Bão số 9 đạt cấp cuồng phong: Dừng mọi cuộc họp, gấp rút sơ tán gần 1,3 triệu dân

HÀ ANH - Ngày 26/10/2020 08:30 AM (GMT+7)

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định bão số 9 có thể là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến nay, gây ra gió mạnh tới cấp 13-14, giật cấp 16-17.

Theo thông tin mới nhất, lúc 19h tối nay, vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 13,5oN; 117,8oE, cách đảo Song Tử Tây khoảng 445 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất: cấp 13 (135-150km/h), giật cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Bão số 9 đạt cấp cuồng phong: Dừng mọi cuộc họp, gấp rút sơ tán gần 1,3 triệu dân - 1

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 9

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Đến 16 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 105,1 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực biên giới Nam Lào và Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Từ chiều mai (27/10), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Dự báo mưa lớn trên đất liền: Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt. Từ 28-31/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Gấp rút sơ tán gần 1,3 triệu dân

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong phạm vi 08 tỉnh bị ảnh hưởng của bão, cần đặc biệt quan tâm đến 05 đối tượng có nguy cơ cao.

Theo đó, tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13 lên đến 1.279.163 người

Tổng số tàu thuyền trong khu vực từ Thừa Thiên - Huế - Khánh Hòa là 25.063 chiếc, trong khi tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 61% nhu cầu thực tế.

Cũng trong ngày hôm nay 26/10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND về việc ứng phó với cơn bão số 9. Theo đó, tất cả học sinh, sinh viên được nghỉ học từ chiều 27/10 và cả ngày 28/10; thành phố tạm dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo không cần thiết để ứng phó với bão.

Theo Công điện, UBND các quận, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão lũ, di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; bảo vệ lồng bè thủy sản và nghiêm cấm người dân ở trên lồng bè khi có thiên tai; tổ chức neo đậu tàu thuyền đúng quy định và đưa thuyền thúng, thuyền nhỏ lên bờ tránh bão. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương kiểm tra các công trình xây dựng và yêu cầu dừng hoạt động, phải hạ thấp cần cẩu, trục tháp, hạ hoặc neo giữ giàn giáo chắc chắn... hoàn thành trước 15 giờ ngày 27/10.

Bộ chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố triển khai phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp cùng UBND các quận, huyện sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu (ven sông Cu Đê, Túy Loan, các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, các tuyến đường ĐT60, Quốc lộ 14G, đường lên bán đảo Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà...).

Đồng thời, UBND các quận, huyện duy trì liên lạc thường xuyên với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai; liên tục báo cáo công tác ứng phó và tình trạng thiệt hại cho UBND thành phố trước 8 giờ và 14 giờ hàng ngày.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai ứng phó khẩn cấp bão số 9

Ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã họp chỉ đạo ứng phó với bão số 9. Thủ tướng đánh giá đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, đổ bộ vào miền Trung gây ra tình trạng lũ chồng lũ, bão chồng bão. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được mất cảnh giác, phải chủ động ứng phó để giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra.

Thủ tướng cũng đã ra công điện số 1470 yêu cầu triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN; UBND các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các bộ, ngành phải đôn đốc, kiểm tra, đảm bảo thực hiện theo công điện một cách tốt nhất.

Theo đó, Thủ tướng nêu 5 nhiệm vụ cấp bách cần làm: Thứ nhất, tập trung bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển, đảo; các khu hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản trên biển; chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm trên biển và trên đất liền. Tùy theo diễn biến và tình hình cụ thể, các địa phương quyết định việc cấm biển.

Thứ hai, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; triển khai công tác bảo vệ nhà cửa, công trình, đê điều, hồ đập, bảo vệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Thứ ba, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật vùng nguy hiểm, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với bão, lũ

Thứ tư, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão, lũ rà soát phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ cứu nạn

Thứ năm, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết, chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ.

Bình Định cho học sinh nghỉ học từ chiều mai

Chiều 26/10, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh triển khai công tác ứng phó với bão số 9.

Tại cuộc họp, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh bão số 9 là cơn bão mạnh, rất nguy hiểm đối với tính mạng, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp, nhà nước. Do đó, các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nhất là toàn thể nhân dân trong tỉnh phải quyết liệt, tích cực, chủ động các biện pháp ứng phó với bão số 9. Từ ngày mai (27/10), dừng tất cả các cuộc họp để ứng phó với bão và bố trí lực lượng ứng trực 24/24. Các địa phương phải kiểm tra, rà soát những hộ dân ở vùng ven biển, triều cường, vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, lên phương án, địa điểm di dời cụ thể…

Ông Dũng đề nghị Bộ đội biên phòng, các ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển nắm rõ diễn biến, hướng đi của bão để di chuyển, tránh trú an toàn. Đối với tàu cá, tàu hàng đã vào cảng phải có phương án, hướng dẫn cụ thể để neo đậu, hạn chế thấp nhất tình trạng tàu khi neo đậu đứt neo, va chạm lẫn nhau. Kiên quyết không để bất cứ thuyền viên, ngư dân ở lại trên tàu hàng, tàu cá, lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng ra lệnh cấm biển từ 17 giờ ngày 26/10, cho học sinh nghỉ học từ chiều mai 27/10 cho tới khi có thông báo mới.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia: Đây có thể là cơn bão mạnh nhất trong năm nay

Sáng sớm nay (26/10), áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 8 đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Lúc 1 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, suy yếu và tan dần. Trong ngày và đêm nay (26/10), ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến 20-50mm.

Bão số 9 đạt cấp cuồng phong: Dừng mọi cuộc họp, gấp rút sơ tán gần 1,3 triệu dân - 2

Đường đi của bão Molave và áp thấp nhiệt đới.

Trong khi đó, lúc 1 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão Molave - cơn bão số 9 ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 122,2 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 350km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 114,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 01 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Thông tin trên VTV, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định bão Molave sẽ vào Biển Đông trong hôm nay và trở thành cơn bão số 9, nhiều khả năng đây sẽ là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến nay, kể cả gió giật trên biển cũng như trên đất liền.

Bão số 9 đạt cấp cuồng phong: Dừng mọi cuộc họp, gấp rút sơ tán gần 1,3 triệu dân - 3

Ông Hoàng Phúc Lâm nhận định bão số 9 có thể là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm

Theo ông Lâm, có rất nhiều rủi ro đến từ cơn bão số 9:

Thứ nhất, bão số 9 có thể gây ra gió mạnh tới cấp 13-14, giật cấp 16-17 ở Biển Đông - mức gió có sức phá hoại cực kỳ lớn. Khi vào đất liền Trung Bộ, cường độ bão vẫn có thể giữ cấp 11-12, giật cấp 14.

Thứ 2, vùng ven biển từ Đà Nẵng tới Quảng Ngãi khả năng có nước dâng do bão khoảng 1m.

Thứ 3, nó có thể gây mưa cực kỳ lớn ở Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên, lượng mưa có thể trên 500mm cả đợt.

Bão số 8 đang lao vào đất liền Hà Tĩnh-Quảng Trị, bão số 9 lại hướng thẳng vào miền Trung
Trong khi bão số 8 sắp đổ bộ đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị thì bão số 9 có khả năng hướng về phía các tỉnh Đà Nẵng đến Phú Yên.
HÀ ANH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin bão số 9