Sau một tháng nằm viện điều trị bị rắn độc cắn, gia đình anh Nguyễn Văn Thiên xin bệnh viện cho anh về nhà … chờ chết, bởi số tiền điều trị đã lên tới 300 triệu đồng.
Xin về nhà chờ chết
Bác sĩ Bùi Mạnh Cường, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân Nguyễn Văn Thiên (xã Trung Minh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) được chuyển đến Trung tâm chống độc vào ngày 6/10 do bị rắn cạp nia cắn trong tình trạng hết sức nguy kịch: liệt tứ chi, sụp mi, đồng tử giãn, rối loạn hô hấp. Khi đó, các bác sĩ đã phải đặt máy thở và điều trị tích cực thải độc để cứu sống bệnh nhân.
Sau 2 tuần điều trị, nọc độc rắn đã hết trong cơ thể người bệnh nhưng bệnh tình bất ngờ tiến triển nặng do biến chưng tiêu cơ vẫn, dẫn tới suy thận.
Để giữ mạng sống bắt buộc anh Thiên phải chạy thận 2 ngày 1 lần, với chi phí cho mỗi lần chạy lên tới 5 triệu đồng.
Đến nay sau 1 tháng nằm viện, bệnh nhân Thiên đã có thể mở mắt, nghe hiểu, cử động chân tay nhẹ nhưng vẫn chưa tự thở được. Thể trạng của bệnh nhân giảm sút, sụt cân và suy kiệt nặng. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân đã giữ được tính mạng nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị tích cực, nếu không chắc chắn sẽ tử vong.
Tuy nhiên, do nhà quá nghèo, không thể xoay xở được tiền nằm viện, cách đây 2 hôm gia đình anh Thiên đã xin bệnh viện cho anh về nhà chờ chết. Chị Nguyễn Thị Chiến, chị ruột của bệnh nhân cho biết, vợ chồng anh Thiên rất nghèo, cả nhà trông chờ vào mấy sào ruộng và nghề đi bắt rắn của anh Thiên để nuôi 2 con ăn học và 1 mẹ già. Do không có thẻ bảo hiểm y tế, số tiền anh Thiên nằm viện 1 tháng nay đã lên tới hơn 300 triệu đồng.
“Đại gia đình nội ngoại đã phải huy động, vay mượn đủ cách mới có được số tiền 300 triệu cho cậu Thiên nằm viện. Cách đây 1 tuần bệnh viện yêu cầu nộp tiền lọc thận, vợ Thiên chạy vạy khắp nơi nhưng cũng không ai trong gia đình còn tiền để cho vay. Bà con xóm làng thương cảm đã quyên góp được 2,1 triệu đồng giúp đỡ nhưng số tiền đó cũng không đủ cho một lần chạy thận. Hết cách để xoay tiền viện phí nên dù rất thương chồng nhưng vợ cậu Thiên đành ngậm đắng nuốt cay làm đơn xin bệnh viện cho chồng về nhà chờ chết”, chị Chiến nước mắt lưng tròng kể.
TS Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết Trung tâm đã nhận được đơn từ phía gia đình bệnh nhân thôi điều trị, về nhà vì không có khả năng kinh tế.
“Là bác sĩ chúng tôi rất đau lòng khi phải chứng kiến cảnh bệnh nhân xin về nhà chờ chết vì không có tiền điều trị. Với bệnh nhân Thiên, nếu rút ống thở trở về nhà chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong nhưng tiếp tục thực hiện các biện pháp điều trị tích cực sẽ rất tốn kém, gia đình bệnh nhân không lo nổi. Chúng tôi cũng chưa có cách nào để giúp đỡ bệnh nhân được nhiều hơn”, TS Sơn chia sẻ.
Bệnh nhân Thiên xin về nhà chờ chết vì không có tiền nộp viện phí
Liên tiếp bệnh nhân nhập viện vì rắn cắn
Theo TS Sơn, bệnh nhân Thiên không phải là trường hợp bị rắn cắn duy nhất xin về nhà chờ chết vì nhà quá nghèo, không có tiền nộp viện phí. Cách đây vài tháng, các bác sĩ của Trung tâm Chống độc cũng phải đau lòng chứng kiến một trường hợp tương tự ở Hà Nam.
Với bệnh nhân bị liệt do rắn cắn, nếu điều trị kịp thời có thể khỏi sau 1-2 tuần. Ngược lại, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng vì suy hô hấp do liệt cơ. Đặc biệt, với những nam giới bị cạp nia cắn mà lại uống vài chén rượu để giải độc thì nọc độc ngấm vào máu nhanh hơn khiến họ sớm bị đau cứng họng, tê lưỡi dần dần đồng tử mắt dãn và tử vong nhanh hơn.
“Với trường hợp của bệnh nhân Thiên, bị rắn cạp nia (khúc đen khúc trắng) cắn, nếu có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia chỉ cần điều trị 3-4 ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có huyết thanh nên phải điều trị bằng máy thở 4-5 tuần, dễ gây biến chứng viêm phổi, loét da, suy thận. Việc điều trị cho bệnh nhân bị biến chứng này vô cùng khó khăn và tốn kém”, TS Sơn nói.
TS Sơn cảnh báo, hiện đang là thời điểm có số bệnh nhân bị rắn độc cắn vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc tăng cao. Nếu như mọi năm số bệnh nhân bị rắn độc cắn thường tăng mạnh vào thời điểm đầu và giữa mùa mưa sau đó giảm dần thì ở năm nay, đến thời điểm này vẫn hưa có xu hướng giảm mà thậm chí còn tăng lên. Tại trung tâm Chống độc, hầu như ngày nào cũng tiếp nhận 2-3 ca bị rắn độc cắn vào điều trị. Trong đó, phổ biến nhất là bệnh nhân bị cắn bởi rắn cạp nia, tiếp đến là rắn hổ mang bành, hổ mang chúa và rắn lục. Đa số nạn nhân bị rắn cắn trong lúc đi bắt rắn.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi bị rắn cắn người dân cần thực hiện các bước sơ cứu sau: * Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. * Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường): băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm. * Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). * Tuyệt đối không được sử dụng các biện pháp như: garo; trích, rạch, trâm, chọc tại vùng vết cắn; không hút nọc độc; chườm đá; gây điện giật … |