Tại cuộc họp trực tuyến chiều tối ngày 8/4, Bộ Y tế cho biết, trong vòng 5 tháng dịch sởi bùng phát mạnh đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong (tính từ tháng 11/2013 đến hết tháng 3/2014).
Cuối tháng 4 dịch sẽ được khống chế?
Cuộc họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và có sự tham gia của lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteus TP.HCM, Nha Trang, Tây Nguyên; đại diện Sở Y tế Hà Nội, TP.HCM và một số bệnh viện lớn chuyên khoa Nhi ở Hà Nội.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay có 6.611 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, trong đó ghi nhận gần 2.500 được xác định là sởi tại 59 tỉnh, thành phố. Các cơ sở y tế đã lấy gần 4.400 mẫu xét nghiệm phát hiện có 2.303 mẫu dương tính với sởi (chiếm 53%). Tích lũy từ tháng 11/2013 đến 31/3/2014, Việt Nam ghi nhận có 3.380 ca sởi, trong đó 25 trường hợp tử vong.
Các chuyên gia cho rằng cuối tháng 4 dịch sởi sẽ được khống chế
Số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc và Nam, rải rác tại Trung và Tây Nguyên. Tại Hà Nội và TP.HCM, không xuất hiện ổ dịch sởi tập trung lớn nhưng số mắc rải rác xảy ra trên diện rộng.
Độ tuổi mắc chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi chiếm 68%. Số dưới 1 tuổi chiếm 16%, dưới 9 tháng chiếm 11%. Hầu hết ca mắc sởi là không tiêm hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắc xin sởi (86%).
Tuy nhiên, đánh giá về tình hình dịch sởi các chuyên gia đều khẳng định đến cuối tháng 4 dịch sẽ được kiểm soát và khống chế.
25 trường hợp tử vong đều liên quan đến biến chứng viêm phổi do sởi
25 trường hợp tử vong do sởi trong mùa dịch này đều ở khu vực phía Bắc. Theo TS Phu, qua phân tích 25 trường hợp tử vong nhận thấy tất cả các trường hợp đều do viêm phổi liên quan đến sởi hoặc biến chứng viêm phổi sau mắc sởi.
Tất cả các trường hợp tử vong đều rơi vào trẻ nhở dưới 2 tuổi. Trong đó, có tới 7/25 ca tử vong do sởi là trẻ dưới 9 tháng tuổi; 7 ca tử vong là trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi; 11 ca là trẻ từ 12- dưới 24 tháng tuổi.
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, kết quả phân tích gene của virus sởi từ năm 2001 đến nay cho thấy, kiểu gene virus sởi lưu hành ở Việt Nam là kiểu gene H1 và D8.
“Với hai kiểu gene H1 và D8 chứng minh Việt Nam chưa có sự biến đổi về gene và các typ virus sởi hiện đang lưu hành. Về các trường hợp tử vong do sởi phần lớn ở các tỉnh phía Bắc có liên quan mật thiết với việc trẻ em bị mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm phổi, sự xuất hiện các chủng virus không phải do sởi trong điều kiện giao mùa đông – xuân. Chính thời điểm giao mùa, bệnh về đường hô hấp tăng mạnh, các virus, vi khuẩn có điều kiện tấn công mạnh trẻ nhỏ nên các trường hợp trẻ nhiễm sởi trở nặng và suy kiệt nhanh, dẫn tới tử vong”, PGS.TS Hiển nói.
Bộ Y tế khẳng định lịch tiêm chủng vắc xin sởi như hiện nay là hiệu quả
Về ý kiến có nên tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ trước 9 tháng tuổi khi mà mùa dịch năm nay đã ghi nhận nhiều ca mắc và tử vong ở trẻ ở nhóm tuổi này, PGS.TS Hiển cho rằng: “Không nên tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi, bởi với trẻ giai đoạn này sẽ được truyền kháng thể từ người mẹ thông thường. Nếu tiêm trước cho trẻ dưới 9 tháng hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh kháng thể tạo được cũng không đủ để bảo vệ trẻ. Lịch tiêm của Việt Nam áp dụng cũng được thực tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước phát triển. Hiện nay, tất cả các nước có lưu hành bệnh sởi thường xuyên, với các mùa dịch lớn đều tiêm vắc xin sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi và chỉ có một tỷ lệ thấp các nước tiêm mũi đầu tiên khi trẻ 12 tháng tuổi”.
Có ý kiến chỉ đạo cuối buổi họp trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, có tới 87,6% bệnh nhân mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng đã chứng minh việc tiêm chủng vắc xin có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu dừng tiêm hoặc các địa phương thực hiện tiêm chủng không đầy đủ sẽ khiến dịch bệnh sẽ bùng phát và quay trở lại mạnh mẽ hơn.
Do đó, Thứ trưởng yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc phải quyết liệt thực hiện công tác tiêm chủng và hoàn thành việc tiêm vét vắc xin cho tất cả các trẻ ngay trong tháng 4.
“Việt Nam đã cam kết với quốc tế đến năm 2017 sẽ thanh toán loại trừ bệnh sởi. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế đã quyết định thực hiện chiến dịch lớn về tiêm chủng, sẽ tiêm khoảng 23 triệu liều vắc xin trong vòng 2 năm, dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 8-9 năm nay. Chiến dịch này được thực hiện sẽ nâng hệ miễn dịch trong cộng đồng, bệnh sởi sẽ không thể quay lại tấn công”, Thứ trưởng Long nói.