Giám đốc Bệnh viện nhi Nghệ An, BS Dương Công Hoạt đã đưa ra lời xin lỗi tới gia đình bé gái 6 ngày tuổi tử vong.
"Chúng tôi ý thức được trách nhiệm hoàn toàn thuộc về bệnh viện và hai cá nhân là bác sĩ Kiều Anh và điều dưỡng Phạm Đức Tuấn", ông Hoạt khẳng định.
Bé 6 ngày tuổi tử vong, cả bác sĩ và điều dưỡng đều sai
Chiều 31/1, Bệnh viện nhi Nghệ An đã có buổi làm việc với người nhà bé Lê Nguyễn Phương Linh (6 ngày tuổi đã tử vong). Tại buổi làm việc, ông Hoạt thừa nhận việc bệnh nhi tử vong là một tai nạn hết sức đáng tiếc và đau lòng.
Ông nội và bố cháu bé Phương Linh
Bác sĩ Phan Văn Tư - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Nghệ An - cho biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của bé Phương Linh là do sai sót trong quy trình thực hiện y lệnh giữa bác sĩ kê đơn và điều dưỡng tiêm thuốc.
Ông Tư khẳng định cả bác sĩ và điều dưỡng đều sai. Bác sĩ kê đơn và y lệnh không cụ thể, rõ ràng khi kê 2 loại thuốc Betadin và Chloramphenicol (1g) là để rửa vết thương nhưng lại ghi y lệnh không rõ. Điều dưỡng tiêm thuốc không hỏi lại bác sĩ là thuốc dùng tiêm, hay rửa nên dẫn đến tiêm nhầm thuốc cho cháu bé.
Ông Lê Xuân Châu (ông nội cháu Linh) không đồng tình với cách giải trình thuốc Chloramphenicol (1g) là để rửa vết thương và cho rằng đây là thuốc tiêm dạng bột, hoàn toàn để tiêm.
"Trong hướng dẫn sử dụng thuốc Chloramphenicol (1g) ghi rõ thuốc sử dụng cho trẻ em với liều lượng 25-50mg/kg/24 giờ, chia 4 lần, cách nhau 6 giờ và chống chỉ định cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Vậy mà bác sĩ lại kê cho điều dưỡng tiêm cho cháu tôi mới chỉ 6 ngày tuổi liều lượng 1g tương đương với 1.000 mg thì thử hỏi cháu sống làm sao được", ông Châu khóc, đồng thời đề nghị bệnh viện xử lý nghiêm sai phạm, không bao che.
Giám đốc Dương Công Hoạt khẳng định ai sai ở đâu thì sẽ xử lý ở đó, hoàn toàn không có việc bao che sai phạm.
Không thuộc quản lý của Sở
Ông Hoàng Văn Thảo - Phó giám đốc Sở y tế Nghệ An cho biết, trước sai phạm của bác sĩ Trần Kiều Anh và điều dưỡng Phạm Đức Tuấn, Sở đã có yêu cầu bệnh viện đình chỉ công tác tiếp tục xem xét kỷ luật đối với điều dưỡng Tuấn. Sau khi có kết luận từ hội đồng chuyên môn sẽ tiếp tục xem xét đưa ra hình thức kỷ luật cuối cùng đối với điều dưỡng Tuấn.
Riêng với bác sĩ Kiều Anh, được đánh giá là giảng viên giỏi của trường cấp quốc gia, được đào tạo bài bản là thạc sĩ chuyên khoa nhi, và được thừa hưởng truyền thống cả gia đình đều là thầy thuốc.
Nên Bệnh viện và Trường đại học Vinh đã xem xét kiểm điểm, yêu cầu không để bác sĩ Anh tham gia khám chữa bệnh tại bệnh viện trong một thời gian nhất định. Đồng thời yêu cầu bác sĩ Anh phải xem xét, rút kinh nghiệm.
Theo ông Thảo, sai phạm của bác sĩ Anh là đã rõ, tuy nhiên những bác sĩ được đào tạo bài bản, có chuyên môn như bác sĩ Kiều Anh còn rất hạn chế. Do vậy, hình thức kỷ luật đưa ra dựa trên tinh thần có nhìn trước nhìn sau.
Hơn nữa, bác sĩ Kiều Anh là giảng viên trường Đại học Vinh, nên không thuộc biên chế của Sở mà thuộc biên chế do tỉnh quản lý. Chính vì vậy, trong trường hợp này Sở không ra quyết định hình thức xử lý được mà chỉ phối kết hợp để xử lý.
Đơn thuốc dạng thư tay
Kết luận đưa ra hình thức kỷ luật trong trường hợp này theo ông Thảo phải là do trường Đại học Y khoa Vinh.
Vị lãnh đạo này cho biết, khi sự cố xảy ra Sở cũng mất ăn mất ngủ, đó là sự cố xảy ra ngoài ý muốn nhưng mỗi vụ việc nó thuộc phạm vi khác nhau. Ví dụ như trường hợp 3 trẻ tử vong vì tiêm văc-xin thì tới nay thì đến Bộ cũng chưa thể kết luận được điều gì.
Nhưng khi sự việc xảy ra, bệnh nhân thường đổ lỗi tất cả cho bác sĩ mà không để ý đến những nguyên nhân khác quan khác. Đó cũng là điều đáng buồn cho ngành y tế.
Còn nguyên nhân khác?
Tiến sỹ Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Vinh cho rằng, đó là sự việc đáng tiếc, ngoài mong muốn của mọi người. Theo đánh giá của TS Tài, cô giáo Kiều Anh là một giảng viên, bác sĩ giỏi, có năng lực. Đơn thuốc mà bác sĩ Kiều Anh viết không phải là đơn thuốc mà nó chỉ giống như một thư tay do bác sĩ Kiều Anh có quen biết với gia đình bệnh nhân. Nên mới xảy ra sự việc như vậy.
Về mặt nào đó, nguyên nhân tử vong nếu để đưa ra kết luận chính xác thì cũng cần phải xem xét lại. Vì nếu theo chẩn đoán của bác sĩ thì không thể có chuyện tiêm Chloramphenicol (1g) lại dẫn đến tử vong nhanh như vậy được.
Vì nếu dùng Chloramphenicol (1g) để tiêm sẽ dẫn đến suy tủy xương, nhưng phải là liều kéo dài chứ trong 7 tiếng đồng hồ đã dẫn đến tử vong là bất thường.
Tuy nhiên, sự việc đã xảy ra rồi, để làm một điều gì có thể cứu lại cháu bé thì chúng ta sẵn sàng, nhưng trong hoàn cảnh này người ở lại ứng xử với nhau cho có tình có lý, cho người ở lại có cơ hội để khắc phục hậu quả. Chính vì vậy, cũng cần có một cái nhìn tích cực.
Về hướng xử lý, trước mắt trường đã đình chỉ mọi hoạt động giảng dạy, lâm sàng trên người bệnh nhân đối với giảng viên Kiều Anh. Chờ kết luận của hội đồng chuyên môn, nhà trường sẽ đưa ra kết luận xử lý nghiêm theo quy định, đảm bảo thấu tình đạt lý.
Bé Lê Nguyễn Phương Linh sau khi sinh được 6 ngày thì có biểu hiện vàng da. Ngày 26/1, gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Nghệ An để thăm khám. Tại đây, sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết, bác sỹ Trần Kiều Anh đã công bố kết quả xét nghiệm sinh hóa máu âm tính và kết quả chụp X - Quang. Theo đó, bé Linh bị nhiều đờm ở họng, mũi và được kê đơn thuốc để gia đình đi mua rồi mang sang khoa hồi sức cấp cứu để hút đờm, rửa đờm và tiêm thuốc. Trong đơn thuốc mà bác sỹ Kiều Anh kê bao có 2 loại thuốc gồm: 1 lọ Betadine, 1 lọ Chloramphenicol (1g). Đến khoảng 16h30' cùng ngày, bé Linh được điều dưỡng Phạm Đức Tuấn trực tại Khoa hồi sức cấp cứu đến tiêm cho loại thuốc Chloramphenicol (1g). Sau khi tiêm xong, bé Linh được bác sỹ Anh khám lại cho xuất viện và hẹn 3 ngày sau quay lại để rửa rốn. Nhưng đến 10h40' ngày 27/1/2013, bé Linh đã tử vong. |