Bà giáo già khóc nghẹn vì con phạm tội giết người

Ngày 26/03/2014 11:21 AM (GMT+7)

Mặc dù Luân được giảm án nhưng những lời khóc nấc nghẹn của người mẹ khiến không ít người mủi lòng.

Gia đình không hạnh phúc

Ngồi lẫn trong đám đông, quẹt vội dòng nước mắt, bà Đinh Thị Th. (SN 1954) nghẹn ngào kể về con trai mình là Nguyễn Kha Luân (SN 1980, xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Sinh Luân được 2 năm thì chồng mất. Thấy còn trẻ, lại chỉ có một đứa con trai, nhiều người khuyên bà nên đi thêm bước nữa. Tuy nhiên, là một giáo viên, lại thương con nên bà bỏ mặc ngoài tai những lời ấy. Một mình bà chăm sóc, nuôi dạy Luân nên người.

Đi dạy lâu năm, lại được sự tin tưởng của đồng nghiệp, bà lên chức hiệu trưởng. Cũng nhờ đó, bà có nhiều thời gian, điều kiện để chăm sóc cho Luân hơn. Ngay từ khi con còn nhỏ, bà luôn khuyên nhủ cố gắng học hành để sau này không phải chịu cực khổ. Suốt 12 năm, Luân là học sinh giỏi. Tốt nghiệp phổ thông, Luân thi vào ngành thiết kế mỹ thuật của trường đại học Mỹ thuật TP.HCM. Ra trường, Luân đi làm thuê nhưng hoài bão lớn nên xin nghỉ và mở một văn phòng kinh doanh bất động sản.

Bà giáo già khóc nghẹn vì con phạm tội giết người - 1

Luân trong phiên tòa phúc thẩm

Ban đầu, công việc làm ăn thuận lợi, Luân thành đạt khá sớm. Cũng trong khoảng thời gian này, Luân làm quen và yêu một thiếu nữ làm nghề kế toán. Năm 2007, đám cưới dung dị được diễn ra trước sự chứng kiến của hai gia đình và nụ cười mãn nguyện của đôi bạn trẻ. Chưa đầy một năm sau, vợ sinh được cho Luân một đứa con trai. Đến năm 2011, chị lại sinh thêm một bé gái nữa. Gia đình Luân ngập tràn hạnh phúc.

Kinh tế khủng hoảng, văn phòng bất động sản của Luân cũng không nằm ngoài tác động này nên công việc ngày càng khó khăn. Một thời gian ngắn sau, không chống cự nổi, Luân quyết định đóng văn phòng. Là một người đàn ông, không thể thất nghiệp mãi được, với mối quan hệ của mình, Luân xin vào làm thiết kế mỹ thuật cho một hãng phim. Mặc dù thu nhập không cao như thời làm ăn riêng nhưng vẫn đủ chi tiêu trong gia đình.

Cuộc đời bất trắc khó lường, cũng trong khoảng thời gian khủng hoảng về công việc, giữa Luân và vợ xảy ra nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết được. Tình cảm vợ chồng ngày một nhợt nhạt. Luân cũng đau khổ, dằn vặt nhưng không biết phải làm sao. Mặc dù vẫn ở chung dưới một mái nhà, cùng chăm sóc con, nhưng hai người lại ngủ hai phòng. Họ sống như đã ly thân.

Buồn bã vì chuyện gia đình, Luân thích đi làm, ngán ngẩm mỗi khi bước về nhà. Trong những bữa nhậu với bạn bè, Luân gặp chị Hồ Thị Phương Q. và kết bạn. Chị Q. cũng đã từng có một đời chồng nhưng đã ly dị và hiện đang nuôi một đứa con. Kể từ khi quen nhau, cứ mỗi lần nhậu nhẹt, Luân lại gọi điện rủ bạn đến ngồi nhậu cùng.

Nỗi đau nấc nghẹn

Vào trưa 30/6/2013, Luân đi dự đám cưới của một đồng nghiệp. Nhậu sương sương, tiệc tan, Luân về nhà nghỉ ngơi. Chiều cùng ngày, anh Đinh Quốc Huy rủ Luân đi nhậu. Do Luân đã hơi mệt nên từ chối. Tuy nhiên, vì muốn có bạn nhậu cùng cho vui nên anh Huy điều khiển xe máy đến tận nhà để chở. Chừng 20 phút sau, em trai anh Huy là Đinh Phước Lộc (SN 1985) cũng đến chung vui.

Theo thói quen, Luân điện thoại gọi chị Q. đến. Chị Q. điều khiển xe máy, chở con trai đến. Vừa thấy chị Q., Luân đã đứng dậy, lấy ghế gọi đến bên mình. Luân giới thiệu: “Đây là vợ và con của tao”. Do quen biết chưa lâu, mọi người cứ ngỡ Luân và chị Q. là vợ chồng thực. Rượu vơi lại đầy. Mọi người cười nói một cách vui vẻ.

Trong lúc cụng ly, Lộc có hành vi sàm sỡ, chồm qua người Luân, dùng tay sờ vào đùi, chỗ kín của chị Q.. Chị Q. la lớn, buông lời chửi mắng. Lúc này, Lộc hoảng sợ, vội vàng xin lỗi chị Q. cũng như Luân và tất cả mọi người. Tuy nhiên, Luân cho rằng, Lộc không tôn trọng mình nên chửi bới gây ra một cuộc cãi vã nãy lửa.

Được mọi người khuyên can, Luân đi vào nhà vệ sinh lấy một con dao lớn, trở lại bàn, đâm một nhát chí mạng vào lưng Lộc. Rút dao ra, Luân mang trả lại quầy pha chế. Quay ra, Luân thấy mọi người đỡ Lộc và trên người nạn nhân chảy rất nhiều máu nên hốt hoảng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện quận 2. Tuy nhiên, do vết thương đâm thủng phổi nên nạn nhân đã trút hơi thở cuối cùng. Ngay sau đó, Luân bị bắt khẩn cấp.

Cuối năm 2013, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt Luân tù chung thân. Sau đó, Luân viết đơn kháng cáo xin giảm án. Sáng 25/3/2014, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm đối với Luân. Đứng trước vành móng ngựa, Luân khẳng định: “Bị cáo chỉ muốn đe dọa chứ không hề có ý định tước đoạt mạng sống của bị hại”.

Bà Th. nghẹn lòng: “Tôi chỉ mong nó được giảm án, nhận được mức án thấp nhất để có thể sớm trở về làm lại cuộc đời”. Bà cũng chia sẻ, ngay khi vụ án xảy ra, biết con trai có lỗi, bà trực tiếp đến nói lời xin lỗi với gia đình bị hại, đồng thời ngỏ ý được bồi thường. Tuy nhiên, lúc này gia đình tang gia bối rồi nên bị khước từ. Đúng ngày mở cửa mả, bà quay trở lại. Gia đình bị hại yêu cầu bổi thường hơn 300 triệu đồng. Một bà giáo về hưu thì không có đủ chừng đó tiền nên xin giảm xuống chút đỉnh. Không lâu sau, gia đình bị hại yêu cầu 100 triệu đồng và chính bà gom góp tiền đưa sang.

Tòa chấp nhận đơn kháng cáo, giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm tù giam. Nước mắt đầm đìa, bà nấc nghẹn kể lại. Từ trước đến nay, Luân là người hiền lành. Hôm xảy ra vụ án, con dâu biết nhưng bà cũng không hay. Sáng sớm hôm sau, trong lòng nôn nao, bà chạy lên phòng thì không thấy Luân. Đến lúc này, con dâu mới kể hết mọi chuyện. Cũng vì Luân hiền lành, mặc dù bị bắt giam nhưng các quản giáo rất thương. Chỉ hai tháng sau, quản giáo cho Luân được gặp người thân. Mỗi khi gặp, Luân chỉ biết khóc, xin lỗi mẹ.

Từ khi Luân bị bắt, người nhà vẫn chưa cho hai đứa con biết. Trước đây, Luân mua cho con trai một chiếc điện thoại để hai cha con có thể trò chuyện mỗi khi đi công tác. Khi cha bị bắt, cháu vẫn thường bấm gọi điện cho cha nhưng không được. Thấy thế, bà Th. thương cháu, chỉ dám nói dối: “Cha đi làm ăn xa lại mất máy điện thoại, lúc nào rãnh cha sẽ về chơi”. Cháu nghe nội nói vậy thì cũng nghe lời.

Giáng sinh vừa qua, cháu viết thư cho ông già noel có đoạn: “Cháu đạt học sinh giỏi, được thầy cô yêu quý cho làm lớp trưởng. Cháu cũng nghe lời mẹ và bà nội. Cháu không cần quà gì hết, chỉ mong ông già noel đưa cha về cho cháu gặp một tí, thơm một cái. Cháu nhớ ba lắm ông ạ!”.

Khôi Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Án mạng kinh hoàng