Bà lão nuôi 9 con ngớ ngẩn mơ một lần được nghe tiếng gọi "mẹ"

Ngày 26/10/2014 16:08 PM (GMT+7)

Chín lần mang nặng đẻ đau, nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Sức vẫn chỉ có thể trao đổi với đàn con bằng các cử chỉ huơ chân, múa tay, lắc đầu... Chín đứa con của bà đã trưởng thành nhưng đều bị điên dại, câm điếc.

Chín lần mang nặng đẻ đau, nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Sức vẫn chỉ có thể trao đổi với đàn con bằng các cử chỉ huơ chân, múa tay, lắc đầu... Chín đứa con của bà đã trưởng thành nhưng đều bị điên dại, câm điếc. Hàng chục năm qua, bà Sức đã một tay nuôi dưỡng, chăm sóc đàn con với một ước muốn cháy bỏng, lúc nhắm mắt xuôi tay có thể được nghe con gọi tiếng “mẹ”!

Bà lão nuôi 9 con ngớ ngẩn mơ một lần được nghe tiếng gọi quot;mẹquot; - 1

Bà Sức chỉ mong có tiếng gọi mẹ.

Mẹ già chăm chín con điên dại

Về vùng bán sơn địa Bình Trị, thay cho câu than vãn “chó ăn đá gà ăn sỏi”, người dân thường lấy tên bà Sức (SN 1944, trú thôn Vinh Đông, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) để nói về sự nghèo khổ. Cả ngày, hình ảnh bà Sức mắt mờ, lưng khom vẫn đi bạt cả nắng gió, khi đổi bó củi, khi bán mớ rau kiếm ít tiền mua thức ăn lo cho đàn con cháu, luôn khiến nhiều người chứng kiến mủi lòng. Nói về gốc gác của bà Sức, hầu như cả huyện đều biết. Bà quê ở Tân Yên (tỉnh Bắc Giang). Do gia cảnh nghèo khó, bà Sức chỉ học được đến lớp hai, đủ để biết viết tên mình và nhẩm tính những con số đơn giản. Thời con gái, bà làm giao liên rồi tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Thông (SN 1935, quê Bình Trị, Thăng Bình) đi tập kết ra Bắc. Một thời gian qua lại, hai người nên duyên vợ chồng, đưa nhau về sinh sống tại quê bà Sức.

Những năm tháng chiến tranh loạn lạc, ông Thông cưới vợ xong lại biền biệt, bà Sức ở nhà một nách nuôi hai con gái. Không may, cả hai đứa trẻ sinh ra đều không được bình thường, nhưng bà vẫn gắng gượng chu toàn. Sau khi giải phóng, bà theo chồng về lại Quảng Nam lập nghiệp. Hai bàn tay trắng, vợ chồng bà phải tự vỡ đất dựng lều ở và canh tác. 16 năm, để vui cửa vui nhà và hy vọng có được đứa con lành lặn làm chỗ dựa lúc về già, vợ chồng tiếp tục sinh con. Nhưng không may, do ảnh hưởng di chứng chiến tranh từ ông Thông mà cả thảy bảy đứa (năm trai, hai gái) tiếp theo đều chung số phận, bị ngớ ngẩn và câm điếc. Thời điểm đó, ông Thông đang làm cán bộ xã, nhưng vì chán nản chuyện con cái cũng bỏ việc, kéo gia đình vào dãy núi hút sâu trong xã “trốn đời”.

Hằng ngày, ông Thông đi chặt củi rồi đưa vợ mang xuống xã bán, đổi lấy gạo sống qua ngày. Cầm cự được 6 năm, ông Thông vì lao lực đã qua đời. Từ đó, chín đứa con khờ dại do một tay bà Sức lo liệu, nuôi dưỡng. Chồng mất, biết không thể trụ được ở núi rừng, năm 2004, bà dắt con về lại nơi ở cũ và được người dân, chính quyền địa phương quan tâm, dựng cho căn nhà lá sống tạm. Hàng chục năm trôi qua, vẫn căn nhà tuềnh toàng cũ nát, hằng đêm bà Sức ngồi thu mình, nước mắt chảy dài nhìn các con ra vào ngơ ngác, thỉnh thoảng cười ngô nghê mà đau lòng. “Tuổi già, tôi cũng muốn về với ông cho an phận, nhưng nhìn mấy đứa con như thế, tôi không biết phải làm sao”, bà Sức chua chát.

Chỉ tay vào từng người, bà Sức cho biết, người con gái đầu Nguyễn Thị Thuận (SN 1965) khi khôn khi dại, lại bị dị tật từ nhỏ nên không giúp được gì cho gia đình, đến ăn uống cũng phải bón. Người thứ hai, Nguyễn Thị Thanh (SN 1968) mang trong mình căn bệnh tâm thần, nên tính tình thất thường. Thỉnh thoảng lên cơn thần kinh, Thanh phá nhà cửa, đập hết đồ đạc. Có thời điểm, Thanh bỏ đi, lúc tìm thấy đưa về, bà Sức chua chát vì bụng con đã chửa căng tròn. Sinh ra được bé trai, Thanh ném lại cho mẹ rồi đi tiếp. Để đề phòng con bị hãm hại, khi tìm được Thanh, bà nhờ người làm xích giữ chân Thanh lại.

Hai người con gái còn lại tên Nguyễn Thị Thu (SN 1983) và Nguyễn Thị Thơ (SN 1978) dở dở ương ương, nhưng may mắn còn có lúc tỉnh. Hai chị em bỏ nhà dắt nhau ra các khu chợ, xin làm thuê rồi ngủ luôn ở đấy. Biết bà Sức rất lo cho hai cô con gái này nên đại diện ban quản lý chợ và người dân cũng vào cuộc giúp trông coi hộ để các cô không bị kẻ xấu lợi dụng. “Với tôi, gánh nặng tạm thời về hai con gái Thu và Thơ cũng giảm bớt. Nhưng tương lai sau này thì khó nói. Lỡ tôi mất đi hay tụi nó già cả, chắc chẳng biết bấu víu vào đâu”, bà Sức chia sẻ.

Bà lão nuôi 9 con ngớ ngẩn mơ một lần được nghe tiếng gọi quot;mẹquot; - 2

Bà Sức cùng đàn con ngây dại.

Mong lúc nhắm mắt, được nghe con gọi mẹ!

Nói tiếp về năm người con trai, bà Sức sầu não không kém. Nguyễn Quốc Thuận (SN 1975), Nguyễn Quốc Bình (SN 1980) không chỉ làm khổ thân mẹ già mà đến xóm làng cũng bị ảnh hưởng. Thuận và Bình rất thích cầm mồi lửa đi đốt rơm rạ hay những nhà dân làm bằng tranh tre.

Cũng vì thế mà có gần cả chục năm, đi đâu bà Sức cũng cột tay Thuận, Bình vào tay mình, dắt theo để quản lý. Người dân, chính quyền địa phương sau nhiều lần chứng kiến hình ảnh bà lão nhỏ bé, vừa cõng củi trên lưng, vừa lôi theo hai thanh niên lực lưỡng giữa trưa nắng cũng đề xuất góp tiền cho bà Sức mang con đi bệnh viện tâm thần. Tuy nhiên, ở mới được ít tháng, bà Sức không có khả năng đóng viện phí, Thuận, Bình lại bị trả về. Theo bà Sức, tuy hai đứa con này của bà điên dại nhưng vẫn còn may mắn vì luôn biết nghe lời mẹ, chưa gây ra tai họa gì với những người xung quanh.

Đối với Nguyễn Quốc Quyền (SN 1982). Nguyễn Quốc Dân (SN 1985) và Nguyễn Quốc Thiện (SN 1978), đầu óc không được minh mẫn, câm điếc nhưng bù lại có gương mặt sáng sủa và bản tính thuần hơn. Thiện đã cưới vợ, làm nghề quét chợ ở xã bên cạnh. Thế nhưng, bà chưa kịp vui vì con trai đã có người chia sẻ thì vợ Thiện mất đột ngột, để lại đứa cháu trai 5 tuổi cho bà chăm sóc. Thiện cũng bỏ đi không tin tức. Quyền và Dân lần lượt cưới vợ vào tháng 1 và 6/2013, nhưng rồi nhanh chóng chia tay, hiện ở cùng bà, được mẹ sai gì làm nấy.

Hiện tại, trong căn nhà chưa đầy 40m2, bà Sức chen chúc cùng sáu người con và hai đứa cháu nội ngoại. Khách đến chơi, nhìn cách bà Sức ra hiệu cho con đi lấy nước, quét sân..., nhìn những đứa con ngẩn ngơ bám lấy mẹ mới thấy được tình thương cao cả từ người mẹ khốn khổ này. Bà Sức cho biết, giờ bà đã già, không đủ sức làm ra tiền, nên thời gian này, bà chỉ biết đi theo các con. Hễ thấy đứa nào hết “lên cơn”, lập tức được bà dắt đi xin giữ bò thuê, cấy mướn hay chặt củi bán kiếm thêm thu nhập. “Thương xót con lắm, nhưng tôi đã hết cách rồi”, bà Sức nghẹn ngào nói.

Vội lau giọt nước mắt, bà Sức tâm sự thêm: “Thời gian này, không biết có phải “ông trời thương” mà con tôi bỗng trở nên ngoan hơn. Bốn đứa con trai nhiều lúc còn chủ động đi làm đồng, biểu hiện khá tỉnh táo mà không hề đợi mẹ nhắc nhở. Đặc biệt, giữa tháng vừa rồi, tự nhiên con Thảo, con Thơ tìm về nhà dúi cho mẹ 100 ngàn đồng, còn mua thêm mấy cái bánh mì. Cười một lúc, chúng nó gục gặc đầu tỏ ý, lần sau sẽ về nữa, cho tiền nhiều hơn. Ai nhìn vào, thấy các con tôi khua tay, giơ chân, há miệng, lắc đầu, ú ớ... đều không hiểu gì cả. Nhưng riêng tôi, điều đó làm tôi hạnh phúc vô cùng. Tôi cũng thầm ước, biết đâu đến lúc nhắm mắt xuôi tay, các con mình sẽ gọi được tiếng “mẹ””.

Chính quyền sẽ hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện để giúp đỡ gia đình

Trao đổi về hoàn cảnh của bà Sức, ông Lê Khắc Nga, Trưởng thôn Vinh Đông cam kết, người dân địa phương cũng như chính quyền thôn, xã sẽ hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện để giúp đỡ gia đình bà trong lúc khó khăn. Hiện tại, xã đang đề xuất làm chế độ tàn tật cho các con bà Sức, để mẹ con bà có thêm khoản trợ cấp mà bớt đi gánh nặng sinh hoạt. Nghe được những lời này, bà Sức sụt sùi: “Có thêm ít tiền, tôi cũng yên tâm về việc học tập của hai đứa cháu. Cha mẹ tụi nó đã không có tương lai rồi, thân già như tôi khổ mấy cũng cam chịu, chỉ mong đời các cháu thoát cảnh này...”.

Theo Bắc Kì (Đời sống pháp luật)
Nguồn:

Tin liên quan