Các chuyên gia cảnh báo, thời gian cuối năm với nhiều hoạt động lễ hội và Tết Nguyên Đán, người dân cần nâng cao cảnh giác, phòng tránh bệnh liên cầu lợn.
Theo đó, theo thống kê của ngành y tế, hàng năm cứ vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội là số ca bệnh mắc liên cầu lợn lại gia tăng, điều đáng nói những người mắc căn bệnh “chết người” này vẫn xuất phát từ những nguyên nhân đã từng được cảnh báo rất nhiều lần.
Chia sẻ về căn bệnh này, BS Chu Văn Tuyến – Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế) cho biết, nhiều người dân rất chủ quan khi vẫn sử dụng những món ăn từ lợn rất dễ gây bệnh như: tiết canh, các món tái, chạo, nội tạng chần …
“Có không ít người cho rằng, ăn “lợn sạch” do tự tay mình nuôi, từ khâu chăn thả, cho đến khâu kiểm soát sẽ không mắc bệnh liên cầu lợn. Điều này là hoàn toàn sai lầm, bệnh liên cầu lợn lưu hành ở hầu hết các đàn lợn ở những nước có ngành chăn nuôi lợn.
Kể cả lợn nhà tự nuôi, hay còn gọi là “lợn sạch” vẫn hoàn toàn có nguy cơ mắc bệnh liên cầu nếu sử dụng các món ăn chưa được đun chín, nấu sôi như: nem thính, nem chạo, tiết canh..”, BS Tuyến cho biết.
Tiết canh, các món tái, chạo từ lợn là nguyên nhân chính mắc bệnh liên cầu lợn.
Giải thích về việc tự nuôi lợn sạch nhưng vẫn mắc bệnh, vị bác sĩ này cho biết, trong một đàn lợn khỏe, cũng có một tỷ lệ nhất định các cá thể lợn mang vi khuẩn. Khi lợn bị ốm, sức đề kháng bị suy giảm thì liên cầu khuẩn mới gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn.
Như vậy, nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng con lợn đó không mang trong người liên cầu khuẩn. Đó là lý do tại sao, có những gia đình tự nuôi lợn, thấy lợn rất khỏe mạnh nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và tử vong.
Lấy ví dụ trực tiếp về trường hợp ăn “lợn sạch” mắc bệnh liên cầu, đại diện Cục Y tế Dự phòng cho biết: “Mới đây nhất, có một nhóm gia đình tự nuôi lợn và cho rằng đó là 'lợn sạch' nên giết thịt và ăn tiết canh. Sau khi ăn 2 người đã mắc phải bệnh liên cầu lợn và chuyển thẳng xuống Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị.
Cũng theo BS Tuyến, theo thống kê từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 82 trường hợp nhiễm căn bệnh này và đã có 10 trường hợp tử vong, ngoài ăn trực tiếp các sản phẩm không đảm bảo an toàn từ lợn, thì những người trực tiếp chăn nuôi lợn cũng có nguy cơ mắc bệnh.
“Vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập qua các vùng tổn thương trên da, niêm mạc, khu trú và phát triển tại chỗ, qua bạch huyết vào máu và gây bệnh cho nhiều cơ quan phủ tạng”, BS Tuyến cho hay.
Để phóng tránh căn bệnh này, BS Tuyến khuyến cáo, người dân không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…).
Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.