'Bệnh lạ' khiến 3 người tử vong ở Quảng Nam lây qua hô hấp

Ngày 16/07/2015 13:37 PM (GMT+7)

Theo các chuyên gia, căn “bệnh lạ” xảy ra ở Quảng Nam, nhiều khả năng là bệnh bạch hầu. Đây là căn bệnh nguy hiểm, có thể lây qua đường hô hấp và gây tử vong cho người bệnh.

Quảng Nam công bố ổ dịch bạch hầu

Trong những ngày gần đây thông tin về việc 6 người tử vong sau khi mắc “bệnh lạ” ở Quảng Nam khiến dư luận hết sức hoang mang, lo lắng. Không chỉ dừng lại ở số người tử vong, hiện tại ngành y tế Quảng Nam đang phải điều trị khoảng 10 bệnh nhân khác cũng mắc những triệu chứng tương tự.

Theo đó, địa phương xuất hiện căn bệnh này là thôn 8A và thôn 8B (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn). Các bệnh nhân khi mắc bệnh đều có chung các biểu hiện như: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó... Ngay sau khi nhận được thông tin trên, ngành y tế Quảng Nam đã nhanh chóng vào cuộc điều tra dịch tễ để tìm nguyên nhân gây bệnh.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hai, GĐ Sở Y tế Quảng Nam cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về dịch bệnh, đoàn công tác của Sở Y tế đã đến hiện trường để tìm hiểu dịch bệnh và tìm cách khoanh vùng dập dịch. Tại địa bàn, cơ quan chức năng đã phát hiện 8 trường hợp với triệu chứng sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó.

Cũng theo ông Hai, thông tin có 6 người tử vong là không chính xác. Hiện tại ngành y tế và chính quyền địa phương xác nhận có 3 ca tử vong đó là: Hồ Thị Nẩy (26 tuổi), Hồ Thị Viên (17 tuổi), Hồ Văn Qúy (16 tuổi). Hiện tại, 10 trường hợp còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phước Sơn và tại nhà, sức khỏe các bệnh nhân hiện đã ổn định và có diễn biến tốt.

Cũng trong cùng một diễn biến, GĐ Sở Y tế Quảng Nam cho biết, hiện tại 7 mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm đã có kết quả, theo đó có 6 mẫu âm tính và 1 mẫu dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Từ những diễn biến trên Sở Y tế Quảng Nam đã có buổi làm việc với Viện Pasteur Nha Trang và đi đến thống nhất tại địa bàn Phước Lộc đã xuất hiện ổ dịch bạch hầu.

Được biết, trong nhiều năm qua công tác tiêm chủng ở địa bàn xảy ra dịch rất hạn chế, nguyên nhân là ở đây không có điện nên không có dây chuyền bảo quản vacxin. Bên cạnh đó người dân vào nương rẫy, từ thôn vào rẫy mất 3-4 giờ đồng hồ để  gặp người dân, do đó có những em nhỏ không được tiêm chủng....

#039;Bệnh lạ#039; khiến 3 người tử vong ở Quảng Nam lây qua hô hấp - 1

Cán bộ y tế đang kiểm tra "bệnh lạ" cho người dân ở Quảng Nam.

Nên tiêm vắc xin đầy đủ đúng lịch

Trước việc Quảng Nam công bố ổ dịch bạch hầu và đã có 1 số trường hợp tử vong nghi do căn bệnh này, các chuyên gia của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Bệnh bạch hầu hoàn toàn có thể phòng chống và thanh toán nếu được tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch.

Theo các chuyên gia, bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Trực khuẩn bạch hầu tiết ra độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Có 2 thể bệnh bạch hầu hay gặp: bạch hầu họng và bạch hầu thanh quản. Ở vùng nhiệt đới có thể gặp bạch hầu mũi, mắt, da.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở những trẻ không được tiêm chủng. Ở vùng khí hậu nhiệt đới bệnh thường gặp trong những tháng lạnh. Trong năm 2000 có khoảng 30.000 trường hợp mắc và 3000 trường hợp chết do bạch hầu đã được báo cáo trên toàn thế giới.

Bệnh bạch hầu lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Nó có thể gây nhiễm trùng mũi họng dẫn đến khó thở và tử vong.

Khi mắc bệnh bạch hầu, thường bệnh nhân thường xuất hiện triệu chứng viêm họng đầu tiên, sau đó là chán ăn và sốt nhẹ. Trong vòng 2-3 ngày giả mạc trắng có màu ngà ở trong họng và lưỡi. Giả mạc bạch hầu có đặc điểm là dai, dính và dễ chảy máu nếu bóc giả mạc. Bệnh nhân có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 – 10 ngày.

Khi phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và dùng kháng sinh như erythromycin hoặc penicillin và cần cách ly tránh lan truyền bệnh sang người khác. Cần nuôi cấy dịch họng để chẩn đoán. Bệnh nhân sẽ không còn khả năng lây lan sau 2 ngày điều trị kháng sinh thích hợp.

Theo các chuyên gia Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cách hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu là duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trong cộng đồng. Ở hầu hết các nước, vắc xin giải độc tố bạch hầu được tiêm cùng với vắc xin ho gà và giải độc tố uốn ván ( vắc xin BH – HG - UV). Gần đây một số nước đã sử dụng vắc xin phối hợp gồm vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và đôi khi cả vắc xin Hib.

Sau mỗi khoảng thời gian 10 năm, cần tiêm nhắc lại vắc xin loại dùng cho người lớn là giải độc tố uốn ván - bạch hầu (Td) để duy trì khả năng miễn dịch.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự