Nước láng giềng Trung Quốc đã thông báo trường hợp tử vong vì bệnh dịch hạch thể phổi. Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc nào trong 12 năm nay. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh dịch có thể lan tràn vào Việt Nam.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, 12 năm trở lại đây nước ta không ghi nhận ca dịch hạch nào. 2 ca bệnh cuối cùng thể bạch huyết được ghi nhận vào tháng 8/2002.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, ngày 17/7, quốc gia này đã thông báo một trường hợp mắc dịch hạch thể phổi tử vong là một bệnh nhân nam 38 tuổi, ở tỉnh Cam Túc- vùng Tây Bắc nước này.
Bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 14/7 với biểu hiện sốt, ho, nhập viện vào ngày 15/7, được cách ly và tử vong một ngày sau đó. Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân làm nghề chăm sóc vật nuôi và có tiền sử phơi nhiễm với con mac-mốt (thuộc loài gặm nhấm) trước đó. Có ít nhất 151 người đã tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân. Nhà chức trách đã cách ly 151 người này và phong tỏa bốn khu vực ở thành phố để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Chuột là động vật trung gian gây bệnh dịch hạch. Ảnh minh họa
Mỹ cũng thông báo có 4 ca bệnh dịch hạch tại hạt Adam, bang Clorado trong đó 3 trường hợp có triệu chứng viêm phổi và một trường hợp không rõ triệu chứng. Cả 4 bệnh nhân đều tiếp xúc với con chó bị ốm và chết ngày 26/6. Trước đó, con chó này có biểu hiện lâm sàng và bệnh lý của bệnh dịch hạch thể phổi.
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh dịch có thể lan tràn vào Việt Nam. Vì thế, để chủ động phòng chống dịch, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chỉ đạo các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh/thành phố triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể: Giám sát chặt chẽ đối với người, phương tiện và hàng hóa nhập khẩu vào nước ta xuất phát từ vùng đang có dịch hạch thể phổi; Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra giám sát chặt chẽ nhập khẩu động vật qua biên giới; Tăng cường giám sát và xử lý theo quy định các vật chủ trung gian truyền bệnh dịch hạch trên các phương tiện vận tải và khu vực cửa khẩu; Tăng cường vệ sinh môi trường khu vực cửa khẩu: loại bỏ chất thải, rác và nguồn cung cấp thực phẩm động vật gậm nhấm.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, dịch hạch không quá lo nhưng dịch hạch thể phổi thì thực sự nguy hiểm. Đến thời điểm này Việt Nam chưa có thông báo về bệnh này dù ở sát Trung Quốc.
“Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta lơ là. Điều quan trọng nhất hiện nay với Việt Nam là giám sát và phát hiện chứ không nên gây hoang mang cho người dân”, tiến sĩ Phu nói.
Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng.
Dịch hạch thể phổi là nguy hiểm nhất. Bệnh nhân có thể chết trong vòng 24 giờ sau khi nhiễm. Người bệnh hít phải vi khuẩn hạch thể phổi khi chúng phát tán trong không khí, hoặc do mổ xẻ, ăn phải động vật nhiễm bệnh (thường là chuột), sau đó có thể truyền sang người khác khi ho mà không cần vật trung gian. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 4 ngày. Người nhiễm bệnh thường có triệu chứng sốt, đau đầu, suy nhược cơ thể, sau đó chuyển sang ho, đau ngực, khó thở, đôi khi ho ra máu.