PGS.TS Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hơn một tháng nay bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải do bệnh nhân nghi mắc sởi nhập viện quá đông.
Nhưng trong số những bệnh nhân đến viện, phần lớn các ca bệnh đều có thể chữa ở tuyến dưới.
Trẻ mắc sởi nhẹ không nên đưa lên tuyến trên
Trong cả tháng qua, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương) luôn nườm nượp bệnh nhân. Trong đó, phần lớn là bệnh nhân có dấu hiệu sốt hoặc sốt phát ban nghi sởi. Tuy nhiên, con số bệnh nhân bị sởi phải nhập viện ít hơn rất nhiều so với các ca đến khám. Số lượng bệnh nhân đông, lượng công việc nhiều, kéo dài triền miên hơn 1 tháng qua khiến cán bộ y tế của Khoa Khám bệnh rất vất vả. Có những thời điểm, chỉ trong buổi chiều đã có trên 250 lượt bệnh nhân tới khám.
Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), số giường bệnh cũng phải tăng gấp đôi trong những ngày qua và lượng công việc của các y, bác sĩ tăng gấp 3 vì nhiều bệnh nhân nặng. Rất nhiều bác sĩ đã phải thức trắng đêm để tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân. Do bệnh nhân quá đông, nên từ hơn một tháng nay, phòng làm việc của BS Đỗ Thiện Hải - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm đã trở thành phòng điều trị cho bệnh nhân. BS Đỗ Thiện Hải và 3 bác sĩ khác tình nguyện chuyển bàn làm việc của mình xuống kho chứa đồ cũ, nhường phòng kê thêm giường bệnh cho các bệnh nhân.
Bệnh nhi mắc sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: T.Thường
Phòng của các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm cũng được thu lại, hiện 9 bác sĩ nữ được xếp chung vào một phòng để tăng diện tích điều trị. Khoa Đông y (bên cạnh Khoa Truyền nhiễm) được trưng dụng, trở thành buồng bệnh điều trị cho bệnh nhân mắc sởi. Hiện tại, Khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân (với khoảng 50 bệnh nhân nặng phải thở ôxy). Trong khi đó, khả năng trưng dụng của Khoa Truyền nhiễm chỉ có trên 100 giường.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: “Hiện nay, hầu hết các phụ huynh khi thấy con có dấu hiệu mắc sởi là đưa ngay vào tuyến trên, trong khi tuyến dưới hoàn toàn có thể chữa khỏi. Tôi rất cảm ơn bệnh nhân đã tín nhiệm bệnh viện chúng tôi, nhưng vì sức khỏe của các cháu, không nhất thiết cứ có dấu hiệu sởi là mang hết lên tuyến trên. Vì như vậy sẽ gây quá tải, lây nhiễm chéo, bệnh chưa nặng cũng trở thành nặng vì quá chật chội, đông đúc…”.
Làm sao tránh được bệnh sởi?
Theo BS Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai), dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt cao. Bệnh nhân bị chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt. Trong giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân có thể xuất hiện các đốm trắng nhỏ bên trong má. Sau một vài ngày thì ban sởi (ban đỏ/nâu dạng chấm) bùng phát, thường ở mặt và cổ. Trong khoảng 3 ngày, ban sởi lan rộng xuống thân mình và cuối cùng lan xuống tay, chân. Ban sởi kéo dài 5 – 6 ngày, sau đó mất dần. Trung bình, ban sởi xuất hiện sau khi tiếp xúc với virus được 14 ngày. Sởi nặng thường gặp ở trẻ em được nuôi dưỡng kém (trẻ suy dinh dưỡng), đặc biệt là những trẻ thiếu hụt vitamin A hoặc hệ thống miễn dịch của trẻ bị suy giảm do HIV/AIDS và các bệnh lý khác.
Theo BS Lương Quốc Chính, hầu hết các trường hợp tử vong liên quan tới sởi là do biến chứng của bệnh. Các biến chứng nghiêm trọng nhất bao gồm: Mù mắt, viêm não (nhiễm trùng gây phù não), tiêu chảy nặng gây mất nước, nhiễm trùng tai hoặc nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi. Có gần 10% các trường hợp sởi tử vong có tỷ lệ suy sinh dưỡng cao và không được chăm sóc y tế đầy đủ. Phụ nữ bị sởi trong khi mang thai cũng có nguy cơ biến chứng nặng và thai kỳ có thể kết thúc do sẩy thai hoặc sinh non. Những người khỏi bệnh sởi sẽ có miễn dịch với sởi suốt đời.
Hiện nay, phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh sởi đã triển khai thống nhất trên toàn quốc. Các bệnh viện tỉnh, huyện đều có thể điều trị sởi, do đó đối với những trẻ mắc sởi thể nhẹ thì các gia đình nên hạn chế chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên để tránh tối đa việc lây nhiễm chéo. Các gia đình có trẻ nhỏ cần chủ động cho trẻ tiêm phòng vaccine từ 9-24 tháng tuổi. Khi phát hiện có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban… cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của sởi. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước, tốt nhất vẫn là dung dịch điện giải (oresol) với nồng độ phù hợp. Ngoài ra, cần làm vệ sinh mắt bằng bông sạch (tăm bông), đóng rèm cửa giúp làm giảm sự nhạy cảm với ánh sáng của mắt.
“Tất cả trẻ em ở các nước đang phát triển được chẩn đoán bệnh sởi cần được bổ sung 2 liều vitamin A, cách nhau 24 giờ. Điều trị này nhằm khôi phục nồng độ vitamin A thấp trong thời gian mắc sởi, ngay cả với trẻ được nuôi dưỡng tốt, để giúp dự phòng tổn thương mắt và mù lòa. Bổ sung vitamin A đã được chứng minh là làm giảm 50% số lượng các trường hợp tử vong do bệnh sởi. Trẻ em mắc sởi không nên đến trường cho tới sau khi ban sởi bắt đầu xuất hiện tối thiểu 5 ngày”, BS Lương Quốc Chính chia sẻ.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sởi thường tự khỏi, nhưng nếu có triệu chứng khác thường xuất hiện như tiêu chảy, nôn, đau tai và đau họng, khó thở hoặc rối loạn ý thức… cần nhanh chóng tìm kiếm tư vấn y tế. Trong một vài trường hợp bệnh sởi nặng, đặc biệt nếu có biến chứng, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị.
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tiêm phòng vaccine là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nên tiêm phòng 2 mũi vaccine sởi để phòng bệnh, mũi 1 vào khoảng 12-15 tháng tuổi, tuy nhiên với các nước thường xuyên có ca bệnh sởi có thể tiêm sớm hơn, khoảng 9-12 tháng tuổi. |