Cơn bão số 2 đặt tên là Mun đã tiến vào đảo Hải Nam của Trung Quốc, dự kiến sẽ đi vào đất liền nước ta theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ gió đang ở cấp 7 tức 15m/s giật cấp 8 19m/s.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, diễn biến bão số 2 trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi sâu vào đất liền thuộc các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tin bão số 2 mới nhất, mỗi giờ bão di chuyển từ 10 - 15km một giờ và còn có khả năng mạnh lên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão số 2 - Mun, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình từ đêm nay 3/7 có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, gần sáng và ngày 4/7 có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 11.
Trưa ngày 3/7, khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 2 đã có mưa, riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông (lượng mưa phổ biến 30-70 mm/24 giờ, có nơi trên 100 mm/24giờ). Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Diễn biến bão số 2 - Ảnh Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
Dự báo 12h tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến sáng ngày 4/7, bão bắt đầu đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, trọng tâm là khu vực Hải Phòng. Vị trí tâm bão ở khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 8 (60 - 75km/h), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.
Dự báo bão số 2 đến ngày 5/7, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ. Ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Chỉ đạo phòng chống bão số 2
Theo báo cáo của trực ban Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 3/7 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 56.557 tàu cá/229.311 người; 484 tàu du lịch; 146 tàu vận tải/ 2.394 người; 5 tàu nước ngoài /82 người; 8.838 lồng bè, lều, chòi canh/10.750 người.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai - quán triệt tuyệt đối không chủ quan cho rằng bão số 2 chỉ gió nhẹ, bão nhẹ.
- Kiểm tra các công trình đang xây dựng, cần cẩu xây dựng tại nơi có hoạt động kinh tế rầm rộ từ Quảng Ninh - Hải Phòng
- Các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Nam Định cần có biện pháp chủ động phòng chống ngập úng.
- Không thể chủ quan với các hồ chứa, đặc biệt là các hồ thủy lợi đang sửa chữa hoặc xuống cấp cần kiểm tra ngay. Với thủy điện, cần đặc biệt chú ý với thủy điện nhỏ, đây là các hồ có dung tích chứa ít, mưa lớn rất nguy hiểm
- Khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ cần chú ý sạt lở đất khi mưa lớn. Quảng Ninh với hệ thống bãi xỉ than lớn, khi mưa lớn cũng rất nguy hiểm, nguy cơ cao về xảy ra sạt lở.
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Sau thời gian dài nắng nóng, đất bị khô nứt, đặc tính của đất bị phá vỡ và cháy rừng đã xảy ra ở khu vực Trung Bộ, bề mặt thảm phủ bị suy giảm, mưa lớn trên diện rộng gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn. Sạt lở đất có nguy cơ xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh (khu vực hầm lò, bãi thải) và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Các biện pháp phòng chống bão lũ
Neo đậu tàu thuyền nơi an toàn:
Bộ Thuỷ sản đã có những hướng dẫn cụ thể trong cách neo đậu tàu thuyền:
- Đối với tàu thuyền nhỏ tại những địa điểm có điều kiện kéo lên bờ tránh bão, nếu không đưa lên bờ được thì di chuyển vào sâu trong sông, rạch để tránh bão, tuyệt đối không neo đậu tại các bãi ngang. Đối với tàu thuyền lớn, phải bổ sung 2 dây chằng buộc lái, 2 dây chằng buộc mũi và neo đậu theo hướng thẳng góc với bờ, khoảng cách từ chiếc nọ sang chiếc kia phải đủ rộng để tránh va đập nhau.
- Kiểm tra và chằng buộc chắc chắn các cửa, nắp hầm hàng. Kiểm tra lại hệ thống dây neo, đảm bảo dây neo đúng kích cỡ và chiều dài theo quy định trước khi neo tàu.
- Không neo đậu tàu theo hướng song song với bờ, nên thả cả neo đáy và neo bờ để giữ cho tàu, thuyền cố định ở một vị trí. Nên sử dụng lốp xe hơi cũ treo ở thành tàu và cả ở mạn và ở mũi để hạn chế sự va đập vào nhau và vào cầu tàu.
Chằng chống nhà cửa:
- Lắp đè các thanh thép lên các mái tôn, các viền cạnh xà gồ, dầm của mái nhà. Các xà gồ, dầm nhà phải được cố định vào tường một cách chắc chắn.
- Dùng các bao tải chứa đất, cát sắp lên mái nhà. Nếu nhà mái yếu hoặc không chắc chắn thì không sử dụng phương pháp này vì có thể gây sập nhà.
- Bịt kín các cửa thông gió, đóng chặt cửa sổ, cửa ra vào.
- Để tránh nguy cơ bị tốc mái khi bão đến khi nhà không thể trụ được, mở cửa thông gió phía đối diện với hướng gió để gió thoát ra, giảm áp lực lên mái nhà. Tuyệt đối không mở cửa phía hướng gió bão đến.
- Phòng rủi ro khi nhà sập, nên trú ẩn dưới gầm giường hoặc gầm bàn sẽ tránh được các vật nặng đè lên người.
Phòng tránh điện giật:
Trong khi mưa bão, lượng mưa lớn có thể gây ngập úng. Phòng tránh điện giật bằng cách di chuyển các ổ điện lên vị trí cao, không đặt dưới nền nhà ẩm thấp. Các thiết bị điện như bình nóng lạnh, máy giặt cần phải được nối đất.. Khi nhà ngập nước, để đảm bảo an toàn, nên ngắt cầu giao điện.
Chuẩn bị lương thực, thuốc men
Ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa bão, cần chuẩn bị trước lượng lương thực, nước uống, thuốc men cần thiết để sử dụng. Trữ đồ đạc, phương thực thực phẩm cần thiết tại các vị trí cao tránh ngập úng.