Cháu Cháng Mí Mù, 13 tuổi đang rơi vào quá trình hoại tử tế bào gan cấp tính, men gan tăng cao gấp hàng nghìn lần.
Một gia đình 4 người tử vong, 3 người đang nằm viện
Bệnh nhi Cháng Mí Mù là một trong số 7 người của gia đình ông Cháng Chừ Sá (thôn Lùng Vái, xã Cán Tỉ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) bị ngộ độc sau khi ăn bánh trôi ngô bị mốc vào ngày 29/4. Sau đó 1 ngày, 4 người thân của bệnh nhi này lần lượt bị tử vong với biểu hiện suy hô hấp rất nhanh (trong đó 4 người tử vong có bé 12 tháng tuổi, bé 9 tuổi, 12 tuổi và một người lớn 21 tuổi). Bé Mù đã được chuyển xuống cấp cứu và điều trị tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội từ chiều ngày 3.5.
Hiện tại, còn 2 người khác đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, sức khỏe tiến triển tốt.
PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, cho biết qua bệnh nhi Cháng Mí Mù nhập viện trong thấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhi tương đối bình thường, không có biểu hiện khó thở hay suy tim, cháu vẫn tỉnh táo và trả lời được mọi câu hỏi của các bác sĩ. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm vài giờ sau cho thấy, bệnh nhi đang trong quá trình bị hoại tử tê bào gan cấp tính dẫn đến suy gan cấp, nguy cơ tử vong cao. Và chỉ sau vài giờ về tới BV Bạch Mai cháu bé có biểu hiện suy sụp rất nhanh, mệt mỏi lờ đờ của tình trạng tiền hôn mê gan.
Trước diễn biến phức tạp này, các BS tiến hành ngay biện pháp hồi sức toàn diện và tích cực, thải độc ra khỏi cơ thể, tránh suy đa phủ tạng, hạn chế nguy cơ tử vong. “Qua kinh nghiệm điều trị của chúng tôi và qua điều tra các bệnh án của những bệnh nhân trong vụ ngộ độc ở Hà Giang cho thấy, bệnh nhi đang trong quá trình bị hoại tử tế bào gan rất nhanh, nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới hôn mê gan tối cấp, tử vong nhanh chóng. Suy gan cấp do viêm gan nhiễm độc là căn bệnh có tỉ lệ tử vong lên tới 80%" ,PGS. TS Phạm Duệ, khẳng định.
Bệnh nhi Cháng Mí Mù hiện vẫn nguy kịch
Điểm giống nhau giữa những ca ngộ độc nặng sau khi ăn bánh trôi ngô bị mốc ở Hà Giang là tất cả đều có dấu hiệu bị hoại tử tế bào gan với tốc độ tăng men gan nhanh chóng: tối hôm trước men gan là 400-500, sáng hôm sau đã tăng lên 1000 và đến buổi chiều đã tăng lên tới hơn10 000 và tử vong với mức men gan là 13600. Cháu Mù do ăn ít bánh trôi ngô hơn 4 người xấu số trong gia đình (bé ăn 4 chiếc còn những người thân đã tử vong của bé ăn từ 10-14 chiếc) nên lượng độc tố từ nấm mốc trong cơ thể bé ít hơn. Do đó, các bác sĩ hi vọng bé sẽ qua được lưỡi hái tử thần.
“Dẫu diễn biến hoại tử gan ở bệnh nhi này chậm hơn những bệnh nhân đã tử vong khác 1 ngày nhưng với tốc độ tăng men gan cũng rất cao chỉ trong vòng vài tiếng: sáng ở Hà giang là 1000 thì kết quả xét nghiệm ngay khi tới BV Bạch Mai đã lên tới hơn 8000. Do đó, không ai dám chắc tình trạng bệnh sẽ không xấu hơn. Men gan của người bình thường có giá trị nhỏ hơn 40, người mang các bệnh viêm gan, khi tế bào gan bị phá vỡ nên tốc độ tăng sẽ phản ánh tốc độ phá hủy gan. Nếu men gan tăng gấp đôi đã được chẩn đoán có viêm gan tiến triển. Trong vụ các bệnh nhân bị ngộ độc bánh trôi ngô ở Hà Giang, men gan tăng lên tới hàng chục nghìn chỉ trong vòng 24 giờ”, PGS.TS Duệ nói.
Trường hợp của bé Mù, các chuyên gia hàng đầu đều nhận định rằng tính mạng của cháu bé đang bị đe dọa nghiêm trọng. Cháu bé sẽ tiếp tục trải qua nhiều lần thay thế huyết tương. “ Phác đồ thay huyết tương cho bệnh nhân viêm gan nhiễm độc là 24 giờ thay1 lần, với bệnh nhi này lúc đầu chúng tôi xác định là 12 giờ/lần, nhưng qua theo dõi tiến triển cấp tính của bệnh nhi, chúng tôi thấy cần và đã quyết định 8 giờ thay huyết tương 1 lần với hy vọng sẽ điều chỉnh cân bằng nội môi cho cháu. Các BS đang nỗ lực hết mình giành lại sự sống cho bé Mù khỏi bàn tay tử thẩn. Tuy nhiên, phải mất 7-10 ngày nữa BS mới có thể khẳng định chính xác bệnh nhi có qua được hay không.
Tuyệt đối không ăn thực phẩm làm từ ngô để lâu ngày
PGS.TS Hoàng Công Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng, chống nhiễm độc, Học viện quân y: “Thời gian gần đây, tại tỉnh Hà Giang liên tục xảy ra những vụ ngộ độc trầm trọng sau khi người dân ăn bánh trôi ngôi chứa nấm mốc. Tháng 5/2012, có tới 3 mẹ con trong một gia đình bị tử vong, một tháng sau đó cũng có 2 trong số 5 người ăn bánh trôi ngô mốc bị tử vong. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong mẫu bánh trôi ngô thu thập từ năm 2012 chứa một loại độc tố vi nấm rất độc, chỉ sau 2,5 giờ thí nghiệm là có thể gây chết thỏ”.
Hiện nay, vì tất cả các trường hợp đều ngộ độc đều xảy ra sau khi ăn bánh trôi ngô bị mốc nên các chuyên gia chống độc đều hướng tới nguyên nhân ngộ độc do nhiễm độc tố vi nấm. Nhưng đó là độc tố nào hoặc trong quá trình chế biến có tạo ra độc tố hay không thì cần rất nhiều nghiên cứu mới có thể khẳng định được.
Do đó, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn ngô mốc hoặc các thực phẩm chế biến từ ngô để lâu ngày, bột ngô ướt, bánh ngô đã chế biến cũng chỉ nên dùng trong ngày, không nên để lưu cữu dùng trong nhiều ngày dễ bị nhiễm nấm mốc độc. Trong quá trình chế biến cũng cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tránh việc nhiễm độc tố từ bên ngoài xâm nhập vào thực phẩm.