Cũng theo người phụ nữ miền Tây, hiện tại sức khoẻ của anh trai “xuống dốc” nhanh chóng.
Người đàn ông sở hữu thân hình to lớn: cao gần 2.2m, nặng 100kg hẳn không còn xa lạ đối với bà con ở Tân Thới (Phong Điền, TP.Cần Thơ). Họ vẫn luôn thấy bóng dáng ông Y (67 tuổi) lầm lũi, mò mẫm đường ra chợ ngồi chơi cho đỡ buồn.
“Thế rồi người ta thương lại mua cho cái này cái kia. Có hôm anh được cho cà phê, cái bánh, miếng kẹo, túi hoa quả. Anh không ăn hết là đem về nhà cho đám trẻ con trong xóm hoặc cất đi đến chiều đói bụng bỏ ra.
Tôi nhiều lần nói anh đừng đi hoài vì rất nguy hiểm, toàn xe cộ đông đúc. Song anh bảo do thói quen, thích nghe cảnh tấp nập ngoài chợ. Anh cũng không đi ăn xin, chỉ là ngồi đó ai thương sẽ giúp đỡ”, bà Phượng – em gái thứ 6, người trực tiếp chăm sóc ông Y cho biết.
Cũng theo người phụ nữ miền Tây, hiện tại sức khỏe của anh trai “xuống dốc” nhanh chóng. Nếu trước kia ông Y có thể ăn hết 4 lon gạo nấu thành cơm trong một bữa thì giờ giảm quá nửa. Ông cũng không thể đứng lên một lúc lâu, mắt mờ hoàn toàn. Nhưng tâm trí vẫn minh mẫn, hỏi gì là trả lời nấy, đặc biệt không hề có sự sai sót nào.
Ông Y hiện được em gái chăm sóc.
“Ông tên thật là gì, bao tuổi và cao nặng như thế nào?”, khi được hỏin người đàn ông khổng lồ trả lời: “Ở đây ai cũng gọi tôi là Mỹ nhưng tên thật là Nguyễn Văn Y, gần 70 tuổi rồi. Còn chiều cao với cân nặng chẳng nắm rõ nữa vì lâu rồi không đo, cân.
Đợt này tôi già yếu, mắt mờ lắm. Tôi chẳng biết mình sống được bao lâu nữa vì cứ đứng lâu lâu là đau xương cốt, cảm giác như bị sụt ấy”.
Lúc này chúng tôi không khỏi thắc mắc vì sao không đứng được lại có thể đi ra chợ hằng ngày, bà Phượng cho biết ông Y chỉ không đứng được lâu, vẫn có thể vừa ngồi vừa lết đi hoặc chống gậy dò dẫm từng bước. Hơn nữa ông đã quen đường sá, lại có chiếc tai thính nên dù mắt đã mờ vẫn nhỡ rõ mồn một hướng đi ra chợ.
Ngoài ra ông Y vẫn có thể tự sinh hoạt cá nhân, như tắm rửa, thay đồ… Ông bảo bản thân có bệnh tật như thế nào vẫn cố gắng làm những việc này, còn cơm nước sẽ nhờ em gái lo giúp. “Cả cuộc đời tôi sống dựa vào em gái, biết cô ấy vất vả ra sao nên bớt được việc gì hay việc đó”, người đàn ông nói.
Ông Y được cha mẹ của bà Phượng nhặt ở bệnh viện từ khi mới được 3 ngày tuổi. Gia đình ai cũng thương yêu ông giống như máu mủ của mình. Vì thế khi lớn lên, ông chăm chỉ làm lụng nuôi cha mẹ và 5 anh em.
Song do nhà nghèo không được học hành đàng hoàng, bẩm sinh lại khù hờ nên ông Y chỉ biết làm những công việc chân tay như đào đất, vác lúa. “Chúng tôi không cùng cha mẹ nhưng thương nhau như ruột thịt vậy. Hồi trẻ, anh đi làm thuê làm mướn khỏe gấp đôi người khác, vì thế được người ta trả công gấp đôi.
Tiền anh kiếm được bao nhiều đều về đưa cho mẹ tôi mua gạo, thịt cho các em ăn. Thậm chí anh còn chính là người đưa mẹ tôi tiền để đi chữa bệnh hen suyễn của bà. Anh thương mẹ hơn tất cả chúng tôi”, bà Phượng nói.
Nhắc đến các anh em khác của ông Y, bà Phượng cho hay các anh em ai cũng nghèo, không có điều kiện để giúp đỡ tận tình. Thậm chí bản thân bà hiện không ruộng vườn, chồng mất, cá con vừa ra trường… nên chỉ phụ được việc lặt vặt trong nhà.
Hiện tại ông Y sống dựa vào gần 600.000 đồng tiền bảo trợ xã hội, 10 kg gạo/tháng do chính quyền hỗ trợ. Thi thoảng, các mạnh thường quân lại đem nhu yếu phẩm, cá thịt… đến tặng ông.