Mỗi buổi chiều thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, tại bệnh viện K2 (Tam Hiệp - Thanh Trì - Hà Nội) các bệnh nhân lại xếp hàng chờ nồi cháo của những người hoàn lương đến phát.
Xếp hàng đợi cháo của những người xăm trổ
Có mặt tại Bệnh viện K2 (cơ sở Tam Hiệp) vào mỗi buổi chiều thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy các bệnh nhân cầm cặp lồng, bát nhựa …xếp hàng dài ở trước nhà ăn bệnh viện. Ngỡ tưởng, đến giờ ăn mọi người xuống lấy cơm, nhưng khi tìm hiểu thì câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Bệnh nhân xếp hàng đợi cháo của nhóm Hướng Thiện vào mỗi chiều thứ 3, thứ 7 tại Bệnh viện K2.
Bác Nguyễn Hoàng Minh (Lạc Sơn – Hòa Bình) cho biết: “Chúng tôi xếp hàng đợi cháo của mấy anh xăm trổ đấy”. Khi nghe thấy vậy, phóng viên không khỏi gật mình và nghĩ rằng: phải chăng có sự không minh bạch gì đó ở đây?
Để có câu trả lời, phóng viên quyết định đợi đến cùng. Đúng 5 giờ chiều, một chiếc xế hộp đỗ trước cửa nhà ăn, bước trong xe ra là một thanh niên đầu trọc, xăm trổ kín cả hai cánh tay, nếu ai mới gặp lần đầu chắc không dám đến gần. Tuy nhiên, khi thấy người thanh niên này bước ra khỏi xe và lấy “hàng” phía sau cốp là 2 thùng cháo vẫn còn bốc hơi nghi ngút, thì tất cả bệnh nhân đều tiến tới gần hơn.
Khi cháo đến bệnh nhân vẫn tuần tự xếp hàng để đợi đến lượt.
Chỉ khoảng 15 phút, khoảng 200 xuất cháo đã phát hết, phóng viên đến hỏi chuyện và được biết, đây là một nhóm thiện nguyện với thâm niên hơn 4 năm phát cháo thường kỳ vào thứ 3 và thứ 7 tại bệnh viện này.
Chia sẻ với phóng viên, anh Đỗ Minh Hòa (trưởng nhóm Hướng Thiện) cho biết: “Chúng tôi đã phát cháo ở đây 4 năm vào thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, dù mưa hay nắng chúng tôi đều có mặt, nếu tôi quá bận thì sẽ có anh em đi thay. Có lẽ vì thế mà những bệnh nhân ở đây đã quen lịch, nên ra sớm để đợi”.
Nói về nguyên nhân anh phát cháo từ thiện anh Hòa chia sẻ: “Ý tưởng nấu cháo miễn phí cho bệnh nhân của xuất phát từ những ngày hai vợ chồng tôi vào chăm sóc mẹ nằm viện một thời gian dài, được chứng kiến rất nhiều người dân nghèo ở viện khổ cực, phải ăn uống tằn tiện cho qua bữa. Vì thế, tôi quyết định sẽ giúp một phần nhỏ bé công sức của mình để giúp đỡ các bệnh nhân không may bị bạo bệnh”.
Người hoàn lương nấu cháo bằng cái tâm hướng thiện
Khi thắc mắc về những thanh niên xăm trổ đi phát cháo, anh Hòa cho biết: “Đó là là câu hỏi tôi hay phải trả lời nhất khi mới xuống đây phát cháo. Ai nhìn thấy mấy chú đấy xăm trổ, đầu chọc đi phát cháo cũng hỏi. Thậm chí, lúc đầu chúng tôi đến bệnh nhân còn “sợ” không dám ra nhận cháo, chúng tôi phải đi gõ cửa từng phòng để mời bệnh nhân ra”.
Nồi cháo được những người hoàn lương nấu bằng cả tấm lòng gửi đến những bệnh nhân ung thư.
“Thật ra, những chú ấy (thanh niên xăm trổ) rất hiền và thương người, nhưng trước đây đã từng lầm lỡ và nay khi đã mãn hạn tù, quay lại xã hội muốn làm nhiều việc có ích cho xã hội nên cũng nhau góp những đồng tiền lương ít ỏi của mình để nấu cháo từ thiện cho những bệnh nhân nghèo”, anh Hòa chia sẻ.
Đi cùng trong đoàn phát cháo còn có một phụ nữ trông rất quý phái, nhưng theo giới thiệu của trưởng nhóm, thì đây chính là người trực tiếp đi chợ, nấu cháo cho các bệnh nhân. Đó là chị Nguyễn Thị Hương, đồng thời cũng là vợ anh Hòa.
Mỗi người một việc, chị Hương đi chợ nấu cháo ...
... còn anh Tuấn đốt lửa nhóm lò và rửa nồi trước và sau khi nấu xong.
Chia sẻ với phóng viên chị Hương cho biết, để có được nồi cháo với 200 xuất như vậy chị phải đi chợ từ sáng sớm, chọn thịt thăn và xương còn tươi, ngon về để nấu.
“Chúng tôi bắt đầu ninh xương từ lúc 11 giờ trưa, đến 1 giờ chiều bắt đầu nấu cháo, cháo nấu khoảng 3 tiếng đồng hồ là đổ vào thùng cách nhiệt đi thẳng xuống bệnh viện để phát cho bệnh nhân”, chị Hương chia sẻ.
Khi hỏi về công việc hiện tại của các thành viên trong nhóm Hướng Thiện, anh Hòa cho biết, trong nhóm mỗi người một việc, tuy nhiên không ai bảo ai, cứ chiều thứu 3 và thứ 7 mọi người lại có mặt để chuẩn bị nấu cháo rồi mang cháo đi phát.
“Vợ chồng tôi đang quản lý một nhà hàng ở đường Thụy Khuê, nhiều hôm công việc bận lắm, nhưng không vì thế mà chúng tôi quên nhiệm vụ nấu cháo cho bệnh nhân, không vì thế mà chúng tôi nấu cháo vội hay nấu cho xong. Bởi tôi nghĩ, nấu một nồi cháo ra mình ăn được thì bệnh nhân mới ăn được, không chỉ có vậy đối với bệnh nhân, họ đang phải chống chọi với bạo bệnh nên chúng tôi dặn lòng phải nấu cháo bằng chính cái tâm của mình”, anh Hòa nói.