Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân HIV máu phun như vòi nước

Ngày 27/02/2016 06:00 AM (GMT+7)

Bị kỳ thị, phân biệt, thậm chí là né tránh hay bị phơi nhiễm những căn bệnh như HIV, lao… là những gì các bác sĩ Bệnh viện 09 Hà Nội đã và đang phải đối mặt hàng ngày.

Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng tôi trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài viết về những “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận cứu người. Họ là những con người thầm lặng nhất, thậm chí còn bị kỳ thị bởi chính định kiến xã hội, chính đồng nghiệp và cả những người thân trong gia đình. Hay những bác sĩ đang ngày đêm tận tụy tìm ra những bài thuốc đông y “cứu cánh” cho những cặp vợ chồng hiếm muộn… Tất cả họ đều rất đáng tôn vinh.

Phơi nhiễm HIV vì máu bắn vào mắt

Những câu chuyện bác sĩ bị phơi nhiễm HIV khi cấp cứu điều trị bệnh nhân không phải là nhiều, bởi mỗi khi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV, các bác sĩ thường chuẩn bị sẵn các dụng cụ bảo hộ. Có chăng những bác sĩ bị phơi nhiễm chỉ là khi cấp cứu trong tình trạng bệnh nhân quá nguy kịch.

Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng ở những bệnh viện khác, còn đối với Bệnh viện 09 thì lại khác hoàn toàn. Ở đây, các bác sĩ khám cho bệnh nhân HIV không phải đeo gang tay cao su, thậm chí không cần phải đeo khẩu trang.

“Theo quy định của Bộ Y tế, như vậy là sai quy trình khám cấp cứu, nhưng không phải lúc nào làm thế cũng là đúng. Tại bệnh viện này, với những bệnh nhân HIV, họ đã bị xã hội kỳ thị, gia đình ghét bỏ, chỉ còn bệnh viện là nơi họ có thể “gửi thân”.

Nếu các bác sĩ đến tiếp cận họ bịt kín từ đầu đến cuối, không cởi mở tiếp xúc họ sẽ nghĩ chính các bác sĩ cũng kỳ thị họ, và họ lại rơi vào bi kịch cuộc đời, bỏ điều trị và nghĩ những điều tiêu cực.

Hơn nữa, HIV không phải quá ghê gớm và đây không phải căn bệnh dễ lây nhiễm như mọi người thường nghĩ”, một bác sĩ cho biết.

Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân HIV máu phun như vòi nước - 1

Nhiều bệnh nhân vào viện vẫn nghĩ về một tương lai và gập 1000 con hạc để điều ước thành hiện thực.

Biết là vậy, nhưng trong những trường hợp cụ thể không ít bác sĩ đã bị phơi nhiễm HIV khi cấp cứu cho bệnh nhân. Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Tiến Thọ (khoa Hồi sức cấp cứu) người có thâm niên công tác 10 năm ở bệnh viện cho biết, bản thân từng bị phơi nhiễm do máu của bệnh nhân khi cấp cứu bắn vào mắt.

“Hôm đó, một bệnh nhân cấp cứu nguy kịch chuyển vào viện, các bác sĩ dồn hết tâm trí để giành lại sự sống cho bệnh nhân, tuy nhiên do bệnh nhân “vỡ mà” (tiêm chích nhiều tạo thành vết thương ngoài da gọi là mà) động mạch chủ ở bẹn, lúc đó tình thế nguy kịch, máu bệnh nhân chảy như ống nước bị thủng bắn tóe ra ngoài và tôi bị máu bắn thẳng vào mắt.

Lúc đó, không nghĩ gì ngoài cấp cứu cho bệnh nhân, sau khi cấp cứu xong cũng thấy “giật mình” và tiến hành dùng thuốc dự phòng trong vòng 1 tháng, thời điểm đó gia đình bạn bè cũng rất hoang mang. Rất may mắn, khi làm xét nghiệm theo đúng quy định tôi đã không nhiễm HIV”, bác sĩ Thọ chia sẻ.

Không bán cơm cho bác sĩ HIV

Đó là những gì mà điều dưỡng Nguyễn Văn Thương cũng như nhiều bác sĩ tại Bệnh viện 09 đã trải qua trong những ngày đầu thành lập bệnh viện. “Những ngày mới về đây, khi đi ra cổng bệnh viện mua cơm trưa, các cửa hàng cơm từ chối không bán cơm cho chúng tôi vì sợ bác sĩ điều trị cho bệnh nhân HIV cũng bị lây.

Thậm chí có quán còn đuổi thẳng vì bác sĩ ở bệnh viện vào ăn, khách hàng của họ chạy hết”, điều dưỡng Thương kể lại.

Chia sẻ về cảm xúc khi bị kì thị như vậy, điều dưỡng Thương cho biết: “Lúc đầu thấy tủi thân lắm, bác sĩ còn bị kỳ thị như thế thì bệnh nhân họ sẽ thế nào? Sau dần dần thành quen, giờ thậm chí còn mẫn cảm với sự kỳ thị.

Tôi chỉ suy nghĩ một điều, ai cũng kỳ thì thị ai sẽ là người công tác chăm sóc cho bệnh nhân. Bởi vậy, dù khó khăn đến mấy mình cũng phải cố gắng vượt qua”.

Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân HIV máu phun như vòi nước - 2

Các bác sĩ khám cho bệnh nhân HIV không cần phải đeo găng tay để tạo cảm giác gần gũi với bệnh nhân

Không chỉ có vậy, nhiều bác sĩ còn tủi thân với chính cả gia đình và đồng nghiệp của mình. Đã có không ít trường hợp, bác sĩ bệnh viện 09 đi họp lớp thậm chí còn không dám nói nơi mình công tác, bởi không nói thì mọi người còn nói chuyện vui cười, nếu giới thiệu đang làm ở bệnh viện 09 chẳng ai bảo ai, bạn bè tự tránh xa mình.

Thậm chí, ngay cả người thân trong gia đình cũng vậy. “Nhiều kỳ nghỉ dài ngày, khi về quê với gia đình, dòng họ, muốn được sự động viên, chia sẻ của mọi người về cuộc sống, công việc. Nhưng điều đó dường như không có, mà đâu đó chỉ là những câu nói đại khái như: Nó làm ở đó ai còn nhờ vả được gì nữa? hay Không khéo lại lây bệnh cho cả nhà”, một bác sĩ ngậm ngùi chia sẻ.

Tóm lại, nghề bác sĩ là một nghề cao quý, chịu đựng nhiều hy sinh thiệt thòi, nhưng hy sinh và cống hiến hơn cả đó chính là những bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh HIV, bệnh Lao vì ngoài những hy sinh, đâu đó họ còn phải chịu đựng sự kỳ thị của xã hội, đau lòng hơn là cả những người thân trong gia đình.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h