thư, bệnh tim và các bệnh viêm nhiễm khác nhưng cũng giúp giảm một số bệnh như tiểu đường, đột quỵ và bệnh béo phì - Ảnh: Alamy.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Molecular Biology and Evolution giải thích thêm thời kỳ đầu, đột biến có thể chưa gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng từ cách mạng công nghiệp mọi chuyện đã khác. Nguyên do bởi có một sự thay đổi lớn trong khẩu phần ăn, người ta xa dần Omega 3 - trong cá và các loại hạt - chuyển sang khẩu phần ít lành mạnh hơn với Omega 6 - trong dầu thực vật.
Việc thay đổi khẩu phần ăn “có thể gây ra sự gia tăng bệnh mạn tính ở các nước đang phát triển. Thông điệp gửi đến những người ăn chay rất đơn giản. Hãy dùng các loại dầu thực vật ít Omega 6 như dầu oliu”, Tom Brenna cảnh báo. Trước đó, không ít nghiên cứu từng chỉ ra rằng việc ăn chay và thuần ăn chay có thể dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản do giảm lượng tinh trùng.
Nghiên cứu riêng biệt từ Đại học Harvard cũng phát hiện khẩu phần ăn nhiều trái cây và rau củ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Nguyên nhân do việc ăn nhiều rau quả sẽ nạp vào cơ thể các chất trừ sâu tồn dư nhiều hơn, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngoài ra, rất nhiều người ăn chay còn phải vật lộn để có đủ các chất dinh dưỡng protein, sắt, vitamin D, vitamin B12 và canxi vốn rất cần thiết cho sức khỏe. Một nghiên cứu cho thấy những người ăn chay có mật độ chất khoáng của xương (bone mineral density - BMD) thấp hơn 5% so với người không ăn chay.
Ngược lại, các nghiên cứu khác chỉ ra ăn chay làm giảm nguy cơ bệnh tiểu đường, đột quỵ và bệnh béo phì.