Chỉ còn gần nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đang tăng rất nhanh. Bộ NN-PTNT đã cùng với các tỉnh, thành triển khai quyết liệt các biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngày 6/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã họp trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước về kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thời điểm thực phẩm “bẩn” tràn ra thị trường
Tháng cuối năm bao giờ cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm của người dân tăng cao. Cũng dịp này, nhiều loại hàng hóa, trong đó có thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tung ra thị trường. Nhiều vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm đã bị phát hiện và bắt giữ.
Ngày 27/1, Đội Quản lý thị trường số 1A thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an phường Tam Bình, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh kiểm tra hoa quả tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Qua kiểm tra kho lạnh của công ty TNHH Vườn hạnh phúc Đà Lạt tại chợ đầu mối nói trên, lực lượng chức năng phát hiện hàng tấn trái cây gồm nho, lê và rau củ như hành, khoai tây…có dấu hiệu hư hỏng, mốc, thối. Trên thùng, bao đựng những sản phẩm này không có nhãn phụ, không ghi ngày sản xuất hay hạn sử dụng.
Tiếp tục kiểm tra, phát hiện thêm 24.984 gói thực phẩm là nước ép quả lê, có khối lượng 2.776kg. Số hàng này cũng không ghi ngày, nơi sản xuất, hạn sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hoá nói trên.
Ngày 5/2, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện một cơ sở đang chế biến hàng trăm kg mỡ lợn bẩn, tại xã Gia Tân 3,huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Mỡ được chế biến xong sẽ chuyển về TP HCM bán lại cho một số đầu mối tiêu thụ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định: “Đây chính là thời điểm sôi động nhất nhân dân mua bán và sử dụng thực phẩm. Nhu cầu này sẽ kéo dài cả trước Tết, sau Tết và mùa lễ hội”.
Trong khi đó, vấn đề thực phẩm bẩn đã thực sự trở nên nhức nhối, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận, trong khi chúng ta xuất khẩu nhiều thực phẩm sạch thì trong nước vẫn còn nhiều thực phẩm chưa đảm bảo an toàn. Do vậy, chúng ta phải tăng cường kiểm tra, kiểm sát để người dân Việt Nam được sử dụng thực phẩm an toàn như các nước khác.
Bảo đảm an toàn thực phẩm đón Tết
Rau và thịt là hai loại thực phẩm sẽ được chú trọng kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán 2015. Ảnh: Bảo Anh
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN-PTNT cho hay, thời gian qua, Cục đã cùng với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp lưu thông, mua bán, sử dụng chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý, cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép lưu hành.
Cục cũng tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối nông sản, thủy sản. Chú trọng kiểm tra việc lạm dụng các chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến trái phép, ngoài danh mục như: ure, hàn the…
Đặc biệt, trong giết mổ, Cục đã liên tục kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp giết mổ không đảm bảo vệ sinh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai đầu mối lớn, các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, kiểm nghiệm nhanh tại một số chợ đầu mối. Ngoài ra, việc giám sát truy xuất liên tỉnh đã được chú trọng vì nhiều sản phẩm được sản xuất ở một tỉnh nhưng lại tiêu thụ ở tỉnh khác, ông Nguyễn Như Tiệp nói.
Đồng ý với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nói, cần tập trung giám sát, lấy mẫu rau, quả, thực phẩm… nếu phát hiện sai phạm thì truy xuất nguồn gốc để xử lý.
Tại Hà Nội, các quận, huyện sẽ tổ chức thanh tra đột xuất các cơ sở ở địa phương, đặc biệt các cơ sở yếu kém. Hiện tại, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã lập hai ban điều phối tăng cường kiểm tra, giám sát ở các chợ đầu mối. Hai tỉnh này cũng đã tập trung liên kết với các tỉnh xung quan thực hiện chuỗi cung ứng rau quả sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân đón Tết.
Tại các tỉnh, thành khác, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm để người dân yên tâm đón Tết Nguyên đán cũng đang được các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lắk, ông Trần Hiếu cho rằng, cần giúp người dân nhận biết được các cơ sở sản xuất sạch, loại thực phẩm sạch để tiêu dùng. Việc kiểm soát ở các cửa khẩu cũng cần đặc biệt chú trọng, không để hàng hóa thực phẩm lậu tràn vào vì đã vào nội địa thì rất khó kiểm soát.
Kết luận tại buổi họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, năm 2015 là năm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, là mong đợi của nhân dân, của người tiêu dùng. Trong thời gian qua, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn cao. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chức năng quyết tâm truyền tải tới toàn bộ hệ thống để tạo ra sự chuyển biến. “Các địa phương lên kế hoạch thực hiện bài bản, hiệu quả”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đối với sản phẩm thịt dư lượng nhiều nhất là kháng sinh, vi sinh… Do đó, việc giết mổ và buôn bán ở chợ cần phải giám sát chặt chẽ để phát hiện ra những cơ sở không đạt yêu cầu để xử lý nghiêm. Công tác giám sát cũng cần đặc biệt chú trọng vào rau và thịt là hai loại thực phẩm đang có dư lượng vượt mức cao nhất.
* Top 5 ngành nghề thưởng tết 2015 cao nhất * Vé xe Tết âm lịch 2015 tăng cao nhất 60% |