Từ nay đến cuối tháng 1/2015, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có thể tăng nhẹ do nhu cầu thị trường tăng chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Hiện tại, nguồn cung các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh… khá dồi dào. Tuy nhiên, do nhu cầu chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán sắp tới tăng cao nên dự báo mới nhất cho Bộ Tài chính cho thấy, giá cả từ nay đến cuối tháng 1/2015 và những ngày giáp Tết Âm Lịch tiếp tục tăng nhẹ.
Nguồn cung dồi dào
Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, diễn biến giá thực phẩm tươi sống trong hai tuần qua khá ổn định so với cùng kỳ tháng 12/2014. Thịt lợn hơi mông sấn miền Bắc giá phổ biến khoảng 85.000 đồng/kg - 95.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 85.000 đồng/kg - 90.000 đồng/kg.
Tại chợ Thành Công (Hà Nội), hiện giá thịt mông sấn và thịt ba chỉ từ 95.000 đồng/kg – 100.000 đồng/kg. Còn tại hệ thống siêu thị, giá thịt lợn nạc vai dao động trong khoảng 100.000 đồng/kg - 105.000 đồng/kg. Thịt bò thăn giá phổ biến khoảng 250.000 đồng/kg - 260.000 đồng/kg tại miền Bắc; miền Nam giá phổ biến khoảng 250.000 đồng/kg - 265.000 đồng/kg.
Thịt gà ta và gà công nghiệp làm sẵn có kiểm dịch tại miền Bắc, giá dao động khoảng 115.000 đồng/kg - 120.000 đồng/kg; miền Nam dao động khoảng 110.000 đồng/kg - 115.000 đồng/kg.
Giá một số loại rau, củ, quả như bắp cải 10.000 đồng/kg - 13.000 đồng/kg; khoai tây 15.000 đồng/kg - 18.000 đồng/kg; cà chua 15.000 đồng/kg - 18.000 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá chép 70.000 đồng/kg - 80.000 đồng/kg; tôm sú 180.000 đồng/kg - 185.000 đồng/kg; cá quả 110.000 đồng/kg - 120.000 đồng/kg.
Trong khi giá cả tương đối ổn định thì hiện tại nguồn cung các loại thực phẩm khá dồi dào. Số liệu tổng hợp từ Cục Chế biến Nông lâm sản, Thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, đối với nhóm thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm và thủy sản cũng dự báo dồi dào. Lượng gạo cung cho thị trường dịp Tết Nguyên Đán khá dồi dào, khoảng hơn 1,5 triệu tấn trong tháng 1 và tháng 2/2015.
Nguồn cung các loại thịt dồi dào và khá ổn định. Ảnh: Thu Hoài
Nhu cầu tại thị trường Hà Nội ước cần khoảng 70.000 tấn, TP. HCM cần khoảng 1.200 tấn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, nhu cầu tiêu thụ gạo trong dịp cuối năm, trong Tết và sau Tết sẽ tăng nhẹ.
Số liệu từ Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy, tổng sản lượng thịt gia súc, gia cầm và trứng, sữa phục vụ tháng Tết đều tăng khoảng 20% so với các tháng khác trong năm. Sản lượng thịt hơi các loại hiện đạt hơn 580.000 tấn.
Trong khi đó, hiện các loại dịch bệnh trên gia súc và gia cầm về cơ bản đã được khống chế, dự báo nếu không có đột biến về dịch bệnh và thời tiết thì sẽ không gây ảnh hưởng đến nguồn cung các loại thực phẩm này.
Đề phòng sốt giá cục bộ
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, trên phạm vi cả nước, nguồn cung tương đối dồi dào nhưng dự báo từ nay đến cuối tháng 1/2015, giá các mặt hàng thực phẩm có thể tăng nhẹ do nhu cầu thị trường tăng chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Đối với các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Vũ Văn Tám cho rằng, tuy việc keierm soát nguồn cung và dịch bệnh đang thuận lợi nhưng cần tránh tâm lý chủ quan trong việc điều hành giá cả dịp cuối năm, trong đó đặc biệt chú trọng ngăn ngừa dịch bệnh trên gia súc gia cầm, đảm bảo nguồn cung ổn định. Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám: “Tại Việt Nam, tháng cuối năm cũng là dịp dịch cúm gia cầm có nguy cơ xuất hiện và bùng phát vì nhu cầu tiêu thụ và vận chuyển lớn. Hơn nữa, điều kiện thời tiết về cuối năm rất phù hợp cho virus cúm gia cầm sinh sôi và lây lan ra môi trường”.
Tại thị trường Hà Nội, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: “Mặc dù đến thời điểm này, nhu yếu phẩm cung cấp cho dịp Tết Nguyên Đán 2015 khá dồi dào, gần như không thiếu nhưng cũng cần lưu ý những vùng núi, vùng nông thôn, khu công nghiệp có thể xảy ra thiếu cục bộ vào những thời điểm nhất định”. Do vậy, theo ông Đỗ Thắng Hải, cần đặc biệt lưu ý khâu điều tiết thị trường, cần đảm bảo cho hàng hóa lưu thông tốt.
Được biết, đến nay Hà Nội đã dành khoảng 16.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, tạm ứng 276 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay để bình ổn thị trường.
Để điều tiết thị trường tốt hơn, nhất là những khu vực vùng sâu vùng xa, ngoài 600 điểm bán hàng cố định, Sở Công Thương Hà Nội đã lên kế hoạch đưa khoảng 100 chuyến hàng lưu động về các huyện ngoại thành, khu công nghiệp và 1.6000 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá.